Phóng to |
Nhà dài của đồng bào Ê Đê nằm giữa cánh rừng sộp trong khu du lịch văn hóa - sinh thái Buôn Đôn thuộc Công ty cao su Đăk Lăk - Ảnh: KHÁNH NGỌC |
Không ít du khách rất hào hứng với du lịch nông nghiệp và loại hình này đã hình thành và phát triển ở nhiều vùng nông thôn nước ta những năm gần đây. Thực tế ở một số địa phương cho thấy khi du lịch nông nghiệp được đầu tư, đường sá, nhà cửa được nâng cấp, sửa chữa sạch đẹp, ý thức môi trường được nâng lên, người dân cũng ý thức nâng cao trình độ giao tiếp, kỹ năng sản xuất kinh doanh qua việc đón tiếp du khách tại nhà.
Tuy nhiên, hình thức du lịch này hầu như vẫn còn rất mới mẻ ở Đắk Lắk và chưa có doanh nghiệp nào thực hiện tour du lịch nông nghiệp đưa du khách tham quan đời sống nông dân rất đặc trưng của đất Tây nguyên.
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất nước ta với hơn 180.000ha, mỗi năm xuất khẩu hơn 300.000 tấn cà phê nhân ra 56 nước, vùng lãnh thổ. Hiện 80% sản lượng cà phê Đắk Lắk do các hộ nông dân sản xuất từ các vườn cà phê gia đình. |
Bên cạnh những thế mạnh về cảnh đẹp thiên nhiên rừng núi, sông hồ, vốn có, tiềm năng cho tour du lịch nông nghiệp Đắk Lắk nằm ở những vườn cà phê bát ngát, trĩu quả đỏ vào mùa thu hoạch tháng 11 và 12 hằng năm và thơm ngát mùi hoa cà phê tinh khiết mỗi độ đầu xuân...
Đặc biệt hơn khi Đắc Lắc được mệnh danh là "thủ phủ cà phê" của Việt Nam với hương vị cà phê thơm ngon tuyệt vời mà tên tuổi đã bắt đầu xuất hiện trên sàn giao dịch quốc tế. Đây chính là một trong những bí mật của mảnh đất bazan Tây nguyên màu mỡ mà du khách muốn khám phá: bí kíp làm nên hạt cà phê có vị thơm ngon rất riêng mang tên Buôn Ma Thuột. Vườn tiêu, vườn bơ, vườn sầu riêng, chôm chôm và nhiều loại hoa trái khác đang được nhiều nhà vườn đầu tư phát triển mạnh vài năm gần đây ở Đắk Lắk cũng là điểm đến hấp dẫn.
Bên cạnh đó, nhiều làng nghề vốn có đã mai một cũng như đang hình thành như dệt vải bằng khung cửi của đồng bào Ê Đê, nuôi ong mật, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ gốc cà phê và rễ cây gỗ quý, trồng cà phê và sản xuất cà phê bột... sẽ có cơ hội phục hồi và phát triển.
Sẽ có không ít điều thú vị chờ đón du khách ở những nhà vườn cà phê nếu được đưa vào khai thác du lịch hợp lý. Ở đó, du khách sẽ được tìm hiểu về vòng đời và cách chăm sóc cây cà phê, quy trình chế biến từ cà phê hạt đến sản phẩm cà phê tinh chế mà mọi người sử dụng hằng ngày. Đó là một trải nghiệm thật sự lý thú cho những ai chưa từng biết đến cây cà phê, quả cà phê và chưa hề biết hoa cà phê thơm nức mũi thế nào. Chưa kể du khách còn có cơ hội tìm hiểu về cách nông dân Đắk Lắk làm ra những giọt mật ong sóng sánh từ những mùa hoa cà phê ra sao...
Giá như ở vùng đất bazan này có những cơ sở giới thiệu cho du khách biết về vòng đời của cây cà phê, quy trình chế biến cà phê thì hay biết bao.
Hơn nữa, đời sống các buôn làng dân tộc Ê Đê, những người dân bản địa mến khách và thật thà, cùng những nếp văn hóa, tập tục lâu đời nơi sơn dã chính là tiềm năng lớn cho du lịch địa phương song vẫn chưa được khai thác hết. Đây cũng chính là nền tảng cho xu hướng du lịch cộng đồng, là xu hướng đang phát triển ở nhiều tỉnh thành nước ta, một loại hình du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Phóng to |
Quy trình nuôi ong lấy mật giữa vườn cà phê Đắk Lắk mang lại cho du khách những kiến thức mới mẻ - Ảnh: KHÁNH NGỌC |
Mong một ngày không xa khi ghé thăm Đắk Lắk, nhiều du khách sẽ có cơ hội tham gia tour du lịch xanh một vòng các nhà vườn cà phê, vườn nuôi ong mật... Hoặc xa hơn nữa, ngành du lịch Đắk Lắk sẽ đầu tư những tour du lịch cộng đồng, làm những ngôi nhà sàn cho du khách nghỉ qua đêm trong buôn làng để thật sự hòa mình vào đời sống người dân bản địa.
Còn gì thú vị bằng được cùng người dân lên rẫy, thu hoạch cà phê, đêm về nghe những bản trường ca nổi tiếng của người Ê Đê bên bếp lửa bập bùng thâu đêm trong khi đầu lưỡi dẻo ngọt vị cơm lam nấu trong vỏ bầu khô đẫm màu đất bazan...
Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Du lịch thuộc sở Công Thương Đắk Lắk, hiện đã manh nha hình thức du lịch nông nghiệp ở Khu du lịch văn hóa - sinh thái Buôn Đôn do Công ty Cao su Đăk Lăk quản lý và khai thác. Nằm cách Buôn Ma Thuột 20 km về hướng Bắc, khu du lịch này có tổng diện tích quy hoạch gần 1.600 ha. Du khách đến tham quan khu du lịch này có thể mất vài ngày để tìm hiểu một vòng cả tổ hợp du lịch: làng du lịch - văn hóa, khu du lịch lâm sinh, khu chăn thả động vật hoang dã, khu giải trí hồ Đăk Min, khu lưu trú sinh thái, khu dã ngoại rừng cảnh quan, khu sản xuất và du lịch nông nghiệp... Ở đây, khu chăn thả động vật sẽ chia làm khu vực nuôi tập trung và khu thả động vật trong rừng theo kiểu bán hoang dã, nhằm giúp cho du khách tham quan và có thể săn bắn giải trí. Điểm nhấn của khu du lịch Buôn Đôn là làng du lịch - văn hóa. Làng du lịch hướng đến các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc thiểu số ở Buôn Đôn và Tây Nguyên, mang lại cho du khách những trải nghiệm mới mẻ và mối quen biết chan hòa với cư dân bản địa. Ngôi làng này cũng được xây dựng thành làng đồng bào thiểu số mang nét đặc trưng văn hóa dân tộc Tây Nguyên như bến nước, khu tượng nhà mồ...
Ghe vào làng du lịch Buôn Đôn, du khách cũng sẽ cùng trải nghiệm cuộc sống cùng cư dân trong làng tưới tắm nương rẫy, chăm sóc những khu rừng cảnh quan tuyệt đẹp. Đời sống của cư dân ở làng du lịch Buôn Đôn nhờ đó cũng sẽ được nâng lên nhiều lần nhờ vào những khoản thu nhập từ hoạt động kinh tế du lịch, kinh tế rừng và sản xuất nông nghiệp. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận