TS Nguyễn Đức Thành cho rằng các chính sách ưu đãi vẫn thiên về thuế và đất đai (thế hệ 1.0) nên đang mất dần sức hấp dẫn - Ảnh: N.AN
Sáng 4-11, tọa đàm khoa học Đặc khu kinh tế: Góc nhìn chính sách đã được Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển (PLD) và Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) phối hợp tổ chức.
Theo TS Nguyễn Đức Thành, viện trưởng Viện VERP, qua khảo sát các văn bản liên quan đến dự thảo Luật Đặc khu cho thấy quá trình chuẩn bị dự thảo dù diễn ra trong thời gian dài nhưng chất lượng lại chưa tốt, chưa tính toán một cách cẩn trọng các tác động kinh tế của việc hình thành các đặc khu.
Ông Thành dẫn chứng nội dung liên quan đến so sánh thuế casino tại dự thảo được chỉnh lý với các quốc gia trên thế giới với mức thuế thấp. Tuy nhiên, khi kiểm tra lại, ông Thành cho biết trên thực tế "không thấy mức thuế thấp ở các nước này".
Đặc biệt, khi bàn về tính khả thi và phù hợp trong trong bối cảnh hiện nay, nghiên cứu của VEPR cũng chỉ ra việc xây dựng các đặc khu là không khả thi.
Nhìn từ thực tiễn xây dựng đặc khu thế giới, có rất nhiều đặc khu được xây dựng nhưng chỉ một số được thành công ở Trung Quốc (như Thâm Quyến) trong khi gần như thất bại.
Trong khi đó, về thể chế dự luật cũng chưa xây dựng được khung thể chế vượt trội, các chính sách ưu đãi vẫn thiên về thuế và đất đai (thế hệ 1.0) nên đang mất dần sức hấp dẫn.
"Các thể chế không có tính thử nghiệm, không có khả năng áp dụng tại các vùng khác và khó tạo động lực lan tỏa. Các vị trí được lựa chọn cũng không còn quỹ đất trống đủ lớn để tạo thuận lợi đặc khu phát triển" - ông Thành nói.
Ông Nguyễn Trung, nguyên trợ lý cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, cho rằng trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng các hiệp định thương mại tự do, nền kinh tế "mở hết cỡ". Trong khi đó, hơn 30 năm xây dựng công nghiệp nhưng mục tiêu công nghiệp hóa vẫn chưa đạt được.
"Toàn bộ việc huy động nguồn lực trong và ngoài nước, tính theo đầu người thì Việt Nam cao hơn Hàn Quốc từ 1,5 - 3 lần. Thế nhưng đến nay họ thành nước công nghiệp, mà mình lại không", ông Trung lo lắng khi hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang do FDI dẫn dắt và sự phụ thuộc nền kinh tế vào Trung Quốc ngày càng lớn.
Do đó, vị chuyên gia này cho rằng trong bối cảnh cuộc chiến Mỹ - Trung đang ngày càng căng thẳng, tạo nên cục diện thế giới mới. Do đó, vấn đề mấu chốt nhiện nay là Việt Nam cần phải xây dựng thể chế, cơ chế để phát huy hiệu quả hơn tất cả nguồn lực, tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận