22/11/2016 15:24 GMT+7

Du lịch đường sông TP.HCM phải có sản phẩm độc đáo

MAI HOA - ĐÌNH DÂN
MAI HOA - ĐÌNH DÂN

TTO - Chiều 22-11, Hội thảo Du lịch đường sông: Hướng phát triển du lịch đặc sắc TP.HCM do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Khách sạn Rex (Q.1, TP.HCM) chính thức khai mạc.

Khách du lịch tham quan trên sông Sài Gòn, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP, ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch thường trực UBND TP, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP, ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cùng lãnh đạo nhiều quận huyện, sở ngành có liên quan, hơn 40 lãnh đạo các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch, bất động sản, các cơ quan báo chí…

Phải có thêm sản phẩm du lịch mới mẻ, hấp dẫn

Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Đỗ Văn Dũng, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho rằng TP.HCM lâu nay vẫn có nhiều lợi thế thu hút khách du lịch vì là trung tâm kinh tế, thương mại lớn.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành du lịch cũng chỉ ra hàng loạt những khiếm khuyết, đặc biệt một thực tế không thể phủ nhận TP.HCM đang mất dần những lợi thế “đầu tàu” cũng như thiếu những sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách. Người dân thành phố cũng như du khách tới đây đều cảm thấy thiếu sản phẩm du lịch độc đáo.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội thảo, chiều 22-11 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

Ông Đỗ Văn Dũng - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - phát biểu chiều 22-11 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong nhiều năm qua, du khách đến TP vẫn trải nghiệm những địa điểm quen thuộc như nhà thờ Đức Bà, Hội trường Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, địa đạo Củ Chi, chiến khu rừng Sác - Cần Giờ...

Cũng vì sản phẩm du lịch gần như không mới nên các hãng lữ hành phải giới thiệu điểm đến ở các địa phương khác. Từ đó, TP.HCM đối mặt với thực tế tụt hậu khi chỉ là nơi trung chuyển.

Ông Đỗ Văn Dũng cho rằng những năm gần đây, ngay cả vai trò trung chuyển của TP HCM cũng đang bị hàng loạt địa phương “qua mặt”. Các điểm đến hấp dẫn tại những địa phương đã có các đường bay thẳng trực tiếp. Các đường bay thẳng từ nước ngoài như Nga, Singapore qua Phú Quốc với giá vé máy bay rất rẻ, du khách không cần ghé qua TP.HCM như trước.

Nha Trang cũng có đường bay thẳng từ Nga, rồi Đà Nẵng có bay thẳng từ Campuchia, Thái Lan... Trong thời gian tới, các hãng hàng không, công ty lữ hành cùng bàn tính phối hợp khai thác thêm hàng loạt những chuyến bay thẳng từ các nước khác đến những địa phương này.

Trước đây, khi TP.HCM còn là điểm trung chuyển thì du khách ít nhất ở lại 1-2 đêm nhưng nay lợi thế này đang dần suy giảm.

Bài toán của ngành du lịch TP là cần xây dựng được hình ảnh cho du khách rằng là phải đến TP.HCM mới được xem là đã tới Việt Nam. Điều ấy đòi hỏi TP phải có những sản phẩm độc đáo, đặc trưng.

Hơn nữa, TP.HCM đang chủ trương phát triển kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng dịch vụ, thương mại.

“Sẽ rất khó đạt được tăng trưởng tỷ trọng ấy, nếu du lịch không có bước tiến đột phá. Điều đó đặt ra yêu cầu phải có thêm các sản phẩm du lịch mới mẻ, hấp dẫn”, ông Đỗ Văn Dũng nói.

Bàn hướng phát triển du lịch đường sông TP.HCM

Sau khi đăng tải các bài viết trong loạt bài Du lịch đường sông “mắc cạn”, báo Tuổi Trẻ nhận được sự quan tâm, chia sẻ của nhiều bạn đọc là các chuyên gia, những người làm du lịch và lãnh đạo sở ngành liên quan của TP.HCM.

Hội thảo này là dịp để các đại biểu thảo luận sâu hơn về các vấn đề liên quan đến phát triển du lịch đường sông của TP.HCM, bàn các giải pháp gỡ khó cho các sản phẩm du lịch đường sông đang triển khai, hướng phát triển cho những sản phẩm sắp tới…

Khách du lịch tham quan trên sông Sài Gòn hướng về trung tâm TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Khách du lịch tham quan trên sông Sài Gòn hướng về trung tâm TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nghiên cứu chợ nổi trên sông ở TP.HCM

Phát biểu về tổng quan du lịch đường sông của TP, Giám đốc Sở Du lịch Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh những vấn đề Sở tập trung trong thời gian tới nhằm phát triển du lịch đường sông theo định hướng là trọng tâm, là sản phẩm chiến lược trong phát triển du lịch TP.

Ông Vũ khẳng định sẽ không có chuyện di dời các cầu tàu, bến đỗ ra Vũng Tàu. “Với định hướng phát triển du lịch đường sông như vậy, Sở Du lịch phối hợp với Sở Giao thông vận tải tham mưu cho TP theo hướng ưu tiên sắp xếp cho các doanh nghiệp có điểm dừng, đón khách phù hợp, thuận lợi nhất cho du khách”, ông Vũ nói.

Về các sản phẩm du lịch, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết sẽ có những chính sách thu hút vốn đầu tư ngoài công lập, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng.

Ông Vũ cho rằng hiện nay khoảng cách giữa điểm đầu, điểm cuối các tour tuyến còn xa. Để có thêm các điểm trung gian, Sở Du lịch sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn để hình thành điểm đến ở các nhà vườn ven sông.

Mới đây, doanh nghiệp Hai Thành đã đưa vào khai thác một điểm dừng như vậy. Đề xuất về việc xây dựng một chợ nổi trên sông ở TP.HCM cũng được nghiên cứu thực hiện.

Quang cảnh hội thảo Du lịch đường sông: Hướng phát triển du lịch đặc sắc TP.HCM chiều 22-11 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Quang cảnh hội thảo chiều 22-11 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Du lịch TP.HCM phát biểu tại hội thảo Du lịch đường, chiều 22-11 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sau phần giải lao giữa giờ, phần thảo luận bắt đầu với sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm, nhà báo Đỗ Văn Dũng - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Du lịch được đề nghị nêu cụ thể hơn về công việc của sở này sắp tới sẽ làm. Ông Vũ khẳng định, trước tiên sẽ tham mưu ngay để khai thác các cầu tàu liên quan đến bến Bạch Đằng để phục vụ du khách trong thời gian tới.

Ông Vũ cho biết, số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đường sông đã giảm từ 37 xuống 19, số tàu cũng giảm từ 130 còn 100. Du khách có nhu cầu thực sự là ăn trưa, thưởng ngoạn trên sông, rất khó để bỏ chi phí để đi từ trung tâm lên Bình Thạnh để ăn trưa. Do vậy rất cần có các cầu tàu, bến đón trả khách thuận lợi…

Dự án mà bà Dương Thị Thanh Thủy nêu tại hội thảo, ông Vũ đề nghị gửi dự án này sang sở Du lịch TP.HCM để có sự thẩm định và báo cáo với TP để triển khai thực hiện.

Nghe ông Vũ trình bày như vậy, chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong ngắt lời, đề nghị Sở Du lịch phải gặp ngay doanh nghiệp để lắng nghe chứ không phải gửi đề án qua lại nữa.

“Vậy chúng tôi sẽ gặp ngay doanh nghiệp, tôi xin khẳng định với doanh nghiệp là sẽ không có thời gian chết trong lúc chờ thẩm định”, ông Vũ khẳng định.

Cuối năm 2017, nâng độ tĩnh không cầu Bình Lợi lên 7m

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường khẳng định: "TP ưu tiên phát triển giao thông thủy. Vận tải hành khách, hàng hóa thuận lợi thì cũng là tạo điều kiện cho du lịch đường sông phát triển.

Hiện nay, độ tĩnh không một số cây cầu còn thấp. Như cầu Bình Lợi hiện nay chỉ 1,8m, không tàu nào qua được mà chỉ có ghe và cano nhỏ.

Ông Cường cho biết ngành giao thông đang phấn đầu đến tháng 10-2017 sẽ hoàn thành việc nâng độ tĩnh không cầu Bình Lợi lên 7m. Trong 2015 có khoảng 11 cảng đường thủy nội địa với vốn đầu tư khoảng 30 tỷ đầu tư đã có, nhưng chưa khai thác được hết về du lịch.

Về băn khoăn của các doanh nghiệp đối với cảng Sài Gòn, ông Cường cho biết một thông tin khiến các doanh nghiệp có mặt tại hội thảo vô cùng phấn khởi, đồng loạt vỗ tay: Cảng SG có kế hoạch di dời trong năm 2016 để phát triển đô thị, Sở cũng đã có kiến nghị nên giữ lại 1800 m cầu cảng, giữ lại để khai thác.

Làm taxi trên sông được không?

Tới tham dự hội thảo, ông Trần Song Hải - chủ tịch HĐTV công ty Greenlines xin trình bày một ý tưởng mới, đó là triển khai Taxi cao cấp trên sông. Theo ông Hải, các tòa nhà cao cấp ven sông, thay vì đi đường bộ về trung tâm TP mất cả tiếng đồng hồ thì có thể đi bằng đường thủy. Đó là những tàu không lật không chìm, giống như các tàu chấp pháp trên biển Đông hiện nay.

Ông Tăng Hữu Phong - Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ tặng hoa cho chủ tọa và diễn giả tại hội thảo, chiều 22-11 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Phạm Huy Bình - chủ tịch HĐQT Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đã khẳng định như vậy.

Theo ông Bình, thời gian tới, lượng khách đến thành phố sẽ ngày càng tăng. Với đặc thù loại hình “du lịch thành phố” (city tourism) như hiện nay sẽ khó thu hút nhiều lượng khách nếu chúng ta không kịp thời tập trung công tác đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, mang lại nhiều lựa chọn cho du khách, gia tăng lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh.

Ông Phạm Huy Bình - chủ tịch HĐTV Tổng công ty Du lịch Sài Gòn phát biểu tại hội thảo, chiều 22-11 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sẽ mất hàng trăm triệu đô hàng năm nếu không làm kịp sản phẩm du lịch

Phát triển các sản phẩm du lịch mới, trong đó có du lịch đường sông là thực sự cần thiết và cấp bách. Chúng ta sẽ đánh mất hàng trăm triệu đô la hàng năm, mà quan trọng hơn hết, chúng ta sẽ đánh mất hàng triệu lượt khách nếu không kịp thời tạo điểm nhấn, sự khác biệt loại hình du lịch đường sông!

Tháng 6 năm 2013, Saigontourist tổ chức lễ giới thiệu chào bán 7 tour đường sông theo các tuyến Thanh Đa, Đại lộ Đông Tây, Phú Mỹ Hưng, Địa đạo Củ Chi, Nhà vườn quận 9, Tuyến tham quan khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ với các tuyến điểm tham quan tại khu du lịch Vàm Sát, khu đảo khỉ, khu du lịch Cần Giờ; tuyến TP.HCM về các tỉnh miền tây, miền Đông Nam Bộ...

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên, kết quả du lịch đường sông của Saigontourist trong những năm qua chưa đạt như kỳ vọng ban đầu. Đối với du lịch đường sông tại thành phố, thực khách sử dụng sản phẩm trên các tàu nhà hàng ban đêm vẫn chiếm nhiều hơn du khách đi theo tour đường sông.

Saigontourist đang đầu tư đóng mới tàu với sức chứa 800 chỗ khai thác tại trung tâm thành phố, vừa là tàu nhà hàng, vừa loại hình đưa du khách tham quan sông nước thành phố.

Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay đối với việc khai thác loại hình du lịch đường sông của hệ thống Saigontourist là bến tàu. Hiện tại, bến tàu đón trả khách du lịch đang đặt tại khu du lịch Tân Cảng, vị trí không thuận tiện đường đi lại, dẫn đến phát sinh thêm chi phí đưa đón khách, làm giảm sức hấp dẫn sản phẩm du lịch đường sông.

Cần có nhạc trưởng kết nối các doanh nghiệp, cá nhân làm du lịch

Từ những phân tích trên, ông Phạm Huy Bình kiến nghị lãnh đạo Thành phố chỉ đạo triển khai đồng bộ đề án phát triển du lịch đường sông, với sự tham gia phối hợp của các ngành, địa phương liên quan. “Trong lĩnh vực này, cần có nhạc trưởng kết nối các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân”, ông Bình nhấn mạnh.

Ngoài ra, cần quy hoạch cụ thể về bến đỗ cho các phương tiện và phân luồng lưu thông. Hệ thống các bến tàu phải được xây dựng và phát triển đồng bộ đi cùng với các sản phẩm tour đường sông. Hỗ trợ bến neo đậu cho các phương tiện phục vụ du lịch đường sông của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn. Có ưu đãi hỗ trợ nhất định đối với các đơn vị kinh doanh du lịch đường sông.

chú trọng công tác vệ sinh môi trường, an toàn, hệ thống kênh rạch nội đô sạch sẽ để tạo cảnh quan thông thoáng và hấp dẫn du khách.

Ông Bình cũng cho rằng, TP.HCM cần sự liên kết với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh lân cận để cùng kết hợp tạo thêm điểm nhấn tham quan, xây dựng nhà chờ bến đậu.

Cụ thể, theo lộ trình cano đang thực hiện hiện tại tuyến  Tân Cảng - Củ Chi thì tại khu vực Phú Cường - Bình Dương nên có bến cầu tàu để du khách có thể dừng chân kết hợp tham quan chợ Bình Dương, Làng Nghề truyền thống làm gốm sứ hoặc Chùa Bà Bình Dương bằng xe điện…

Theo báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM, tính đến cuối năm 2015, Sở Du lịch tham mưu và triển khai 7 tuyến du lịch, gồm 2 tuyến tầm ngắn: Bạch Đằng dọc theo đại lộ Đông Tây, Bạch Đằng – Phú Mỹ Hưng; 3 tuyến tầm trung: Bạch Đằng – Địa đạo Củ Chi, Bạch Đằng - Cần Giờ và Bạch Đằng – Chùa Hội Sơn, Quận 9 và 2 tuyến tầm xa kết nối các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia với sự tham gia của một số công ty: Tổng Công ty du lịch Sài Gòn, Saigon River Tour, Les Rives…

Để tạo điều kiện phát triển loại hình du lịch đường sông, thành phố luôn quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng cho loại hình du lịch này (từ năm 2013 đến nay, thành phố đã phê duyệt danh mục xây dựng 13 bến đỗ từ nguồn Ngân sách Nhà nước và 21 bến do tư nhân đầu tư).

Hiện nay, toàn thành phố hiện còn 19 doanh nghiệp đang tham gia khai thác du lịch đường sông với hơn 100 phương tiện vận chuyển các loại (tàu, thuyền, du thuyền, canô…). Số lượt khách tham quan trên sông trong 9 tháng đầu năm 2016 có tăng nhưng không đáng kể: 68.000 lượt so với 63.670 lượt năm 2015.

Tổng lượng khách tham quan trên sông từ năm 2013 đến quý III/2016 đạt khoảng 257.684 lượt, bình quân mỗi năm tăng 11,5%.

* Tiếp tục cập nhật

MAI HOA - ĐÌNH DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên