Cầu thang ở nhà dài hiện nay tại hồ Lak, Đắk Lắk - Ảnh: Hồ Tường |
Nhà dài của người Ê Đê và người M’Nông ở tỉnh Đắk Lắk khác hẳn nhà ở của người Việt nên nó đã trở thành điểm đến của nhiều du khách khi thực hiện chuyến du lịch đến vùng đất này.
Và nó cũng không thể thiếu trong bài giảng của thầy, cô khi lên lớp cho các sinh viên theo học ngành du lịch lữ hành và hướng dẫn viên du lịch mà một trong các điểm độc đáo là lối vào nhà dài được bố trí ở hai đầu hồi, tức ở hai bên hông nhà, khác hẳn với nhà người Việt.
Vì là nhà sàn cao cách mặt đất khoảng 1,2 mét, cho nên ở hai đầu nhà đều có cầu thang gác từ dưới đất lên sàn: một cầu thang được gọi là cầu thang Đực và một cầu thang được gọi là cầu thang Cái.
Cầu thang Đực ở nhà dài tại hồ Lăk - Ảnh: Hồ Tường |
Không hiếm giảng viên ngành du lịch hiện nay chưa có kinh nghiệm thực tế; rồi môn nào không có giáo trình thì giảng viên tự soạn bài giảng bằng cách tìm tư liệu trên internet. Hệ quả là nếu giáo trình hay dữ liệu trên internet không chính xác thì nội dung bài giảng của những giảng viên này cung cấp kiến thức sinh viên sai với thực tế.
Đó chính là trường hợp của cầu thang Đực và cầu thang Cái ở nhà dài người Ê Đê và người M’Nông ở tỉnh Đăk Lắk.
Hai giảng viên của Trường du lịch và khách sạn X. và Trường cao đẳng nghề du lịch Y. ở TP.HCM giảng cho các sinh viên ngành du lịch lữ hành và hướng dẫn viên du lịch rằng: “Ở nhà dài của người Ê Đê và người M’Nông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, cầu thang đực dành cho nam giới, cầu thang cái dành cho nữ giới”.
Tuy nhiên, sau chuyến đi tour thực tập ở Tây Nguyên về, sinh viên hỏi giảng viên: “Thấy nam giới đi lên sàn nhà dài bằng chiếc cầu thang mà trên đầu cầu thang có chạm hình cặp nhũ hoa của nữ, đó là cầu thang Đực phải không ạ?”.
Vừa hỏi, sinh viên còn đưa cho giảng viên xem hình ảnh mà sinh viên đã chụp khi đi Tây Nguyên. Giảng viên chỉ còn một cách trả lời.. yếu ớt rằng: “Ờ… để thầy (cô) xem lại…”.
Cầu thang đực cho nữ giới - Ảnh tư liệu |
Có lần chúng tôi và một sinh viên của khoa du lịch Trường ĐH H.V. đi điền dã tại buôn Ako Dhong ở Buôn Ma Thuột, buôn Jun ở huyện Lắk và bản Đôn ở huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) để giúp sinh viên này hoàn tất khóa luận tốt nghiệp về văn hóa dân gian người Ê Đê và người M’Nông, trong đó có chuyện cầu thang Đực và cầu thang Cái.
Kết quả cuộc điền dã cho thấy, một ngôi nhà dài của người Ê Đê và người M’Nông ở tỉnh Đắk Lắk có 2 sân sàn ở 2 đầu nhà. Sân sàn ở phía cửa chính (sân trước) được gọi là sân khách. Đây thường là chỗ ngồi chơi, hóng mát, có diện tích rộng rãi.
Nhà càng khá giả thì sân khách càng rộng, khang trang. Sân trước thường được bố trí cầu thang Cái, làm bằng một thân cây có đẽo nấc là số lẻ để lên nhà, dành cho khách và con trai trong nhà.
Cầu thang Cái dẫn thẳng vào ngăn quan trọng nhất - ngăn khách. Cầu thang Cái dành cho khách và con trai trong nhà vì theo người Ê đê đàn ông con trai trong nhà chỉ là khách, khi cưới vợ sẽ ra khỏi nhà.
Còn sân sàn sau là nơi nấu bếp, có một cầu thang lên xuống gọi là cầu thang Đực, giống như cầu thang gỗ của người Việt, dành riêng cho người trong gia đình, chủ yếu là nữ giới.
Cầu thang cái ở nhà dài tại hồ Lak - Ảnh: Hồ Tường |
Khi gia đình người Ê Đê và người M’Nông ở tỉnh Đắk Lắk nào khá giả, có khả năng nuôi cả buôn trong một tuần thì người ta làm thêm một cầu thang Cái bằng một tấm ván, có nấc leo lên là số lẻ. Đầu cầu thang phía trên cong lại hình mũi thuyền có chạm nổi hình cặp nhũ hoa phụ nữ và vầng trăng khuyết để biểu tượng cho sự thịnh vượng của gia đình.
Cầu thang Cái này dựng song song với cầu thang cái có sẵn.
Ông Lê Văn Đức, phó GĐ Khách sạn 4 sao Thắng Lợi ở thành phố Buôn Ma Thuột, cho biết trước đây đã từng công tác một thời gian dài ở Công ty du lịch Đắk Lắk, tài liệu thuyết minh hướng dẫn du lịch của Công ty phổ biến trong nội bộ hướng dẫn viên của Công ty cũng xác nhận như vậy.
Cầu thang Cái dành cho nam giới - Ảnh tư liệu |
Cầu thang Cái có chạm nổi 2 nhũ hoa - Ảnh tư liệu |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận