23/01/2019 13:25 GMT+7

Dù là thủ khoa bạn vẫn gặp chông chênh, hãy đứng dậy!

CÔNG NHẬT thực hiện
CÔNG NHẬT thực hiện

TTO - Tống Quốc Kỳ từng đậu thủ khoa một trường đại học danh tiếng, nhưng lại gây “sóng gió” với quyết định rời bỏ sau một năm học, được nhận vào một tập đoàn nước ngoài nhưng lại rẽ đường, chọn đứng trên bục giảng.

Dù là thủ khoa bạn vẫn gặp chông chênh, hãy đứng dậy! - Ảnh 1.

Tống Quốc Kỳ trong một tiết dạy học - Ảnh: Q.KỲ

Tống Quốc Kỳ đã chia sẻ với Tuổi Trẻ về hành trình "ngược đời" của mình nhân dịp cuối năm:

- Thuở nhỏ, tôi may mắn thuộc dạng học khá trong dòng họ. Vì vậy, tôi nhận được nhiều tình cảm gửi gắm, mong muốn tôi trở thành bác sĩ hoặc một công việc ổn định, thu nhập tốt. Cá nhân tôi hồi đó thích cái gì đó "ngầu ngầu" như công nghệ thông tin, truyền thông… chẳng hạn. 

Dù đậu thủ khoa ngôi trường mình đã chọn nhưng sau một năm học, tôi cảm nhận ngành mình đang theo đuổi làm việc quá nhiều với máy móc, trong khi bản thân lại mong muốn được tiếp xúc nhiều với con người. 

Tôi tự vấn rất nhiều và nghĩ nếu tiếp tục học thì 10-15 năm nữa mình có thể làm tốt công việc nhưng sẽ không có niềm vui. Và tôi quyết định nghỉ, "Nam tiến" để bắt đầu lại từ đầu.

Chỉ cần thay đổi góc nhìn thì thách thức hay sóng gió cũng có thể thành cơ hội.

TỐNG QUỐC KỲ

* Đoạn đường đó ắt hẳn lắm chông gai…

- Tôi là con trai cả và cũng là cháu đích tôn. Người thân vừa sốc với quyết định trên, vừa không muốn tôi sống quá xa quê nhà Nam Định nên can ngăn rất dữ. Giai đoạn đó có thể nói là tăm tối nhất của tôi. 

Không chỉ đương đầu với vô số lời thuyết phục, dọa "sẽ từ mặt", nước mắt từ gia đình, tôi còn đối mặt với muôn vàn câu hỏi của chính mình. Song song đó là cảm giác chán nản, phải "gồng mình" học để xứng đáng với vị trí thủ khoa dù trong lòng trống rỗng, mơ hồ. 

Mới 19 tuổi, tôi cảm nhận được thế nào là hoang mang tột độ, là trầm cảm và khủng hoảng. Tôi thậm chí tìm đến những giải pháp tiêu cực như làm đau bản thân, nhịn ăn thời gian dài và ngủ mỗi ngày chỉ hai tiếng, mê mải chơi game. 

Đến một ngày, khi bạn cùng phòng trọ đã đến lớp, tôi xuống nhà vệ sinh và thấy một người quá xa lạ trong gương: râu ria mọc đầy, tóc rối, người thì khẳng khiu. Tôi nghĩ như vậy là "quá đủ", quyết tâm phải thay đổi dù có phải làm lại từ đầu.

* Giải pháp cụ thể lúc đó?

- Tôi tâm niệm rằng gia đình có la mắng hay giận thì cũng vì quá thương và lo cho mình, vì vậy tôi tìm cách trò chuyện, chia sẻ thật nhiều với bố mẹ và ông bà. Khi tất cả thắc mắc, chất vấn từ mọi người được lắng nghe và giải đáp cặn kẽ cũng là lúc tôi nhận được cái gật đầu từ mọi người. 

Thời điểm đó, tôi đóng hai vai. Do khá nhất môn hóa, từng đậu thủ khoa nên tôi có làm giáo viên kèm luyện thi đại học môn hóa. 

Ban ngày tôi đứng lớp dạy, buổi tối lại trở về kiếp sĩ tử "luyện thi". Sau đó, tôi thi đậu vào ĐH Ngoại thương TP.HCM, bắt đầu hành trình "Nam tiến".

Nhưng nếu nhìn lại, tôi vẫn muốn cảm ơn khoảng thời gian tăm tối nhất ấy. Vì đó như lời nhắc nhở bản thân phải cố gắng hiểu rõ sở thích, điểm mạnh yếu của mình. Không có khoảng thời gian đó chưa chắc có tôi khá thành công, hạnh phúc ngày hôm nay. 

Và nhất là nhờ đó mà tôi "bén duyên" với niềm đam mê thật sự là giáo dục. Cũng nhờ có những "nốt trầm" đó mà sau này tôi có những câu chuyện đủ thuyết phục để chia sẻ với phụ huynh, học sinh.

* Đam mê giáo dục nhưng lại thi vào ĐH Ngoại thương, liệu có chăng sự mâu thuẫn?

- Lúc đầu tôi không biết mình thích gì nên thi vào ĐH Ngoại thương vì muốn sống trong một môi trường năng động, để được cọ xát nhiều thứ. Một phần tôi chọn giáo dục là sự trăn trở mỗi lúc một lớn về việc bị so sánh. Thời cấp II, tôi phải cố học để đứng đầu lớp vì là lớp trưởng. Lên cấp III, tôi được vô lớp chọn thì việc so sánh càng diễn ra nhiều hơn. Có khi là thầy cô hay cha mẹ, hàng xóm đem chúng tôi lên "bàn cân", có khi là tự tôi so sánh chính mình với người khác.

Em gái tôi cũng đang gánh chịu điều này. Tôi cảm nhận em có nhiều muộn phiền vì thường xuyên bị so sánh với tôi - một người anh từng học có tiếng trong dòng họ lẫn ở trường. Em gái tôi mới lớp 7, còn quá nhỏ để trở thành "nạn nhân", hứng chịu những áp lực so sánh. 

Em từng ghét tôi và gia đình, muốn bỏ học, nhưng may mắn bây giờ mọi thứ đã cải thiện. Tôi và em có dịp trò chuyện nhiều hơn, em cũng chịu khó học hơn. Chứng kiến những việc đó như tiếp thêm động lực đi theo con đường giáo dục trong tôi.

* Và đó là lý do bạn rời một tập đoàn đa quốc gia danh tiếng để đi theo hướng dạy kỹ năng mềm cho giới trẻ?

- Khi lựa chọn con đường giáo dục, tôi chỉ mong góp phần giúp các bạn trẻ tránh được những mảng tối, các lãng phí lẫn tổn thất nhiều mặt như tôi từng gặp phải. Suy cho cùng, sự hạnh phúc trong công việc và cuộc sống quan trọng hơn là học giỏi, làm tốt. Khi đi làm, đi học mà không vui thì sẽ khó đạt kết quả tốt nhất. 

Chưa kể giới trẻ ngày nay còn phải "đương đầu" nhiều thử thách hơn thời của chúng tôi, chẳng hạn câu chuyện công nghệ lên ngôi, chính các bạn lẫn các bậc phụ huynh đều bị mê đắm bởi công nghệ, ảnh hưởng đến khoảng thời gian và sự quan tâm dành cho nhau, nên ắt hẳn kỹ năng sống của các bạn cần hoàn thiện nhiều hơn nữa để "sống sót" trong thời đại này. 

Đó là động lực giúp tôi đi trên con đường giáo dục, không ngừng tìm hiểu và phát triển, cập nhật các chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam.

Mạnh dạn theo đuổi đam mê

Tống Quốc Kỳ từng được vinh danh Gương mặt thủ khoa tiêu biểu năm 2012, nhưng sau đó quyết tâm thi lại đại học.

Bạn từng được trao học bổng toàn phần chương trình Hạt giống lãnh đạo - IPL (khóa 4), sau đó trúng tuyển vào một tập đoàn nước ngoài.

Hiện Kỳ là chuyên gia đào tạo của một số chương trình kỹ năng quốc tế và là huấn luyện viên thuộc Liên đoàn Huấn luyện viên quốc tế ICF.

CÔNG NHẬT thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên