25/10/2006 06:29 GMT+7

Du lịch Bàn Môn Điếm - Kỳ 1: DMZ - Lời khấn nguyện hòa bình

(Nguồn: Wikipedia)
(Nguồn: Wikipedia)

TT - Có mặt ở Hàn Quốc giữa tháng 10-2006, lúc tình hình thời sự trên bán đảo Triều Tiên cực kỳ căng thẳng, thế nhưng tôi vẫn quyết định gửi toàn bộ đồ đạc lại khách sạn ở Seoul, lên chiếc xe buýt tuyến Seoul - Imjingak đến vùng đất chia cắt đôi miền Triều Tiên.

Y7G59tY1.jpgPhóng to
TT - Có mặt ở Hàn Quốc giữa tháng 10-2006, lúc tình hình thời sự trên bán đảo Triều Tiên cực kỳ căng thẳng, thế nhưng tôi vẫn quyết định gửi toàn bộ đồ đạc lại khách sạn ở Seoul, lên chiếc xe buýt tuyến Seoul - Imjingak đến vùng đất chia cắt đôi miền Triều Tiên.

Đến “vùng chiến”

Thật khác xa với một thủ đô Seoul hào nhoáng tráng lệ, khi xe buýt đi được hơn 50km theo hướng tây bắc là đã thấy một khung cảnh khác hẳn. Dọc theo bên đường là dãy hàng rào thép nhọn dày hai lớp, trải dài nhiều cây số với chi chít những cuộn kẽm gai tua tủa, cuộn tròn chằng chịt cao quá đầu người. Cứ khoảng 1.000m lại có một trạm lính gác xây gạch đá kiên cố bên trong hàng rào. Sự ngăn cách giữa đường giao thông dân sự và các khu vực quân sự, quốc phòng đập vào mắt khiến nhiều người không khỏi cảm giác bất an.

HWYQcVwt.jpgPhóng to
Người lính trẻ ở trạm lính canh Imjingak ra dấu với du khách: Hãy cẩn thận! - Ảnh: Tr.N.
Imjingak (thuộc tỉnh Gueonggi-do) kề sát giới tuyến quân sự, được xem là cửa ngõ liên quan đến cuộc chiến tranh Triều Tiên hơn 50 năm trước. Tòa nhà Imjingak gồm ba tầng lầu, nằm ở vị trí tâm điểm giữa nhiều tượng đài, công viên Thống Nhất, được xây dựng vào năm 1972 với hi vọng là cột mốc khởi đầu cho việc thống nhất hai miền. Phía trước Imjingak là tuyến đường sắt Gyeongui đã bị phá hủy trong cuộc chiến Triều Tiên. Mãi gần 50 năm sau, vào năm 2000, tuyến đường này mới được xây dựng lại. Nằm đối diện Imjingak là khu Mangbaedan, nơi nhiều người Hàn Quốc có họ hàng ở CHDCND Triều Tiên thường đến viếng thăm và thờ tổ tiên bằng cách hướng về quê hương và gập đầu chào vào dịp năm mới hoặc lễ Chuseok.

Bên trong Imjingak trưng bày khoảng 400 hình ảnh và tài liệu liên quan đến hai miền đất nước và nỗ lực hòa giải. Bên ngoài Imjingak có trưng bày 12 chiếc xe tăng các loại và máy bay đã được sử dụng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên năm xưa. Rất nhiều du khách đã cất công leo lên sân thượng Imjingak để qua ống nhòm nhìn sang phía bắc hướng CHDCND Triều Tiên.

Nhưng sau hồi quan sát, tôi quyết định xuống dưới thâm nhập sâu hơn. Cùng với anh bạn đồng hành người Úc Vikrant Mahajan mới làm quen khi cùng đi xe buýt từ Seoul đến đây, chúng tôi tiến đến trạm lính gác Hàn Quốc nằm cạnh bờ sông Imjin - gang. Một chiếc xe quân sự trờ tới và chuẩn bị tiến qua cánh cổng thép phủ kín bằng lưới B40 cùng với những dãy kẽm gai dày đặc bên trên. Chúng tôi không bỏ lỡ dịp may bước nhanh đến để quan sát, nhưng phải dừng chân ngay khi nhìn rõ dòng chữ trên tấm biển cảnh báo treo trên cổng: “Cấm đến gần hoặc chụp ảnh”. Phía bên trong, những người lính Hàn Quốc giương súng, mắt nhìn không chớp ra hướng bên ngoài.

qsLtDuzp.jpgPhóng to
Vùng phi quân sự (Demilitarized Zone - DMZ) Triều Tiên là dải đất chạy ngang qua giữa bán đảo Triều Tiên, làm vùng đệm giữa hai miền. DMZ nằm ở vĩ tuyến 38, dài 248km, rộng 4km, chia miền Bắc và Nam bán đảo thành hai nửa gần bằng nhau. Ngày 27-7-1953, khi hiệp định đình chiến được ký kết, DMZ được xác lập, mỗi bên đồng ý di dời quân đội ra xa cách đường phân chia lãnh thổ hai miền 2km.

Trong DMZ, gần bờ biển phía tây của bán đảo Triều Tiên có ngôi làng Bàn Môn Điếm - khu vực an ninh hỗn hợp. Đây là nơi duy nhất để hai miền Nam và Bắc liên lạc với nhau.

Tường rào khấn nguyện thư

Chúng tôi đành đi vòng qua một đoạn đường ngắn để dừng chân tại dải đất nhô cao bên bờ sông. Từ đây, lần đầu tiên miền Bắc của Triều Tiên hiện ra trong mắt chúng tôi, trùng trùng đồi núi và rừng cây xanh thăm thẳm.

Bắc ngang dòng sông Imjin - gang là một chiếc cầu sắt khung sơn trắng, trước đây vốn là cầu dành cho đường xe lửa chạy ngang hai miền Nam - Bắc, giờ đây không một bóng người. Cách cầu trắng không xa là một dãy cột trụ bêtông xây dang dở dưới lòng sông, bề mặt ximăng lâu ngày xám đen loang lổ, không có lòng cầu bắc ngang phía trên (có lẽ sẽ còn rất lâu nó mới được nối nhịp).

Anh bạn Vikrant vừa vô tình giương máy hướng về cây cầu trắng lẫn trạm gác vắng vẻ thì một anh lính Hàn Quốc mặc đồ rằn ri xanh nhô đầu lên khỏi tấm bạt phủ kín mít nơi trạm gác, chỉ thẳng về phía chúng tôi, đưa tay bắt chéo ngang ngực ra dấu hiệu cảnh cáo không được phép chụp ảnh. Gần bên chỗ anh lính đứng là các lỗ ô vuông mà trước khi quay lưng đi, chúng tôi kịp nhận ra sau một lỗ vuông dáng một anh lính khác đang chĩa ống ngắm đen ngòm về phía mình (lạy trời đó không phải là... họng súng).

Chúng tôi theo lối đường mòn để tiến đến chiếc cầu Tự Do nổi tiếng. Nằm kế bên khu Mangbaedan tại quảng trường Imjingak, cây cầu được cựu tổng thống Lee Seung Man đặt tên sau khi 12.773 tù nhân cuộc chiến Triều Tiên được trả tự do vào năm 1953. Lúc đó các tù nhân đã được đưa đến cầu sắt Gyeongui-seon bằng xe, sau đó đi bộ qua cầu. Trước khi lên cầu, chúng tôi đã trải qua hai cảm xúc thật trái ngược. Đầu tiên là những khung hình phóng to về các cảnh vật, địa danh khá thanh bình xung quanh vùng Imjingak. Nhiều hình chụp toàn cảnh thiên nhiên ở nơi đây với núi đồi, sông nước đẹp như tranh vẽ chốn thần tiên.

Nhưng cũng ngay tại lối đi, những di vật chiến tranh khủng khiếp lại hiện ra qua ngăn kính trưng bày. Một lon cơm bằng sắt móp méo, những viên đạn cối hoen gỉ, những dãy đạn súng máy, súng trường... tàn tích của cuộc chiến. Và một chiếc nón sắt đen của một người lính xấu số nào đó có đến ba lỗ đạn bắn thủng, xé toạc lớp sắt trông thật thảm thương. Một vài cô gái trẻ địa phương mặc đồng phục nữ sinh thoáng nhìn hiện vật rồi chợt rùng mình và níu chặt tay nhau đi thẳng.

d789rXXS.jpgPhóng to
"Tường rào khấn nguyện thư" bít ngang lối giữa cầu Tự do - Ảnh: Tr.Nghĩa

Một tấm biển lưu niệm đặt ngay giữa lòng gỗ của cầu Tự Do cho biết chiếc cầu này chỉ được mở từ năm 2000 đến nay, sau năm thập niên dài bít lối. Không ai bước tới tường rào mà lòng không khỏi lay động và xốn xang.

Trong tiếng nhạc buồn bã phát ra từ loa trên cầu, khách đến thăm như lạc vào một khung cảnh thật sầu não khi nhìn thấy hằng hà sa số các dải lụa trắng ngang dọc to nhỏ đủ kích cỡ treo kín lưới sắt, làm thành một tường rào khấn nguyện thư độc đáo.

Trên vô số dải lụa mới lẫn bạc màu ấy, người dân Hàn Quốc đã viết không biết bao nhiêu lời thương nhớ bà con ruột thịt, lời thỉnh cầu, khấn nguyện thư và ước mong hai miền thống nhất, dân tộc đoàn tụ. Nhiều lá quốc kỳ Hàn Quốc chi chít những chữ ký tên khẩn cầu “Tình yêu” và “Hòa bình”. Có những nét mực viết tay bằng tiếng Nhật, tiếng Anh xen lẫn tiếng Hàn nằm bên cạnh hình vẽ những trái tim trên mảnh lụa... Xung quanh tôi, nhiều người thinh lặng đọc từng thông điệp trên các tấm lụa. Họ khẽ vạch các tấm lụa để ngó nhìn qua phía bên kia.

Du khách đến Bàn Môn Điếm phải tuân thủ qui định về trang phục rất chặt chẽ, không được phép chỉ trỏ, vẫy tay, ra hiệu. Chiến tranh trên lý thuyết vẫn còn, ở đó vẫn còn những bãi mìn sát thương, hàng rào dây thép kẽm gai, bẫy xe thiết giáp...

Số tới: Nơi hai miền phân ly

(Nguồn: Wikipedia)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên