21/08/2004 14:39 GMT+7

Du lịch Việt Nam chưa mạnh - tại sao?

NGUYỄN VĂN HÙNG
NGUYỄN VĂN HÙNG

TTCN - Tại sao du lịch VN vẫn chưa thật sự trở thành một ngành kinh tế mạnh, tương xứng với tiềm năng? Đã có nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, đề án, dự án từ vĩ mô cho đến vi mô, để tìm ra câu trả lời khả dĩ cho tồn tại nói trên.

Bên cạnh các bất cập như thiếu vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu tính chuyên nghiệp, du khách chưa an tâm về trật tự giao thông và an toàn..., hầu như các ý kiến đều tập trung vào hai kém cỏi chủ yếu: chất lượng du lịch còn kém và giá tour còn cao. Điều đó cũng có nghĩa sức cạnh tranh của du lịch nước ta còn rất thấp, cái cần cao thì lại thấp, ngược lại thứ cần thấp thì lại cao.

Quả thực, khó có thể lý giải được việc giá tour nội địa TP.HCM - Hà Nội - Sa Pa ngang bằng với tour xuất ngoại TP.HCM - Singapore - Malaysia và cao hơn nhiều so với tour TP.HCM - Bangkok (Thái Lan). Đây cũng là một lý do giải thích vì sao gần đây người trong nước đổ xô đi du lịch nước ngoài, làm cho tốc độ tăng của du lịch khu vực này thay đổi nhanh hơn khu vực nội địa!

Nhưng vì sao giá tour trong nước lại cao như thế? Trả lời câu hỏi này, những người kinh doanh du lịch đã đưa ra đủ thứ lý do khách quan để biện minh cho việc họ đã bắt du khách phải dốc hầu bao ra, còn “thượng đế” của họ thì lại ca cẩm rằng đã bị các công ty “bắt chẹt”, “chém đẹp”.

Nhưng sâu xa hơn, người ta cho rằng du lịch VN thiếu sự liên kết, hợp tác giữa các hãng, các khâu kinh doanh để tạo thành sức mạnh tổng hợp. Thực tế hoạt động du lịch đã bị cắt khúc thành nhiều khu vực, công đoạn dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh, thậm chí triệt tiêu lẫn nhau. Các công đoạn như môi giới, đưa đón - hướng dẫn, vận chuyển hàng không, vận chuyển ôtô mặt đất, cho thuê khách sạn, dịch vụ ăn uống... mạnh ai nấy làm, tùy tiện về tiêu chuẩn chất lượng và giá cả. Kết quả là mỗi nơi đều có lý do riêng để nâng giá, đẩy giá tour chung lên cao để cuối cùng du khách phải lãnh đủ. Trong khi đó, du khách quốc tế đến VN rất ít tiêu tiền, rồi tỉ lệ người có ý định quay trở lại cũng rất thấp.

Trước tình trạng đáng buôn và bất hợp lý trên, lẽ ra phải nhận thấy sự yếu kém để khắc phục thì rất tiếc nhiều người trong cuộc lại có cách nhìn khác. Như trong dịp lễ hội 100 năm Sa Pa, 100 năm Đà Lạt và Festival Huế vừa qua, nhiều khách sạn, nhà hàng ở các địa chỉ du lịch nói trên đã tranh thủ “chặt đẹp”, để lại ấn tượng xấu cho du khách. Giá khách sạn và các dịch vụ tắm biển, ăn uống quá cao cũng chính là một trong những nguyên do chủ yếu dẫn tới sự trầm lắng mười mấy năm nay ở thành phố biển Vũng Tàu.

Một ví dụ khác là giá vé máy bay chặng VN - Singapore, chỉ trừ đối tượng mua bằng tiền ngân sách nhà nước, đa phần giới doanh nhân, du học sinh và du khách đều chọn các hãng hàng không nước ngoài như Garuda, Lion, Lufthansa... thay vì Vietnam Airlines bởi lý do duy nhất là giá vé quá cao. Và trước thực tế không vui ấy, người ta vẫn nghe “ông hàng không”, “ông du lịch” hùng hồn khẳng định giá tour và giá vé máy bay của VN không hề cao so với khu vực nên không cần phải tính đến chuyện giảm giá và cũng chẳng cần phải đặt vấn đề thu hút du khách (quốc tế) quay lại lần thứ hai?!

Xét về góc độ hiệu quả kinh tế, với quốc gia nào cũng vậy, mục tiêu phát triển du lịch; không đơn thuần chỉ là số lượng khách mà phải là doanh thu lớn, mức chi tiêu bình quân mỗi du khách cao và tỉ trọng đóng góp trong GDP ngày càng tăng. Cũng như các ngành kinh tế khác, trong nền kinh tế thị trường, du lịch đương nhiên phải đương đầu với cạnh tranh gay gắt. Hơn thế, vì gắn liền với mở cửa, hội nhập nên cạnh tranh trong du lịch cũng mang tính quốc tế cao.

Để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch, phải đáp ứng đồng thời hai yêu cầu là tăng chất lượng dịch vụ và có giá cả hấp dẫn. Còn để có giá cả hấp dẫn đồng nghĩa với việc giảm chi phí kinh doanh. Đáp ứng các yêu cầu ấy, cũng tức là ngành du lịch phải giải được bài toán hóc búa: vừa phấn đấu tăng số lượng du khách và mức chi tiêu của khách du lịch, vừa giảm tối đa các chi phí, tăng cường tích lũy đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng du lịch... Và tất nhiên học hỏi kinh nghiệm, cách làm của các nước đi trước, đã thành công cũng là một việc cần thiết.

Mặc dù hiện nay ngành du lịch VN đang có những cố gắng quảng bá hình ảnh của mình ra thế giới, mở các tour mới, liên hoàn như “Di sản thế giới miền Trung – Tây nguyên”, “Hành trình xuyên Á”, du lịch sinh thái... nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao chất lượng, dù muốn hay không cũng vẫn cần tính đến yếu tố cạnh tranh về giá. Đừng để lại bị chậm chân và bỏ lỡ cơ hội một lần nữa, hãy nhìn ra khu vực và thế giới để “thấy người thấy ta” xem mình đang đứng ở đâu và nên chọn cách làm nào.

NGUYỄN VĂN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên