28/05/2011 11:47 GMT+7

Du lịch thể thao nhìn từ M.U

TRƯỜNG HUY
TRƯỜNG HUY

TTCT - Bên cạnh lâu đài Windsor, tháp đồng hồ Big Ben, điện Buckingham, di tích cổ thạch Stonehenge..., trong danh sách “những điều phải làm” khi đến nước Anh có thêm sân Old Trafford (hay còn gọi là “Nhà hát của những giấc mơ”) tại TP Manchester, cách London khoảng 400km.

tO9cegTV.jpgPhóng to
Một nhóm du khách, trong đó có độc giả Phan Huy Đăng đoạt giải cuộc thi “Bình luận viên ngoại hạng” trên báo Tuổi Trẻ (thứ hai từ trái sang), bước ra “Nhà hát của những giấc mơ” từ lối đi của các ngôi sao - Ảnh: TR.H.

Theo giá tính cho một khách lẻ, phải tốn 7-9 bảng Anh (1 bảng Anh gần bằng 34.000 đồng) để mua vé vào lâu đài Windsor, Stonehenge hay ăn một đĩa fish & chip (cá và khoai tây chiên). Trong khi đó nếu chỉ xem mỗi bảo tàng của Manchester United (M.U), bạn phải tốn 10,5 bảng. Nếu thêm cả tour thăm mọi ngóc ngách “Nhà hát của những giấc mơ” thì phải thêm 3 bảng, chưa kể 3 bảng thuê chiếc máy nghe thuyết minh nhiều thứ tiếng thông dụng khác (nếu như khách tham quan không nghe trực tiếp được tiếng Anh từ người hướng dẫn).

Đắt nhưng vẫn đông khách

Hôm chúng tôi đến là một ngày thường giữa tháng 5, chưa phải dịp cuối tuần, vậy mà trung bình 15 phút lại có một nhóm (không quá 15 khách) xuất phát xem tour này. Trong lúc chờ đợi hướng dẫn viên, bạn đã phải “tự nguyện” nộp tiền cho M.U khi đập vào mắt đầu tiên là quán cà phê RED (màu truyền thống của M.U là màu đỏ).

Ở đó, những chiếc ghế phục vụ gắn với những cái tên đi vào lòng người hâm mộ như Bobby Charlton, Giss, Neville... sẽ kéo bạn vào, gọi một ly trà sữa hoặc một ly cà phê capuccino giá khoảng 3 bảng để nhâm nhi, xem những đoạn phim tư liệu.

Tốn thời gian nhiều nhất chính là phần thăm bảo tàng của đội bóng lừng danh này. Những chiếc áo, đôi giày gắn bó với các ngôi sao lừng danh sẽ mang đến cho bạn một cảm giác kỳ lạ. Mỗi nhân vật nổi tiếng của M.U đều có một không gian riêng để bạn có thể chụp ảnh lưu niệm. Theo quan sát của chúng tôi, “gian” đắt khách nhất chính là của Sir Alex Ferguson, HLV lừng lẫy nhất thế giới.

Nhưng ấn tượng hơn cả là chiếc tủ kính dài đến cả chục mét, lưu giữ không biết cơ man nào là cúp mà M.U đoạt được từ thời còn mang tên Newton Heath thành lập vào năm 1878 (được đổi tên thành Manchester United từ năm 1902). Cho đến nay, ngoại hạng Anh được thừa nhận là giải VĐQG hay nhất hành tinh, trong đó M.U là đội bóng giàu thành tích nhất với 19 lần vô địch, ba lần đoạt cúp Champions League (và biết đâu sẽ có thêm một danh hiệu nữa sau trận chung kết rạng sáng 29-5).

Trước khi rời bảo tàng, bạn khó cưỡng lại động tác móc ví chi 5 bảng để chụp tấm ảnh lưu niệm với những chiếc cúp trên phông nền sân “Nhà hát của những giấc mơ”. Hay tự nạp 1 bảng cùng 1 xu cho chiếc máy dập logo do chính bạn thực hiện, và đồng xu ấy sẽ được dát mỏng, trên đó có logo M.U hay chân dung HLV Ferguson để giữ làm lưu niệm.

Kết thúc phần thăm bảo tàng, hướng dẫn viên đưa khách đến những điểm nóng nhất của “Nhà hát của những giấc mơ”, như thăm căn phòng “thư giãn” trước trận đấu của đội M.U (tại đây, các cầu thủ cùng vợ con, bạn gái ngồi trò chuyện, uống nước trước khi bước sang phòng thay đồ cạnh bên và ở đó chỉ có HLV Ferguson với đội bóng), ngồi vào ghế chỉ đạo của Sir Alex...

Nhưng nơi để lại cảm giác khó quên nhất là góc tưởng niệm vụ tai nạn máy bay khiến gần toàn bộ đội bóng lúc đó tử nạn vào ngày 6-2-1958. Ở đó, người ta vẫn treo một chiếc đồng hồ đứng yên vào thời điểm bi thương, và một ngọn đèn dầu không bao giờ tắt để tưởng niệm những người đã khuất.

Như mọi tour du lịch thăm các sân bóng đá ở Anh, dù là M.U, Arsenal hay Chelsea..., điểm dừng cuối cùng bao giờ cũng là cửa hàng bán đồ lưu niệm. Những chiếc móc khóa, những chiếc áo truyền thống... luôn khiến bạn trở nên hào phóng lần cuối trước khi ra về.

Thể thao thu hút du lịch

Năm 1985, sau thảm kịch Heysel trong trận chung kết cúp C1 giữa Liverpool với Juventus, các CLB Anh bị cấm thi đấu ở các giải châu Âu trong năm năm (riêng Liverpool nhận mức phạt 10 năm, sau đó được giảm xuống còn sáu năm), người ta cứ tưởng bóng đá Anh sẽ không ngóc đầu lên được. Nào ngờ người Anh không hổ danh là bậc thầy thế giới về việc kiếm sống bằng dịch vụ (chiếm 70% thu nhập của nước Anh) khi “hái ra tiền” từ bóng đá.

Cú đột phá của Hiệp hội Bóng đá Anh là tấn công vào thị trường châu Á, nơi đông dân nhất thế giới và cũng mê bóng đá vào loại hàng đầu, bằng việc thay đổi giờ giấc thi đấu. Họ chấp nhận ra sân vào giữa trưa, hoặc muộn nhất là lúc 16g, để dân châu Á có thể thưởng thức qua truyền hình vào giờ vàng. Trong khi đó những giải Ý, Tây Ban Nha, Đức vẫn diễn ra vào giờ mà nhiều người hâm mộ châu Á cần phải ngủ để lấy sức cho một ngày làm việc mới.

Không chỉ thắng trong việc bán bản quyền truyền hình, bóng đá Anh còn thu hút cá cược với các công ty khét tiếng như William Hill, Ladbroke... và cả du lịch. Chỉ với một Việt Nam mà đã có đầy đủ fan club của M.U, Chelsea, Liverpool..., thì hẳn cả tỉ người ở châu Á mê bóng đá Anh đều khát khao được đến đảo quốc sương mù tham gia tour du lịch thể thao.

Không dừng lại ở đó, FA đang thúc đẩy việc thuyết phục các đội bóng chấp thuận mỗi mùa giải sẽ có vài vòng đấu chuyển sang tranh tài tại một vài quốc gia châu Á nhằm hâm nóng hơn nữa lòng cuồng nhiệt vốn đã nóng sẵn từ nhiều năm nay.

TRƯỜNG HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên