Phóng to |
Cảnh trong vở Ngoại tổdâng đầu được đông đảo khán giả đón nhận - Ảnh tư liệu (Tú Phương chụp lại) |
Việc biểu diễn các trích đoạn tuồng trong các chương trình nghệ thuật phục vụ du khách tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Ðà Nẵng) vừa được UBND TP thông qua theo đề nghị của Sở VH-TT&DL Ðà Nẵng,
Trao đổi với Tuổi Trẻ, NSND Trần Ðình Sanh - giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - cho biết: mục tiêu của chương trình Nghệ thuật truyền thống dân tộc Việt Nam là giới thiệu với du khách về nghệ thuật sân khấu, chủ yếu là sân khấu tuồng, bên cạnh đó khai thác tầng sâu của văn hóa Chăm qua các điệu múa.
Theo ông Sanh, chương trình không chỉ giúp đưa tuồng cổ tiếp cận với khán giả mà còn hướng đến mục tiêu xa hơn là quảng bá hình ảnh và nghệ thuật truyền thống của dân tộc, góp phần làm sống động, bảo tồn nghệ thuật tuồng cổ. Nhiều hoạt động phụ trợ cũng sẽ được tổ chức như: trưng bày hình ảnh về nghệ thuật tuồng; trang phục tuồng, nhạc cụ dân tộc; bày bán sản phẩm lưu niệm (trang phục, đạo cụ, mặt nạ tuồng, móc khóa có hình ảnh điểm du lịch, DVD các đêm diễn)...
Phóng to |
Cảnh trong vở Hộ sinh đàn biểu diễn tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - Ảnh tư liệu |
"Nhiều năm trước, với nhu cầu tự thân chúng tôi đã tổ chức các chương trình biểu diễn phục vụ du khách tại khách sạn, tàu du lịch, bến tàu... và sau đó tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Tuy nhiên, lúc bấy giờ chỉ theo mùa vụ, phụ thuộc nhu cầu của du khách và sự tham gia của các đơn vị lữ hành, có lúc từ 4-5 đêm diễn/tuần, nhưng có khi cả tháng mới có một đêm diễn. Từ đầu năm 2010, Sở VH-TT&DL có hướng thúc đẩy việc tổ chức chương trình chuyên phục vụ du khách. Ðây là một tín hiệu mừng cho anh em làm nghệ thuật được sống với nghề và góp phần bảo tồn nghệ thuật tuồng. Với người nghệ sĩ, không gì hạnh phúc bằng việc sân khấu thường xuyên sáng đèn và được khán giả đón nhận" - ông Sanh chia sẻ.
Những vở diễn và các trích đoạn tuồng như Ngoại tổ dâng đầu, Lý Phụng Ðình, Hộ sinh đàn... tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh từng được nhiều du khách quốc tế đón nhận, thích thú vì thấy mới lạ, nhất là về nghệ thuật hóa trang nhân vật chính diện, phản diện.
Bên cạnh chương trình Nghệ thuật truyền thống dân tộc Việt Nam, ba chương trình khác cũng được Sở VH-TT&DL TP Ðà Nẵng đưa vào biểu diễn phục vụ du khách từ dịp Tết Canh Dần bao gồm: Một thoáng Việt Nam, Thời trang dân tộc Việt và Giao lưu Việt Nam - quốc tế. Các chương trình trên do bốn đơn vị đảm trách và duy trì thường xuyên vào 20g thứ tư và thứ bảy hằng tuần.
Bà Văn Thu Bích - phó trưởng phòng nghiệp vụ văn hóa Sở VH-TT&DL - cho hay sẽ "kéo" các hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng, điểm du lịch vào cuộc để giới thiệu nghệ thuật tuồng với du khách.
Theo ông Nguyễn Thành Lưu - giám đốc chi nhánh Saigontourist tại Ðà Nẵng, đơn vị từng tham gia đưa khách quốc tế đến xem biểu diễn tuồng tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh theo yêu cầu của đoàn khách nhưng không duy trì được lâu dài. Song, hiện tại các đơn vị lữ hành như Saigontourist, Vitours, Vietravel đều khẳng định từ năm 2010 sẽ tích cực hợp tác bằng cách lồng ghép các chương trình nghệ thuật trên vào các chương trình du lịch.
Vượt qua giai đoạn khủng hoảng của sân khấu tuồng khi vắng bóng khán giả, hai năm trở lại đây Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thuờng xuyên sáng đèn với nhiều vở diễn, trích đoạn tuồng kết hợp với các chương trình múa dân gian, hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Đã có hơn 350.000 lượt khán giả, trong đó phần lớn là du khách quốc tế đến với nhà hát để xem biểu diễn tuồng cổ. Có những đêm khán phòng tràn ngập tiếng vỗ tay tán thưởng của du khách đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan... Có thể nói, cấu trúc hài hòa của một đêm diễn với múa, nhạc truyền thống, trích đoạn tuồng cùng với mô hình “sân khấu học đường” - đưa nghệ thuật vào trường học - đã giúp tạo ra những hiệu quả đáng kể. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận