01/06/2017 10:23 GMT+7

Sao cứ 'đè cổ' khách sạn lấy thêm?

THẢO NGUYÊN
THẢO NGUYÊN

TTO - Dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội thảo luận vào chiều 29-5. Nhân đây, tôi - một bạn đọc Tuổi Trẻ đang kinh doanh lĩnh vực khách sạn - muốn góp một ý kiến.

Chi phí khách sạn cao thì làm sao giảm giá tour để thu hút du khách? Trong ảnh: khách du lịch đến Hội An - Ảnh: Thanh Ba
Chi phí khách sạn cao thì làm sao giảm giá tour để thu hút du khách? Trong ảnh: khách du lịch đến Hội An - Ảnh: Thanh Ba

 

Không chỉ ở phân khúc khách sạn cao cấp, ngay cả những khách sạn rẻ tiền, giá cả ở Việt Nam cũng từ bằng đến cao hơn nhiều nước, dù nền kinh tế, thu nhập, mức sống của ta thấp hơn họ nhiều lần. Nói thật, đã qua rồi cái thời du khách đến Việt Nam để tấm tắc khen “rẻ quá”

Trong những ngày gần đây, trên diễn đàn báo chí ồn ào quanh câu chuyện đề xuất thu phí tác quyền âm nhạc với tivi trong khách sạn. Xung quanh chuyện này, tôi xin không bàn thêm nữa vì đã có quá nhiều người phân tích về nó. Và thông tin mới nhất thì việc làm này đã được tạm dừng để nghiên cứu tiếp làm cho đúng hơn. Ở đây, tôi chỉ xin bàn về câu chuyện này dưới góc độ du lịch.

Du lịch từ lâu đã được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn, lãnh đạo các cấp khi bàn về du lịch đều khẳng định đây là ngành “công nghiệp không khói” mà chúng ta cần đầu tư, ưu tiên. Tuy nhiên, việc đầu tư và ưu tiên không thể chỉ nói miệng mà cần phải có chính sách hỗ trợ cụ thể.

Tôi xin dẫn chứng một câu chuyện như thế này: Đánh giá về du lịch trong thời gian gần đây, liên tục có những báo động về chuyện thu hút khách nước ngoài đến Việt Nam không cao như mong muốn; thậm chí, với khách ta, vào các dịp lễ tết cũng thường chọn đi tour ra nước ngoài nhiều hơn. Các doanh nghiệp lớn đã phân tích nhiều về chuyện này, trong đó có hai lý do lớn, đó là vé máy bay và khách sạn ở nước ta quá cao.

Ở góc độ giá dịch vụ khách sạn, mọi người cứ thử vào các trang như Agoda, Booking... mà so sánh giá lưu trú ở những quốc gia giàu có như Hàn Quốc, Nhật Bản... so với chúng ta như thế nào. Cách đây vài tháng, tôi đã có một chuyến đi Hàn Quốc và thật sự băn khoăn về chuyện này.

Ví dụ, ở khách sạn President (5 sao) ngay tại trung tâm Seoul, giá lưu trú một đêm tương đương 1,9 triệu đồng cho phòng rẻ nhất. Hay ở Busan, một khách sạn tuyệt đẹp nằm ngay bờ biển như Haeundae Grand cũng chỉ 2 triệu đồng/đêm. Cùng thời điểm đó, tôi xem giá phòng qua Agoda, Booking... thì khách sạn 5 sao ở Hà Nội, TP.HCM có giá tròm trèm 3 triệu đồng/đêm!

Tôi đem câu chuyện này trao đổi với một số bạn bè đang làm ở những doanh nghiệp tên tuổi trong lĩnh vực du lịch. Tổng giám đốc của một doanh nghiệp du lịch tên tuổi cười và chọc tôi rằng: “Dân kinh doanh khách sạn như ông chặt chém quá mà, nên giá tour cao ngất ngưởng, làm sao mà thu hút khách đến Việt Nam được!”.

Tôi biết anh ấy chọc ghẹo thôi, vì ngay sau đó thì anh nói: “Nói vậy thôi chứ tôi hiểu dân kinh doanh khách sạn cũng khổ lắm. Nếu ở các nước, một viên gạch lót nền, một cái lavabo... trang bị trong khách sạn đều được hưởng chính sách miễn giảm thuế để phục vụ cho ngành công nghiệp không khói vì họ cho rằng đó là nguyên liệu sản xuất, thì ở ta mấy ông kinh doanh khách sạn đều phải mua với giá thương mại”.

Đâu chỉ chuyện xây dựng khách sạn, rất nhiều thứ liên quan đến kinh doanh khách sạn đều bị tính giá cao, bị xem như “con bò sữa”. Như giá điện cũng cao hơn bình thường, tiền đổ rác cũng thế...

Và thậm chí, đến cả tiền tác quyền âm nhạc vốn đã thu qua truyền hình rồi, nay người ta cũng tính “đè cổ” khách sạn ra để bổ đầu lấy thêm. Mọi chi phí rồi cũng tính vào giá thành, có nghĩa là cũng “moi túi” du khách mà thôi. Và như vậy làm sao hi vọng giảm giá khách sạn, dẫn đến giảm giá tour để thu hút du khách?

Chỉ một chuyện nhỏ thế thôi nhưng tôi nghĩ nếu không làm, chỉ nói suông là “ưu tiên, đầu tư” thì khó cho du lịch lắm thay!

THẢO NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên