22/11/2015 08:36 GMT+7

Đi trên quê hương mình 
cùng người “tuyệt ngon”

LÊ NAM (lenam@tuoitre.com.vn)
LÊ NAM (lenam@tuoitre.com.vn)

TT - Bắt chước cách nói của Tản Đà, một chuyến đi “ngon” là phải có những điểm đến “ngon” và người cùng đi “tuyệt ngon”. Ông Trần Thế Dũng chính là người “tuyệt ngon” ấy...

Nghe đọc báo tin bài này
Ông Trần Thế Dũng thuyết minh cho du khách về ải Chi Lăng - Ảnh: H.T.
Ông Trần Thế Dũng thuyết minh cho du khách về ải Chi Lăng - Ảnh: H.T.

Đó là một câu trong thư của một nhà giáo sau khi cùng gia đình đi tour Đông Bắc mùa lúa ruộng bậc thang chín vàng hồi tháng 9 năm nay với vị hướng dẫn viên, đồng thời cũng là phó giám đốc Công ty Thế Hệ Trẻ Trần Thế Dũng. Tại sao vị thầy giáo ấy lại bảo ông Dũng “tuyệt ngon”?

Ông viết tiếp: “Anh chính là người đã mang đến những động lực, rồi thúc đẩy tất cả mọi người cảm nhận được cái đẹp của việc “đi trên quê hương mình” và cái đẹp của những cung đường và điểm đến. Mọi thành viên trong gia đình đều nhớ và tiếc những ngày “đi hành xác” sao qua quá nhanh. Đồng thời cũng rất mong chóng gặp lại”.

Quê hương mình đẹp quá. Biên giới cũng đẹp, biển đảo cũng đẹp. Mình làm du lịch phải tìm mọi cách đưa đồng bào mình đến trải nghiệm, khám phá một vùng đất linh thiêng để thấy thêm yêu quê hương đất nước...

Ông TRẦN THẾ DŨNG

“Vua tour mới”

Theo dõi lĩnh vực du lịch đã nhiều năm, chúng tôi chưa thấy ai lạ hơn vị hướng dẫn viên “lão tướng” Trần Thế Dũng. Sang năm ông đã tròn 60 tuổi, cái tuổi lẽ ra đã nghỉ hưu từ lâu đối với nghề hướng dẫn du lịch.

Vậy nhưng ông vẫn cứ lang thang suốt với du khách ở các tỉnh vùng phên giậu phía Bắc. Dĩ nhiên, một phần ông phải đi như thế là để duy trì thương hiệu Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ của mình, khi mà du khách tìm đến những tour độc, lạ cũng vì ông phó giám đốc kiêm hướng dẫn viên này.

Nói “một phần” thôi là bởi con cái của ông giờ đã thành đạt đều một hai giục ông nghỉ ngơi đi. Nhưng ông bảo cái vốn của hơn 30 năm lăn lộn trong nghề du lịch, đặc biệt là mớ kiến thức ngồn ngộn về quê hương gấm vóc chưa truyền lại được cho ai để làm nghề cả.

Vì vậy, ông “hoãn binh” với con cái: “Khi nào ba tìm được truyền nhân thì nghỉ ngay”. Nhưng đến giờ thì như ông thú nhận: Chưa tìm thấy truyền nhân!

Ông Dũng khởi nghiệp du lịch với vai trò là một trong những người sáng lập Công ty du lịch Thanh Niên, và ông là người phụ trách phòng du lịch nội địa. Sau hơn 20 năm gắn bó với đơn vị du lịch nổi tiếng này của Thành đoàn TP.HCM, ông quyết định ra riêng cùng Thế Hệ Trẻ của mình được tròn 15 năm.

Với những người ham đi đó đi đây trong nước, người ta vẫn gọi ông là “vua tour mới”. Vâng, làng du lịch Việt ghi nhận ông là người đầu tiên đi khảo sát rồi xây dựng tour vịnh Vân Phong (Khánh Hòa), sông Gâm (Hà Giang), bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa), buôn Đôn, hồ Lắk (Buôn Ma Thuột)...

Thậm chí địa danh Sa Pa giờ đây quá đỗi quen thuộc nhưng mấy ai biết chính ông là người đi khảo sát để du lịch Thanh Niên là đơn vị đầu tiên đưa tour Sa Pa vào khai thác hơn 20 năm trước.

Rồi hệ thống hang động núi lửa ở Đắk Nông vừa được khám phá, ông cũng là người đầu tiên đưa khách vào.

Ông tâm sự về chuyện tại sao mình luôn đi tìm tòi, thiết kế tour mới: “Tôi nghĩ làm du lịch quan trọng nhất là phải có sản phẩm mới, có thể là đường cũ tour cũ nhưng phải là điểm đến mới. Đất nước mình còn quá nhiều nơi đáng đến, nhưng không phải ai cũng có điều kiện đến được. Vì vậy, người làm du lịch phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho du khách đến được những điểm đáng đến đó”.

Một trong những tour mới, độc mà đến cả dân phượt chính hiệu cũng chưa hẳn ai cũng đi được, đó chính là ngoạn cảnh sông Gâm trong tour Đông Bắc.

Ông kể: “Ngày xưa mình cứ nghĩ sông của VN là hạ nguồn của các dòng sông lớn bắt nguồn bên Trung Quốc nên nghĩ là xấu, đục ngầu, cảnh quan hai bên không đẹp...

Nhưng có một lần tôi tình cờ đi vào vùng Na Hang (Tuyên Quang) nhìn công trình thủy điện đang xây dựng, nhìn dòng sông sao mà đẹp quá, xanh ngắt, lại nằm len lỏi giữa những khu rừng, núi đá vôi. Thế là tôi tìm bản đồ xem thử thượng nguồn và hạ nguồn sông ra sao nên lần mò đến Bắc Mê (Hà Giang) thì thấy nơi đây và các khu vực lân cận nước đã dâng cao.

Tôi quyết định đi thử hai đầu Na Hang và Bắc Mê cách nhau gần 100km. Nhưng thời điểm năm 2008 chưa có đường từ Bắc Mê vào bến thuyền nên thuê xe máy đi đường bộ hơn 20km men theo đường bản làng, và... bế tắc.

Không bỏ cuộc, một năm sau tôi quay lại và mừng húm khi đã có con đường lộ vừa được làm xong. Thế là tôi tìm thuê một con thuyền chạy một mạch hơn 90km từ Bắc Mê lên Na Hang trên con sông Gâm, sau đó tiếp tục đi thêm 40km để lên sông Năng rồi ráp vào hồ Ba Bể. Và từ đó, tuyến này trở thành đặc sản của tôi trong tour Đông Bắc”.

Nói thì đơn giản như thế, nhưng bắt tay vào thực hiện thật không dễ chút nào. Ví dụ, thuyền ở vùng Bắc Mê chỉ là mấy con đò nho nhỏ làm sao dám thuê làm du lịch. Mà thuyền lớn thì phải thuê từ Na Hang ngược dòng lên Bắc Mê cả trăm cây số. Như vậy thì chi phí rất cao.

Nhưng mặc, ông Dũng vẫn quyết định “chơi”, lãi ít cũng được, miễn là mang đến cho du khách một cảm giác ngất ngây khi đi thuyền dọc con sông đẹp đến ngỡ ngàng này. Một vị khách tên tuổi là phó giáo sư - tiến sĩ Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM) trong một lần đi tour này về cũng hết lời khen ngợi.

Chỉ riêng tour Đông Bắc này, năm đầu tiên khai thác chỉ có khoảng 200 khách, đến năm sau 2013 tăng lên 460 khách và năm 2014 được hơn 800 khách. Còn năm 2015, ông Dũng chưa thống kê nhưng cười tủm tỉm cho biết mình gần như chẳng có mặt ở nhà khi phải đi suốt để dẫn khách!

Một cây bút viết du lịch...

Ở cuộc thi báo chí về lĩnh vực du lịch do Sở Du lịch và Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức, gần như chẳng có kỳ nào mà ông Trần Thế Dũng không ẵm giải! Như năm nay, ông đoạt giải với đề tài “Lên rừng, xuống biển Thổ Chu” đăng trên chính trang du lịch Tuổi Trẻ ngày chủ nhật.

Thổ Chu thì có lẽ rất nhiều người đã đến và nhiều người đã viết. Nhưng chắc chắn không có nhà báo nào kỳ công như ông, khi thuê ghe để lặn biển Thổ Chu, mang lại những bức ảnh đẹp tuyệt vời của đáy biển vùng này.

Thật ra đó là một chuyến đi kết hợp. Một mặt ông vừa khảo sát để chuẩn bị cho tour mới, mặt khác ông muốn chia sẻ những điều mình cảm nhận với bạn đọc yêu du lịch.

Không chỉ ưa đi tìm cái mới, đề tài của ông thường cũng rất tinh tế và đầy chất đam mê về lịch sử. Trong loại đề tài này, cả làng du lịch ai cũng nể ông về câu chuyện của ải Chi Lăng ở Lạng Sơn.

Cô Nga, một giáo viên ở TP.HCM, đã kể thế này: “Tôi đã từng vài lần đi Lạng Sơn do một số công ty khác tổ chức cho trường. Nhưng tất cả đều chỉ biết rằng trên con đường quốc lộ 1 từ Lạng Sơn về Hà Nội có một chỗ cắm bảng để ải Chi Lăng. Phải đến khi đọc bài viết “Đừng gây hiểu lầm về ải Chi Lăng” của anh Dũng đăng trên Tuổi Trẻ thì tôi mới biết mình chưa hề đến được ải Chi Lăng”. Vì vậy, cô Nga phải đăng ký đi thêm một lần nữa để đến tận nơi mà thời xa xưa giặc phương Bắc phải hãi hùng gọi là “thập nhất khứ, nhất nhân hồi”!

Hóa ra, con đường đi qua ải Chi Lăng thật, nơi dễ dàng thấy ngọn núi mặt quỷ, là nằm trên con đường cũ, còn con đường mới chẳng thấy gì nhưng lại được cắm biển là ải Chi Lăng!

Sau bài viết này, ông Hoàng Văn Páo, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Lạng Sơn, thừa nhận góp ý của ông Dũng là chính xác và hứa sẽ ghi chú rõ hơn để mọi người không bị nhầm lẫn về lịch sử khi đi du lịch đến đây.

Nhớ lại chuyện này, ông Dũng kể: “Đề tài nảy sinh từ một việc rất đơn giản, đó là khi tôi hỏi nhiều hướng dẫn viên vì sao không đưa khách vào đúng cửa ải thật mà lại cho khách dừng ở ngoài đường mới chỉ gắn cái biển không chính xác thì tất cả đều bảo là họ không biết! Tôi nghĩ trong 15 năm qua (khi con đường mới hoàn tất vào năm 2000) đã có biết bao du khách bị hiểu lầm như vậy, và đó là một sự tai hại trong vấn đề cảm nhận về lịch sử - một điều vô cùng quan trọng với khách du lịch. Từ đó, tôi đi tìm hiểu chi tiết để viết bài báo về ải Chi Lăng”.

Một nhân vật tích cực

Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Lã Quốc Khánh cho biết Ban chỉ đạo Tây Bắc vừa đề nghị giới thiệu vài nhân vật có đóng góp tích cực cho việc phát triển du lịch khu vực này để tuyên dương, và ông Trần Thế Dũng là một trong những nhân vật tích cực được đề cử. “Anh Dũng là người đi lang thang khắp cả vùng Đông Bắc và Tây Bắc nhằm tìm kiếm tour mới” - ông Khánh nhận xét.

Còn phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Khánh nhận định ông Dũng là một trong những thành viên tích cực nhất của nhóm khuyến mãi kích cầu du lịch nội địa TP.HCM, và hoạt động của nhóm kích cầu đã được nhiều địa phương và cả Tổng cục Du lịch VN học tập, nhân rộng.

LÊ NAM (lenam@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên