13/06/2006 04:30 GMT+7

Đưa xe bò về nơi sang trọng

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG

TT - Có một gã kỹ sư chế tạo máy bỏ cả sáu năm trời để săn lùng những chiếc xe bò. Đó là Lê Trần Dũng, sinh năm 1964. Hiện anh là chủ nhân của một khối lượng tài sản hiếm có: 100 chiếc xe bò cùng hàng ngàn chi tiết phụ kiện của loại xe này.

iVGxKLWR.jpgPhóng to
Anh Lê Trần Dũng - Ảnh: TIẾN HÙNG
TT - Có một gã kỹ sư chế tạo máy bỏ cả sáu năm trời để săn lùng những chiếc xe bò. Đó là Lê Trần Dũng, sinh năm 1964. Hiện anh là chủ nhân của một khối lượng tài sản hiếm có: 100 chiếc xe bò cùng hàng ngàn chi tiết phụ kiện của loại xe này.

Qua tay anh, những chiếc xe sần sùi đã trở thành những món hàng trang trí nội thất sáng tạo và có hồn...

Tâm thức làng quê!

Dũng “xe bò” đã bắt đầu những ngày tháng lăn lộn của mình từ những năm 2001 với bộ đồ cũ mèm, đôi dép da và chiếc Cub cánh én 70 phân khối. Cái vẻ bề ngoài đó làm cho người ta không biết anh là một kỹ sư chế tạo máy, đã kinh qua đủ mọi thứ nghề nghiệp trong cuộc đời.

Dũng chạy từ miệt Lộc Ninh sang tới Mộc Bài, Mộc Hóa, từ Bình Phước sang Long An, Tây Ninh, An Giang... chỉ để lùng ra những chiếc xe bò tà vẹt độc đáo chỉ có ở miền biên giới. Rồi có lần ở Đức Hòa, Đức Huệ bị ve chai vác dao rượt chạy có cờ. Té ra họ tưởng anh tranh ăn cái lõi thép trên xe bò với họ...

Bây giờ thì Dũng có thể thuộc lòng các thông số về xe bò hơn cả những con số chi tiết máy: “Một bánh xe có vành thép nặng 38-42kg, một nòng thép để đút lõi thép qua đùm nặng 17kg cộng các thứ khác thì khoảng 70-80kg thép, mỗi xe có hai bánh, khoảng 170kg, cộng với cây cốt nặng 35kg nữa, nhân cho 6.000 đồng/kg, vị chi hơn 1 triệu đồng tiền thép.

Ve chai đi lùng mua, rồi đập bánh, cưa đùm để lấy thép ra, đống gỗ còn lại mấy lò hầm than, lò bánh mì mua về đốt. Vậy là tiêu đời một chiếc xe bò, còn tui mua về để dành vậy”.

cXlIEgr4.jpgPhóng to
* Cái gì từ chiếc xe bò làm anh mê dữ vậy?

- Chiếc xe bò chứa đựng cả một câu chuyện thời cuộc. Có nhiều thứ tôi “ngộ ra” nhưng ấn tượng nhất là cái ách. Tôi có 100 chiếc xe bò thì chỉ được 20 cái ách. Có một nguyên tắc bất di bất dịch: bán xe nhưng không bán ách. Hoặc là người ta cho không mình, hoặc là người ta giữ nó lại gác trên giàn mãi mãi.

Ngày thường, sau một vụ mùa, sau những lần kéo xe, cái ách được chủ nhân đem về rửa sạch treo lên giàn. Tôi có hỏi một lão nông, ông không trả lời mà kể với tôi rằng nhà nông khi tra cán cuốc hay cán búa đều “né” cái tâm, bởi tương truyền vị trí “tâm điểm” là của Thần nông và mọi thứ khác phải dịch đi một tí để tôn trọng.

Cái ách xe bò cũng vậy, đời mỗi con bò gắn liền với một cái ách trên cổ từ lúc gác ách (trưởng thành) cho tới lúc già và chết đi nên nó luôn thấm đẫm mồ hôi và cả máu của con bò nữa. Nó thân thương máu mủ như vậy, người ta tin bán nó đi tức là bỏ nghề nông mãi mãi.

* Vậy là anh muốn lưu giữ gì cho hậu thế?

- Tôi muốn giữ một phần quá khứ của nông thôn Việt Nam. Trong từng cái căm xe bò bị nhăn nheo mặt gỗ này chứa đựng nước mắt, mồ hôi, sức bào mòn của thời gian, nó nhắc nhở nguồn cội lịch sử... Nhưng tôi không muốn nó nằm yên trong góc sân bị bụi bặm, sình lầy.

Tôi muốn đưa nó vào những nơi chốn sang trọng nhất, có thể là những resort hiện đại, những khách sạn lớn... mà ở đó xe bò sẽ là những bộ ghế xoay, những chiếc đèn bàn, những chiếc xích đu, những vật dụng trang trí nội thất đầy sáng tạo... Cái hồn gỗ với những nếp nhăn gần như chỉ còn lõi kia sẽ nói cho hậu thế biết ông bà mình như thế nào. Chỉ có cách đó mới làm quá khứ có chỗ đứng của nó...

Dũng đang mong ước một ngày nào đó sẽ tổ chức một buổi triển lãm thật hoành tráng, ở những nơi sang trọng nhất, mời hết những người nông dân đã bán xe bò cho Dũng về dự để chứng kiến việc làm của Dũng, và mời họ kể những câu chuyện về chiếc xe bò lam lũ ngày xưa đang ngự trong những ngôi nhà sang trọng.

Ước mơ của Dũng vẫn còn xa bởi để thực hiện việc đưa những chiếc xe bò vào những nơi lịch sự, cao cấp, Dũng đã phải cầm cố nhà của mình để nuôi ước vọng...

Giấc mơ trình diễn xe bò!

Với Dũng, xe bò không đơn thuần là phương tiện chuyên chở ở nông thôn, mà nó còn phản ánh đặc tính của từng vùng. Thông thường có hai loại, phổ thông nhất là xe thổ mộ với đùm ngắn thường dùng để chở lúa và các loại hàng hóa nông nghiệp khác. Loại hiếm hơn là xe tà vẹt, thường xuất hiện ở vùng cao, vùng biên giới, đùm dài, căm to và được khoan lỗ xuyên cốt xe.

Xe tà vẹt chở cây gỗ nặng cách mấy cũng nhẹ nhàng uyển chuyển nương theo địa hình mà không bị lật ngang bao giờ. Ở những vùng Phan Thiết, mũi Kê Gà, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phước Hải... xe bò có bánh xe rất lớn để vượt những địa hình cát. Rồi cái lục lạc nữa, được thay đổi 18, 15, 13 cái... tùy thuộc sự khá, nghèo hay tuổi tác của gia chủ.

Những vùng biên giới (Mộc Hóa, Tịnh Biên, Kiên Giang...) người ta hay có thói quen xài mõ gỗ kêu lóc cóc trên cổ con bò. Còn vùng Tây Nam bộ, Củ Chi, Tây Ninh... người ta hay xài lục lạc leng keng. Còn ở Đồng Nai, Long Khánh, Long Bình... người nông dân lại xài chuông đồng... Ngồi nghe Dũng kể chuyện xe bò mà tôi cứ tưởng anh có thể in thành sách nhiều tập.

Để lùng cho ra những chiếc xe bò, Dũng đã đi khắp các vùng nông thôn, gặp cả những kẻ giang hồ không muốn anh xen vào khi họ “làm thịt” chiếc xe bò để lấy gỗ, lấy thép... Mỗi chiếc xe của Dũng có một “lý lịch” và kỷ niệm hẳn hòi, có lúc phải xông vô chuồng bò, gạt phân, gạt bụi, lau sạch từng chi tiết xe bò lấy lòng những bậc lão nông.

Đi lùng mua riết cho tới lúc mọi người nói Dũng bị khùng. Ngay cả những người bạn thân nhất, tưởng là có thể hiểu được mình, cũng nói thẳng: “Thiếu gì cái làm sao lại đi mua xe bò, mày khùng nặng rồi!”. Ngay cả vợ Dũng cũng phán khi anh về tâm sự chuyện bị người ta gọi là khùng: “Thì anh bình tĩnh coi lại mình đi, có giống người khùng không!”. Không chỉ mua về để đó mà Dũng lại cho tháo ra, ráp vào, phác thảo, cưa xẻ, tạo hình... cứ như người... khùng!

Đến khi Dũng bắt đầu cho ra những sản phẩm đầu tiên từ chiếc xe bò: những vành xe, bánh xe, cái ách, cái căm... kết hợp với nhau thành những chiếc ghế đứng, ghế xoay, cái bàn, cái đèn phòng, đèn bàn, xích đu... ra đời và đi chào hàng thì mọi người mới ngớ ra và gật đầu thích thú: “Thằng này đâu có khùng!”.

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên