“Đây lẽ ra phải là một bộ luật lớn, nhưng cho đến nay cách thể hiện còn đơn giản. Tôi cảm nhận qua thảo luận ở Quốc hội là chưa đạt yêu cầu. Rất nhiều điểm vẫn để lại cho Chính phủ hướng dẫn” - ông Nguyễn Sinh Hùng nói.
Lấy ý kiến nhân dân từ 15-1-2013 Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) trong vòng ba tháng, bắt đầu từ ngày 15-1-2013. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác; phải được nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc. |
Chủ tịch Quốc hội đặt hàng loạt vấn đề về đền bù thu hồi đất; định giá, cơ quan đấu giá độc lập; khiếu nại, tố cáo; chia lại hay không chia lại đất; quan điểm thế nào về đất tôn giáo, đất dân tộc...
“Vấn đề đất đai phải ra được một bộ luật, rất cụ thể từng chương, từng mục để sau này dựa vào đó thực hiện. Nhiều đại biểu cho rằng riêng vấn đề về đền bù cũng đủ làm riêng một đạo luật rồi. Thảo luận chưa đủ kỹ, chưa đủ thông thì chưa đưa ra biểu quyết được. Vì vậy phải đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Tổ chức lấy ý kiến nhân dân xong lại phải đưa dự thảo luật về Chính phủ thảo luận. Luật này không thể làm theo thủ tục thông thường” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, cả Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đều bày tỏ “rất băn khoăn” và “chưa yên tâm” về nội dung của dự luật.
“Tôi cũng có tâm trạng như đồng chí chủ tịch. Cái khó khăn nhất vẫn là định rõ thực chất quyền sở hữu đất đai và quyền sử dụng đất. Đây là vấn đề tâm điểm, tất cả mọi khiếu nại, tố cáo đều xoay quanh chỗ này, nó kìm hãm sự phát triển cũng chính là chỗ này. Chúng ta đang nhập nhằng quyền sở hữu và quyền sử dụng. Với các quyền trao cho người dân như hiện nay thì Nhà nước dễ gì sờ đến mảnh đất của họ”, ông Phước nói.
Về tổ chức định giá đất độc lập, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho rằng dự thảo luật giao cho một tổ chức riêng tiến hành đấu giá thì việc đấu giá sẽ khép kín, không đảm bảo tính khách quan, dễ bị lợi dụng. “Đấu giá phải do các tổ chức chuyên nghiệp hành nghề thực hiện. Các tổ chức này không chỉ tư nhân mà có cả tổ chức của Nhà nước. Hiện chúng ta đang có hàng trăm tổ chức đấu giá chuyên nghiệp với hàng nghìn đấu giá viên” - ông Tụng nêu rõ.
Kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục thảo luận, chỉnh lý dự thảo luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một lần nữa vào đầu tháng 1-2013 trước khi công bố lấy ý kiến nhân dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận