05/10/2016 08:36 GMT+7

Dù có thành công, vẫn chưa thể chữa trị dứt điểm HIV/AIDS

Đ.K.L.
Đ.K.L.

TTO - Thông tin một bệnh nhân người Anh 44 tuổi được chữa trị thành công HIV/AIDS khiến thế giới vui mừng. Tuy nhiên, chưa chắc chắn phương pháp này sẽ thành công với tất cả mọi người.

Timothy Ray Browm - Bệnh nhân Berlin, người duy nhất trên thế giới được công nhận chữa trị khỏi HIV/AIDS - Ảnh: IBT
Timothy Ray Browm - Bệnh nhân Berlin, người duy nhất trên thế giới được công nhận chữa trị khỏi HIV/AIDS - Ảnh: IBT

Cho tới thời điểm năm 2016, chỉ duy nhất một trường hợp hết hẳn bệnh AIDS đó là Timothy Ray Brown, người được mệnh danh là "Bệnh nhân Berlin". Ông Brown dính virus HIV vào năm 1995 và khỏi hoàn toàn vào năm 2007.

Phương pháp chữa trị dành cho "Bệnh nhân Berlin" có nhiều điều ngẫu nhiên và vô tình. Nhưng sau đó, dù người ta áp dụng các quy trình ngẫu nhiên này lên khỉ nhưng vẫn không có kết quả.

Bệnh nhân Berlin

Năm 1995, ông Brown phát hiện nhiễm virus HIV và dùng thuốc kiểm soát virus HIV (ART) trong vòng 11 năm.

Đến lúc này, ông phát hiện bị ung thư máu.

Để chữa ung thư máu, bác sĩ dùng phương pháp hóa trị nhưng thất bại và do đó phải ghép tủy. Điều thú vị là sau khi ghép tủy, ông Brown vừa hết ung thư máu, vừa không còn virus HIV trong người.

Đến cuối năm 2015, ước tính trên toàn cầu có khoảng 36,7 triệu người sống với HIV/AIDS trong đó những nước thuộc khu vực Hạ Sahara có tỉ lệ nhiễm bệnh rất cao. 

Lý giải cho hiện tượng kỳ lạ này, các bác sĩ dẫn ra ba nguyên nhân.

Thứ nhất, tế bào mới được cấy vào người ông Brown có đột biến làm thay đổi cơ quan cảm thụ của virus HIV dùng để xâm nhập vào bạch cầu.

Thứ hai, hệ miễn dịch của ông Brown bị phá hủy hoàn toàn vì quá trình hóa trị nên hầu hết virus HIV cũng chết theo.

Thứ ba, các tế bào mới cấy vào người tấn công chính tế bào của ông Brown, do đó tiêu diệt luôn những ổ virus HIV còn sót lại trong cơ thể.

Các nhà khoa học đem tất cả quy trình này áp dụng lên khỉ.

Đầu tiên, họ lấy tủy ra khỏi khỉ khỏe mạnh, để dành. Sau đó, các nhà khoa học cho khỉ bị nhiễm virus SHIV, loại virus gây ra bệnh AIDS ở khỉ. Những khỉ bị bệnh được hóa trị, rồi cấy vào cơ thể chính tủy sống của nó để tạo lại hệ miễn dịch mới.Thí nghiệm này hoàn toàn thất bại vì virus SHIV vẫn còn trong cơ thể khỉ.

Theo các nhà khoa học, một trong những lý do khiến thí nghiệm thất bại là vì những con khỉ này được cấy chính tủy sống của nó nên không có hiện tượng tế bào mới bên ngoài giết hết tế bào cũ. Do đó virus SHIV vẫn còn.

Tuy nhiên, thí nghiệm vẫn có mặt tích cực đó là sau khi ghép tủy mới, số lượng virus SHIV giảm đáng kể trong cơ thể khỉ và nếu điều trị kèm với thuốc ART, khỉ có sức khỏe khá tốt.

"Bệnh nhân người Anh" vẫn chưa khỏi bệnh

Cơ chế hoạt động của virus HIV là tấn công vào tế bào T, lẫn vào ADN của tế bào.

Khi tế bào T - nằm trong hệ miễn dịch - được kích hoạt, virus HIV cũng theo đó phát tán, tấn công vào nhiều tế bào T khác. Virus HIV còn có khả năng "ngủ đông" trong các tế bào T, tạo ra những ổ virus không thể tiêu diệu trong cơ thể.

Thông thường hiện nay các bệnh nhân AIDS được sử dụng thuốc ART.

Thuốc này chỉ có tác dụng làm virus HIV không sinh sản nhưng không tiêu diệt được nó.

Nói cách khác, ART chỉ diệt được các tế bào T nhiễm bệnh hoạt động nhưng không đụng được đến các ổ virus HIV "ngủ đông".

Phương pháp mới do 5 trường đại học hàng đầu Anh trong đó có Oxford, Cambrigde thực hiện là dùng thuốc Vorinostat kích hoạt các tế bào T ngủ đông rồi dùng thuốc ART và vắcxin để tiêu diệt virus HIV.

Sau khi trải qua liệu pháp này, các bác sĩ thấy rằng không còn virus HIV trong cơ thể của một bệnh nhân 44 tuổi. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể vội vàng đưa ra kết luận. 

Các bác sĩ sẽ mất vài tháng nữa mới kết luận được rằng liệu virus HIV đã được quét sạch khỏi cơ thể bệnh nhân hay chưa và phải rất lâu nữa mới kết luận được rằng "tìm ra phương pháp chữa trị bệnh AIDS".

Hiện họ vẫn sẽ theo dõi bệnh nhân này trong 5 năm nữa và khuyên người này vẫn phải điều trị bằng thuốc ART.

Việc tuyên bố chính xác một bệnh nhân không còn virus HIV trong cơ thể là rất khó khăn và cần thời gian kiểm chứng.

Đơn cử như trường hợp một bé gái ở Missisippi, Mỹ có mẹ bị nhiễm HIV.

Trong 30 giờ sau khi sinh, bé được các bác sĩ sử dụng liều ART cao và điều trị trong 18 tháng tiếp theo. Sau đó bệnh viện mất liên lạc với hai mẹ con.

5 tháng sau, bé quay lại, và các bác sĩ kiểm tra thấy không còn virus HIV trong cơ thể bé.

Các bác sĩ tin rằng việc điều trị liều cao ART ngay khi vừa chào đời có thể diệt virus HIV khỏi cơ thể trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, hi vọng này đã bị dập tắt hoàn toàn bởi hai năm sau, virus HIV lại sinh sôi trong cơ thể bé.

Đ.K.L.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên