Phóng to |
Azarenka (thứ hai từ trái) trong lần đến VN năm 2012. Ngôi sao này chỉ loanh quanh trong khách sạn và nhà thi đấu - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Chúng tôi hỏi những người có trách nhiệm trong ban tổ chức trận giao hữu tuyển VN - Arsenal diễn ra vào ngày 17-7 rằng có sự quảng bá nào không nhằm thu hút khách du lịch là người hâm mộ của Arsenal? Câu trả lời là không có!
Chuyện xứ người
Barcelona là số 1 * Năm 2012, ban lãnh đạo Barcelona vui mừng thông báo lượng khách tham quan sân Nou Camp (bao gồm cả viện bảo tàng, sân vận động...) đạt cột mốc kỷ lục 1,626 triệu lượt. Đây là yếu tố góp phần quan trọng giúp Barcelona có tổng doanh thu tăng 59% so với hai năm trước đó. Trong đó, bảo tàng của Barcelona là bảo tàng được tham quan nhiều thứ ba tại Tây Ban Nha, hơn cả Bảo tàng Picasso. * Tour tham quan SVĐ Emirates của Arsenal ngay năm đầu tiên sau khi xây mới đã thu hút hơn 100.000 khách, đa số là du khách nước ngoài. Giám đốc điều hành CLB Arsenal đặt mục tiêu: 350.000 du khách/năm trong năm năm tới. * Là một trong những đội bóng giàu truyền thống bậc nhất nước Anh, CLB Manchester United đã thu hút hơn 200.000 du khách trên toàn thế giới tham quan mỗi năm. T.P. |
Đến Anh xem giải ngoại hạng không còn là chuyện quá hiếm hoi đối với người Việt mê bóng đá và có thu nhập khá. Và những ai đã từng đến Anh xem bóng đá đều không thể bỏ qua hai tour tham quan sân Old Trafford của đội Manchester United lẫy lừng, hay đến chụp ảnh lưu niệm với hai khẩu pháo trước của Arsenal. Ở những CLB nổi tiếng của bóng đá Anh, người ta tổ chức tour tham quan bán vé hẳn hoi để khách du lịch mê thể thao có thể tận mắt chứng kiến những bộ sưu tập thành tích của các đội bóng truyền thống.
Ở châu Á không có những CLB danh tiếng, những giải đấu tầm cỡ thế giới, bù lại họ tận dụng tối đa tên tuổi các ngôi sao khi mời đến trình diễn. Như chúng ta từng thấy tay vợt xinh đẹp Sharapova đã gây sốt cho đàn ông Hàn Quốc lẫn vài quốc gia lân cận khi đến xứ kim chi tham gia một giải đấu mang tính trình diễn.
Ngay với Đông Nam Á, Thái Lan cũng được xem là một quốc gia làm tốt chuyện phối hợp du lịch với thể thao. Khi họ mời những đội bóng lừng danh thế giới như M.U, Chelsea, Real Madrid... đến thi đấu, bao giờ ngành du lịch cũng nhảy vào cuộc bằng cách gửi thông báo đến các công ty du lịch trong và ngoài nước chào mời. Vé vào sân xem những trận đấu ấy có thể khó kiếm với người Thái, nhưng với các công ty du lịch mang khách nước ngoài đến kết hợp xem bóng đá thì bao giờ cũng được ưu tiên, thậm chí có cả khuyến mãi bằng vé xem bóng đá. Chẳng thế mà khi Chelsea đến Thái Lan vào năm 2011, ước tính cả ngàn người Việt có mặt trên sân Rajamangala. Họ có thể tự đăng ký tour, hoặc một số công ty đăng ký cho khách hàng của mình như là món quà khuyến mãi.
Còn ta thì sao?
Cách đây không lâu, khi tay vợt nữ xinh đẹp lúc ấy đang là đương kim số 1 thế giới Azarenka đến TP.HCM, một giám đốc công ty du lịch tiếc rẻ nói: “Đã tốn của tốn công đưa một nhân vật nổi tiếng như thế đến chơi nhà, nhưng chúng ta đã chưa tận dụng hết sự kiện này. Cô ấy chỉ thuần túy đến, tham gia một giải đấu giao hữu rồi về nước. Giá chúng ta chịu khó quảng bá cho các công ty du lịch để mời chào khách các nước lân cận thì thế nào cũng có người đến. Đã có người chê là không đáng bao nhiêu, nhưng nếu không bắt đầu từ những chuyện nhỏ thì làm sao thành chuyện to? Chưa kể những giá trị cộng thêm nho nhỏ như thế rất cần được chắt chiu”.
Không chỉ chuyện thu hút du khách kết hợp du lịch và thể thao, câu chuyện Azarenka còn được nhìn ở khía cạnh phát triển thương hiệu VN. Ví dụ giá mà may tặng cho Azarenka một chiếc áo dài thật đẹp để cô mặc và đi thăm một số nơi tại TP.HCM như tượng đài Bác trước UBND TP, hội trường Thống Nhất, nhà thờ Đức bà... khi ấy sẽ có vô số ảnh thú vị xuất hiện trên các phương tiện truyền thông quốc tế để giới thiệu một VN bình yên, xinh đẹp. Đáng tiếc làm sao, Azarenka chỉ đến, ở khách sạn, ra sân đấu rồi... về!
Việc dùng thể thao để góp phần tăng sức hấp dẫn cho du lịch là chuyện cả thế giới đều làm. Chính vì vậy, Chính phủ mới quyết định đưa hai ngành này về nằm chung một bộ. Nhưng đáng tiếc là đến giờ này những nhà quản lý của hai ngành này vẫn còn “đồng sàng nhưng dị mộng”!
Doanh nghiệp du lịch nói gì? Không thấy được sự liên kết Tôi không thấy sự liên kết giữa văn hóa - thể thao với du lịch để phát triển những lợi thế của nhau với mục tiêu lớn nhất là đón thêm khách quốc tế đến VN, quảng bá hình ảnh VN ra thế giới. Là công ty du lịch chuyên phục vụ du khách nước ngoài, nhưng chúng tôi gần như chẳng có cơ hội nhận được thông tin về những sự kiện văn hóa, thể thao đã được lên lịch cụ thể từ Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch VN; thay vào đó là thông tin từ các địa phương, nơi tổ chức sự kiện. Nếu có chăng thì thời gian thông tin cũng rất gần, sát với thời gian diễn ra sự kiện, không thể nào đủ để chúng tôi thông báo trước cho đối tác ở nước ngoài, rồi từ đó họ quảng bá đến du khách giúp chúng ta. Có thể bộ, Tổng cục Du lịch cũng chẳng biết chúng tôi là ai hay chưa đưa chúng tôi vào danh sách để thông tin, nhưng nhiều doanh nghiệp lữ hành lớn, quốc tế có mặt tại VN từng thừa nhận với chúng tôi tình trạng tương tự. Điều thiếu nhất của VN chính là quảng bá những sự kiện văn hóa thể thao của VN, mà chúng ta vẫn cứ ra rả nói là nhiều, là đa dạng và độc đáo. Cái mà khách của chúng tôi quan tâm, hay hỏi nhất và họ thật sự có nhu cầu được thưởng lãm chính là các chương trình văn hóa, nghệ thuật, thể thao của người VN, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc người Việt. Mà chúng tôi nói thật rất khó tìm được những thông tin này và muốn tìm cũng chẳng biết tìm ở đâu. Bà Bùi Viết Thủy Tiên (giám đốc Công ty du lịch Asian Trails) Lãng phí Những sự kiện văn hóa thể thao lâu nay chúng ta tổ chức dù gì cũng được đầu tư tốn không ít tiền, và cho dù là tiền của doanh nghiệp hay Nhà nước cũng là đã chi tiền mà lại không nhân cơ hội này để quảng bá cho du lịch, đất nước, con người, văn hóa VN thì thật là lãng phí. Trong ba lĩnh vực này, thể thao và văn hóa có thể tạm gọi là hai đơn vị chi tiền, còn du lịch gần như là thu hút du khách và tiền vào. Nếu biết tận dụng cơ hội qua các kênh truyền thông quảng bá những sự kiện thể dục thể thao hoặc văn hóa lớn thì sẽ cho ngành du lịch cơ hội, động lực để phát triển tốt hơn. Nhưng dường như ba ngành này lại chưa phối hợp với nhau thật tốt để giúp quảng bá cho du lịch VN. Ông Trần Văn Long (tổng giám đốc Công ty du lịch Việt) L.N. ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận