31/12/2009 03:04 GMT+7

Du học sinh Việt Nam: "Ở - về" trong mỗi cách nhìn

VÌNH HÀ - THANH HÀ
VÌNH HÀ - THANH HÀ

TT - Cuộc gặp gỡ đã được tổ chức tối 29-12 tại sân nhà Thái học - Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) là cơ hội để du học sinh VN trở về từ khắp nơi trên thế giới chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn và cả niềm mong ước. Nhiều người trong số họ luôn hướng về quê hương, mong muốn một sự trở về có ích.

4D686B0d.jpgPhóng to neRMp1Ih.jpg xobohlWj.jpg
Dương Cẩm Thúy - Ảnh: V.HÀ Nguyễn Bích Ngọc - Ảnh: V.HÀ Nguyễn T. Bích Diệp - Ảnh: V.HÀ

Cô gái trẻ Nguyễn Bích Ngọc thu hút sự chú ý của nhiều người tại buổi giao lưu. Ngọc là du học sinh (DHS) VN duy nhất vừa nhận được học bổng toàn phần trị giá hơn 50.000 USD/năm của ĐH Harvard (Mỹ) năm 2009. Trước đó, ở Trường National Junior (Singapore), Bích Ngọc cũng là một học sinh xuất sắc. Ngọc là một trong số 20 học sinh trong tổng số 760 học sinh của trường này đăng ký học chuyên ngành lịch sử ở ĐH Harvard. Ngọc cũng dự định đăng ký học tiếp ngành lịch sử.

Lý giải về sự lựa chọn này, Ngọc nói: “Tôi học được một điều trong những năm tháng ở nước ngoài là hãy học những gì mà mình đam mê, thay vì chạy theo số đông nào đó”. Từ một cô bé “kiêu căng, tưởng mình đã là đỉnh ở lớp chuyên Anh Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội” (theo lời kể của Ngọc), Ngọc đã chọn cách ra nước ngoài “để thấy mình nhỏ bé như thế nào trong một thế giới học tập rộng lớn”.

Sự lựa chọn của thế hệ mới

Hướng về quê hương

Lê Hoài Thu - sinh viên ngành công nghệ sinh học ĐH Bách khoa Kiev, Ukraine - là một DHS xuất sắc cả trong học tập và nghiên cứu khoa học, từng có một đề tài công bố tại hội thảo khoa học ở thành phố Ternopol về “thành tựu của y học lâm sàng và y học thực nghiệm”, nhưng vẫn dành thời gian tham gia những hoạt động của giới trẻ ở quê nhà.

Những suy nghĩ của Lê Hoài Thu về quê hương từng mang về cho cô giải thưởng trong cuộc thi “Viết về quê hương”. Thu cũng là đại diện DHS tại Ukraine tham dự cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tham gia tổ chức nhiều hoạt động mang tính cộng đồng cao trong giới thanh niên, sinh viên. Thu tâm sự: “Làm gì đó để bạn bè các nước thấy một hình ảnh đẹp về DHS VN là mong muốn của tôi”.

“Chúng tôi học, suy nghĩ và hành động”- đó là thông điệp có thể tìm thấy ở nhiều bạn DHS VN ở Mỹ, Anh, Đức, Ukraine, Singapore... Nguyễn Thị Bích Diệp vốn là học sinh chuyên văn Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, đã lựa chọn con đường du học từ Singapore sang Anh, rồi Mỹ.

Không chỉ biết đến chuyện học trên giảng đường, thư viện, Diệp luôn đi tìm những ý tưởng và hành động để “sống nhiều hơn” và “học nhiều hơn”. Với cách đó, cô sinh viên năm thứ nhất ĐH Stanford (Mỹ) đã thuyết phục được năm giáo sư danh tiếng và 15 sinh viên tại Mỹ trở về VN để tổ chức một hội thảo có trên 400 học sinh, sinh viên VN tham dự với mong muốn “làm cầu nối du học cho các bạn trẻ”.

Để có tiền thực hiện ý tưởng này, Diệp phải đến cả những cửa hàng làm móng của người Việt ở Mỹ, gõ cửa nhiều quỹ tài trợ... Diệp là một trong số 12 sinh viên được Quỹ HASS tài trợ tiền để thực hiện ý tưởng, vì niềm mong mỏi tha thiết của cô đã làm lay chuyển những người đứng đầu quỹ này.

Hiện tại, vừa hoàn thành nốt chương trình năm cuối đại học, Diệp vừa làm chủ tịch một khu ký túc xá sinh viên của trường (KTX Yost). “Tôi được chọn vì người ta tin tôi có thể có tiếng nói thuyết phục với những sinh viên da trắng, dù tôi là người da màu”- Diệp cho biết.

Trăn trở

Đi tiếp hay trở về, làm thế nào để hòa nhập với môi trường làm việc mới là những trăn trở của nhiều DHS. Nguyễn Lê Mai vừa trở về VN sau khi hoàn thành khóa thạc sĩ ở Úc, chia sẻ về quyết định của mình: “Tôi có thể ở lại làm việc và rất có thể ở một môi trường làm việc tốt, thuận lợi hơn. Nhưng tôi đã trở về VN và sẽ làm việc ở đây. Có rất nhiều bỡ ngỡ và khó khăn khi bắt đầu làm việc, có thể đó là trở ngại cho nhiều DHS VN, nhất là các bạn đã có thời gian làm việc ở nước ngoài. Nhưng mang những gì mình học được và thấy mình có ích trên chính quê hương cũng là việc đáng làm lắm chứ!”.

Dương Cẩm Thúy trở thành tiến sĩ ngành công nghệ sinh học tại Đức năm 30 tuổi và có một gia đình hạnh phúc cùng chồng tại Anh. Cô có lý do chính đáng để ở lại nước ngoài làm việc nhưng cũng vừa trở về VN, quyết định gia nhập ngôi nhà học thuật ở Viện Khoa học VN với nhiều khó khăn để tiếp tục theo đuổi đề tài nghiên cứu về thuốc phòng chống ung thư.

Câu chuyện “về hay ở” là vấn đề thu hút sự quan tâm và tranh luận của các DHS, nhất là những DHS xuất sắc. Bên cạnh sự do dự, nghi ngại, quan điểm của nhiều bạn trẻ cũng rất cởi mở, có nhiệt huyết, hoài vọng.

Nguyễn Thị Bích Diệp băn khoăn: “Tôi không biết nên về VN ngay sau khi tốt nghiệp hay ở lại làm việc vài năm tại Mỹ. Nhưng theo tôi, ở lại không có nghĩa là không yêu nước. Tôi cũng như các bạn trẻ cũng cần tiếp cận, làm việc và học lấy cách làm việc trong những môi trường tiên tiến để có thể bằng cách này hay cách khác mang kinh nghiệm về nước. Sự “trở về” cũng có nhiều cách khác nhau”.

VÌNH HÀ - THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên