26/02/2015 10:30 GMT+7

​Tiếng chuông 30 phút một

Bút ký DƯƠNG THÀNH TRUYỀN
Bút ký DƯƠNG THÀNH TRUYỀN

TT - 15g thứ bảy 11-10-2014. Khi chúng tôi bước vào con phố dẫn lối đến nhà thờ Đức Bà Strasbourg, bất ngờ bắt gặp một cuộc tuần hành theo chiều của sự phấn khích.

Cuộc tuần hành cổ vũ cho quyền được đến trường của trẻ em gái tại khu trung tâm Strasbourg - Ảnh: D.T.T.

Có một biểu ngữ căng ngang cổ vũ cho quyền được đến trường của trẻ em gái. Có một tốp nữ nhảy múa theo nhạc để gây chú ý ở phía trước.

Có một khối đông theo sau, ăn mặc cùng một tông với hai màu xanh - hồng và cùng hô vang khẩu hiệu. Trong tờ rơi cổ động phát vào tay tôi thấy có tên một số người nổi tiếng vùng này tham gia cuộc “bày tỏ thái độ”: nhà thơ trào phúng Roger Siffer, nữ danh hài Huguette Dreikaus, nữ ca sĩ Lucia Cavalho, nữ nhà văn - nhà xã hội học Pinar Selek (người Thổ Nhĩ Kỳ, hiện sống và làm việc tại Strasbourg).

Gió và nước và...

Dòng người ồn ào, náo nhiệt, có phần vui vẻ hơn là bức xúc, sau đó tiếp tục tiến về phía quảng trường mang tên Kléper. Quảng trường này nằm ngay trước Bảo tàng thành phố Strasbourg (Aubette), ở giữa đặt tượng đài vị tướng Pháp Kléper (1753-1800) lừng danh.

Nơi này đủ rộng để mọi người đến đây đàn hát, dạo chơi, đọc sách, trò chuyện và... biểu tình! Hoàng Nhi kể chính tại đây bạn cùng cộng đồng người Việt, các du học sinh Việt Nam và những người bạn Pháp ở Strasbourg đã xuống đường phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 tại vùng biển nước ta hồi tháng 5-2014.

Quảng trường Kléper nằm gần trạm xe điện trung tâm “Homme de Fer” nên trở thành điểm cuối của chuyến khám phá... bằng chân. Còn trước đó chúng tôi đã lần lượt chạm qua gần như đầy đủ các di tích nổi tiếng làm nên khu thành cổ “mẫu mực của các thành phố thời Trung cổ”.

Tất cả nối kết với nhau bằng một bố cục đặc biệt - bố cục của gió: từ hai nhánh sông Ill bao quanh Đảo Lớn (Grande Ile), gió bền bỉ và liên tục, men theo đá lát đường, dọc những khung nhà gỗ len qua cỏ hoa và cây xanh, hòa với tiếng đàn, tiếng trống, tiếng hát của các nghệ sĩ đường phố, trộn với mùi kem, mùi bia, mùi cà phê, mùi bánh mì, mùi hạt dẻ nướng từ đủ loại hàng quán, theo nhịp chân của hàng triệu du khách...

Tất cả những điều này tạo thành một không gian tuyến tính, nối nhà với phố, nối phố với phố, nối phố với quảng trường, nối quảng trường với quảng trường, nối quảng trường với những giáo đường và nối từng giáo đường với xanh thẳm trời cao, như một bài thơ khoáng đạt và không có lời kết...

Nhưng thật sự chính nước mới là sự sắp đặt không gian có chiều sâu của Strasbourg.

Từ sông Rhin, nước chia vào các nhánh sông Ill, dẫn qua các con kênh đào và hiện diện khắp thành phố. Nước hằng ngày lặng lẽ trôi dưới những cây cầu có tên hoặc không tên, bằng sắt, bằng đá, bằng gỗ hay có thể quay dọc mở lối.

Nước chảy trên những lòng kênh có độ sâu và độ dốc khác nhau với những âu thuyền chuyển mực nước cho tàu bè xuôi ngược. Nước vỗ vào bậc thềm sân sau của nhà một ai đó, vào khoảng thềm nhỏ vừa đủ cho hai người ngồi bên nhau trò chuyện và cả những bậc lên xuống rộng dài như khán đài sân vận động nhìn ra dòng sông.

Nước chạy song song theo mặt phố, có lúc chạy qua một vách dựng bằng cỏ lá, có lúc đón một vòm liễu rủ chồm xuống chực ngã, có lúc tràn lên bờ làm bạn cùng sỏi đá và cây. Nước chào thực khách trên nhà hàng, cười với du khách trên du thuyền và gọi cả những ai chưa đến đây bằng những khung hình bắt sáng...

Khi chúng tôi rời con tàu của chuyến du hành “Batorama” trên sóng nước với chiều dài 1 giờ 10 phút, chuyện xưa và nay, chuyện cũ và mới, chuyện xa và gần, theo dòng chảy của năm tháng như kết tinh vào trong ký ức bằng những giá trị đáng tự hào cho một thành phố của lịch sử và văn hóa nhân loại:

Năm 842 khi Charles le Chauve (Charles Đầu hói) cùng với Louis le Germanique (Louis nước Đức) tuyên đọc Lời thề Strasbourg, các ông đã để lại cho đời sau một văn kiện vô giá, một tài liệu cổ nhất của tiếng Pháp.

Năm 1438, khi người thợ in Gutenburg (sống ở Strasbourg từ năm 1434-1447) phát minh ra máy in, ông đã mở đường cho những tiến bộ đáng kinh ngạc và có ý nghĩa cho thế giới.

Năm 1792, khi viên sĩ quan công binh Joseph Rouget de Lisle, đồn trú tại Strasbourg, viết nên Ca khúc chiến đấu của đội quân sông Rhin, rồi trở thành Bài ca của người Marseille (Marseillaise), ông đã tạo ra một bài quốc ca hiện đại đầu tiên trên thế giới, một bài ca chiến đấu, một bài ca xung trận, khác với các quốc ca trước kia vốn chỉ dành dâng tặng cho Thượng đế và vua chúa.

Trôi theo nhịp chuông

8g30 chủ nhật 12-10-2014. 

Tôi đi bộ một mình dọc phố chính (Rue principale) của Buhl. Một con đường dốc. Một thiết kế không gian nhà phố rộng thoáng, hài hòa nhưng đa dạng, không đơn điệu lặp lại và thay đổi từng nhịp, có đá tảng làm tường, gỗ vuông làm rào, cây cao làm sân và nhiều sắc màu từ cỏ hoa: hoa trong vườn, hoa theo chậu, hoa bám cùng vách lá, hoa treo mình thành lối đi. Hoàn toàn yên tĩnh.

Chỉ có sương lạnh buổi sớm. Và thi thoảng một chiếc xe hơi hay một chiếc xe đạp trên đường. Nếu có chút âm thanh thì đó là tiếng cười nói vọng ra từ... nhà chúng tôi.

Hóa ra chỗ ở của gia đình Hoàng Nhi không thuộc thành phố Strasbourg: nó là một căn nhà cổ 200 tuổi đúng kiểu colombage, nằm ở làng Buhl, thuộc quận (arrondissement) Wissembourg (Bas - Rhin), càng gần biên giới Đức.

Bữa sáng, chúng tôi bước ra sau vườn rộng, nhặt quả óc chó rụng từ cây óc chó của nhà mình và nhà... hàng xóm, Buổi chiều, chúng tôi đi bộ 500m băng qua mấy cánh đồng bắp, mua sữa tươi với giá 50 xu/lít từ trang trại bò sữa trăm con (tính cả bê non và bò sữa chưa lớn) của bà Katia.

Chồng của Hoàng Nhi, tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, chỉ sang bên kia đường: “Bọn em mua trứng gà vườn ở nhà đối diện và thi thoảng bà ấy lại mổ gà, mổ thỏ. Mỗi năm một lần, bà ấy cho mổ heo, giá chỉ 4 euro/kg, thịt cắt xẻ đúng theo yêu cầu của từng nhà, lại còn làm cả xúc xích...”.

Ở đây không có tiệm sửa xe, cũng không có cửa hàng tạp hóa, mọi người đi siêu thị ở làng bên. Có một điểm thú vị là chuyện các xe tải nhỏ đi bán hàng, giống như hàng rong xứ mình.

Đến ngày đến giờ, họ đến đầu đường, mở cửa hông xe, bấm còi toe toe báo hiệu đã đến, một lát lại đóng cửa xe chạy sang làng khác. Mỗi xe bán một loại khác nhau: xe bánh mì, xe hàng thịt, xe bán các vật dụng nhỏ trong gia đình... Riêng từng xe một, không đi theo đoàn.

Chuyện đồng áng nằm ở xa. Chuyện chăn nuôi khuất sau nếp nhà. Chuyện mua bán cũng thật giản dị. Cả làng Buhl là một bức tranh tĩnh vật, cuộc sống chảy thật chậm, rất chậm, hay nói đúng hơn nó trôi qua từng nhịp theo tiếng chuông nhà thờ, từng 30 phút một!

Có thể bạn sẽ thắc mắc vì sao ở Buhl người ta lại đánh chuông đến nửa tiếng một lần. Câu trả lời: vì vừa có nhà thờ Công giáo, vừa có nhà thờ Tin Lành, một trật tự “công bằng” đã được xác lập, cứ mỗi bên luân phiên đánh chuông từng lượt một, cách nhau nửa giờ! Một kiểu “chung sống hòa bình” của niềm tin vào sự khác biệt có ý nghĩa từ những giá trị tốt đẹp vì cuộc sống và con người.

“Phần lớn các ngôi làng đều có cho mình một nhà thờ Công giáo và một nhà thờ Tin Lành, hay là nhà thờ Công giáo và đền thờ Do Thái, có làng lại tồn tại cả ba dạng công trình này - Bernard Reumaux, giám đốc Nhà xuất bản La Nuée bleue của vùng Alsace, cho biết - Và vào những ngày lễ quan trọng như Nöel hay Pessah, tất cả mọi người đều chung vui với nhau!”.

Thật ra cuộc chung sống tốt đẹp hôm nay đã phải trả bằng máu của đêm trường quá khứ: đêm 24-8-1572, hàng ngàn người theo đạo Tin Lành đã bị thảm sát ở Paris, mở màn cho hàng loạt cuộc chiến tranh đẫm máu giữa hai tôn giáo vốn cùng nguồn gốc này!

___________

Kỳ tới: Giai điệu quê nhà

 

Bút ký DƯƠNG THÀNH TRUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên