Sông Đà uốn mình quanh co theo thế núi - Ảnh : Tr.T.D. |
Một ngày phiêu bạt trên sông Đà chưa đủ để biết nhiều hơn ngoài bao điều tai nghe mắt thấy, nhưng chuyến đi đã khiến tình yêu quê hương Tây Bắc của tôi càng nồng nàn hơn bao giờ hết.
Kỳ vĩ và huyền ảo
Đó là buổi sáng cuối đông, ở bến đò tọa lạc phía dưới chân cầu Pá Uôn, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La, một công trình đẹp và đồ sộ được ví như dải lụa vắt ngang sông Đà.
Đoàn lữ khách hơn 10 người trên chiếc thuyền sắt hình dáng thon thả, mảnh mai bắt đầu rời bến ngược dòng Đà Giang hướng tới thị xã Mường Lay, Điện Biên.
Đi được khoảng cây số, thuyền chuyển hướng len lỏi vào luồng lạch nhỏ giữa những dãy núi đá vôi trùng điệp ẩn hiện sau lớp sương mù trắng đục buổi ban mai. Cảnh vật lung linh, huyền ảo như chốn hoang đường.
Xa xa thấp thoáng vài chiếc thuyền đánh cá đang thả lưới. Họ là những hộ chài ngày ngày lặng lẽ mưu sinh với công việc làm vó, quăng lưới hoặc thả rọ tôm nơi sơn cùng thủy tận.
Sông Đà còn được gọi là sông Bờ, Đà Giang. Riêng dân tộc Thái thường gọi là Nậm Tè, nghĩa là dòng sông lũ lớn. Sông bắt nguồn từ dãy núi Ngụy Bảo,thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với tổng chiều dài 910km, trong đó đoạn chảy trên lãnh thổ Việt Nam dài 543km trước khi hợp lưu vào dòng chảy sông Hồng tại ngã ba Trung Hà (ranh giới huyện Ba Vì - Hà Nội và tỉnh Phú Thọ), chấm dứt vai trò lịch sử của nó sau khi mang lại nguồn thủy năng phục vụ cho con người... |
Nắng lên, sương tan dần trả lại cho mặt sông một màu xanh biếc. Con thuyền tiếp tục đưa chúng tôi đến cột mốc trên đồi Cao Pô giữa tứ bề mênh mông sóng nước.
Đây từng là vị trí đặt trạm phát sóng truyền hình và là trung tâm huyện lỵ Quỳnh Nhai cũ, trước khi tiến hành một cuộc đại di dân tới 8.435 hộ lên điểm tái định cư tại thị trấn Phiêng Lanh cách đó 30km nhằm nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện Sơn La.
Quỳnh Nhai bên bờ sông Đà không chỉ biết đến là địa danh có phong cảnh sơn thủy hữu tình mà còn là vùng đất đậm đà văn hóa bản sắc Thái được thể hiện qua hình ảnh những nếp nhà sàn đều tăm tắp bên sườn núi hay điệu múa xòe thâu đêm để trai gái xứ Mường giao duyên hò hẹn, hoặc phong tục truyền thống đượm màu sắc tâm linh như lễ hội gội đầu dưới bến nước vào đúng trưa 30 tết hầu gột bỏ sự vất vả, oan trái, xui xẻo của năm cũ theo dòng nước trôi đi, đồng thời cầu mong năm mới gặp được nhiều điều may mắn, thịnh vượng.
Chẳng mấy chốc thuyền đi qua Đan Hau - tên một quả núi nằm trơ trọi ven sông - và nếu nhìn hướng chính diện, khéo tưởng tượng một chút thì thấy núi có dáng hình tựa hai người đang ngồi kẻ trước người sau.
Theo truyền thuyết của người Thái Trắng, Đan Hau có nghĩa là núi bố chồng, con dâu bắt chí. Núi gắn liền với câu chuyện ngày xưa nơi đây còn là rừng rậm đầy thú dữ, có đôi vợ chồng sống ngày ngày phụng dưỡng cha chồng.
Một hôm cô con dâu phát hiện trên đầu cha chồng chí rận bám đầy nên ngồi phía sau lưng bắt chí cho cha mà quên điều cấm kỵ của người Thái là con dâu hoàn toàn không được chạm vào người cha chồng cho dù bất cứ lý do gì.
Hơn thế nữa trong lúc chăm chú bắt chí cô con dâu lại vô tình để bộ ngực chạm vào đầu cha vì thế bị trời trừng trị dùng sét đánh chết cả hai, lâu ngày hóa đá như răn dạy con người phải luôn giữ gìn đạo lý.
Ngây ngất trước kiệt tác thiên nhiên
Giữa trưa thuyền lướt qua ranh giới tỉnh Sơn La, chúng tôi ngẫu nhiên bắt gặp chợ phiên bên bến sông bản Pá Na, xã Tủa Khàn, huyện Tủa Chùa, Điện Biên. Rất tiếc nhằm lúc tan chợ nên thuyền bè, kẻ mua người bán chỉ còn lác đác.
Duy chỉ còn những thuyền chợ vốn là thuyền gỗ hai tầng chất đầy hàng hóa từ cây kim sợi chỉ, ốc vít cho đến vải vóc, bánh kẹo, ống nước, tivi, tủ lạnh... như là một siêu thị di động vẫn còn neo đậu ven bờ. Theo anh Tứng, dân tộc Thái, chợ xã Tủa Khàn đều đặn họp phiên mỗi tháng ba lần, ngày 10, 20 và 30.
Tới nay không chỉ riêng xã Tủa Khàn có chợ phiên mà hầu hết các xã dọc sông Đà đều hình thành chợ phiên nhưng thường tổ chức lệch ngày với các địa phương khác để tạo điều kiện cho các đoàn thuyền chợ và dân bản thuận lợi mua bán.
Sống cách xa phố thị, đường sá khó khăn muốn ra xã cũng mất cả nửa ngày đường, người dân chẳng khác gì rơi vào cảnh ngăn sông cách chợ nên nhờ vào phiên chợ trên sông mà sinh hoạt, đời sống của dân bản đỡ vất vả hơn nhiều.
Sau khi qua khỏi Tủa Khàn, dòng sông Đà bỗng uốn mình khép lại giữa những vách đá cao ngất trời xanh, đồng thời mặt sông bắt đầu chuyển hóa dần màu xanh sậm và từng cơn gió giật thổi qua cùng những đợt sóng vỗ vào mạn thuyền làm nước bắn lên tung tóe như ngòi bút miêu tả của nhà văn Nguyễn Tuân trong tùy bút Người lái đò sông Đà: nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm...
Tuy nhiên đây chính là hẻm núi Kang Chua (có nghĩa là cảnh đẹp sơn thủy hữu tình) kỳ vĩ nhất trên sông Đà như nhiều người lái đò xuôi ngược thừa nhận.
Có thể do lưu vực tại đây có độ dốc cao, lại chảy qua hẻm núi dài gần chục cây số, rồi sóng nước bào mòn vách đá qua hàng triệu năm kiến tạo nên vô số hang động với những nhũ đá muôn hình vạn trạng treo lơ lửng hoặc nửa chìm nửa nổi trên mặt nước, khiến khách phải ngây ngất trước kiệt tác của mẹ thiên nhiên.
Trước khi vào thị xã Mường Lay, chúng tôi có dịp lướt qua vết tích cầu Hang Tôm cũ từng nổi tiếng một thời là loại cầu dây văng đẹp nhất Đông Dương vào cuối thập niên 1960 và là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Tây Bắc.
Ngày nay cầu cũ đã được tháo dỡ và thay vào đó là cầu Hang Tôm mới bằng bêtông được xây dựng cách vị trí cũ khoảng 600m về phía thượng nguồn nối liền hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu.
Du khách miền Nam đang ngao du và ghi ảnh đẹp sông Đà - Ảnh: Tr.T.D. |
Ký ức lịch sử về một vùng đất
Mường Lay là một thị xã trẻ, địa thế lưng tựa vào dãy núi cao đại ngàn Tây Bắc, một mặt hướng ra ngã ba giao cắt của ba con sông: sông Đà từ Mường Tè, Lai Châu đổ xuống; sông Nậm Na bắt nguồn từ cửa khẩu Ma Lu Thằng, Lai Châu chảy qua và sông Nậm Lay ở Điện Biên.
Mường Lay chính là nơi giao thoa của đất trời và sông núi, là mảnh đất chứng kiến biết bao biến cố, thăng trầm của lịch sử. Và vẫn còn đó phế tích dinh thự của Đèo Văn Long, ghi dấu một thời dòng tộc họ Đèo được sự hỗ trợ của người Pháp cử làm chúa xứ và tỉnh trưởng Lai Châu cai trị 12 xứ Thái đã ra sức vơ vét của cải, buôn bán thuốc phiện... gieo sự thống khổ cho người dân Tây Bắc.
Chiều muộn, thuyền cập bến Bản Chang thuộc xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu, chúng tôi rảo bước qua cổng tam quan rồi vượt hơn trăm bậc thang lên viếng đền vua Lê Thái Tổ và bia Lê Lợi trên sườn núi có tên Đồi Tháp.
Quần thể di tích có kiến trúc truyền thống bằng gỗ thiết kế từ thấp đến cao bao gồm: sân đại lễ, nhà bia, đền chính giữa cánh rừng toàn hoa ban trắng.
Theo sử sách, nhân sự kiện tù trưởng Đèo Cát Hãn làm phản, cấu kết với quân giặc tung hoành ngang dọc, quấy nhiễu nhân dân nơi biên ải mà vị anh hùng dân tộc Lê Thái Tổ đã không ngại khó nhọc, đường sá xa xôi thân chinh đi trừng phạt.
Sau khi dẹp xong đám giặc cỏ, cùng với việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ và để răn dạy các tù trưởng cai quản nơi biên giới Tổ quốc, tháng chạp năm Tân Hợi (1432), vua Lê đã làm bài văn bia ghi nhớ sự kiện này và cho khắc trên vách đá núi Pú Huổi Chỏ bên bờ bắc sông Đà.
Do nằm trong vùng ngập thủy điện Sơn La nên văn bia được di dời đến núi Đồi Tháp, cách nơi cũ khoảng 500m và cao hơn vị trí cũ 150m.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận