12/11/2012 05:05 GMT+7

Đủ chiêu moi tiền của thợ đánh giầy

DÃ QUỲ
DÃ QUỲ

TTC - Khi giày bị dơ hay trầy da, tróc đế, người ta thường mang đến các tiệm sửa chữa giày dép hoặc những người đánh giày dạo để sửa. Thế nhưng không phải thợ đánh giày nào cũng làm ăn lương thiện - nhất là những người làm dạo, bởi đơn giản không ai biết họ ở đâu, thế là họ tha hồ tung đủ chiêu thức moi tiền khách.

Đủ chiêu moi tiền của thợ đánh giầy

qD80jLrf.jpgPhóng to

Từ tung chiêu để thu tiền cắt cổ...

Chiêu mà thợ đánh giày dạo thường dùng là lợi dụng sơ hở của khách để phá giày như: rạch da, lột đế... rồi đề nghị khách sửa, sau đó chặt chém với giá cao hơn cả giày mới.

Ông Hiền - nạn nhân của trò lột đế - là một ví dụ. Sáng cuối tuần ông ra quán cà phê vỉa hè ở khu vục K300 quận Tân Bình uống cà phê thì có một thợ đánh giày tới mời; thấy giày cũng dơ, trầy hết xi nên ông đồng ý. Giao đôi giày cho thợ, ông mãi mê ngồi đọc báo. đánh xong gã thợ cho biết đôi giày của ông bị tróc đế và đề nghị ông dán đế lại. Nghĩ là tiền dán đế chắc cũng khoảng 20.000đ trở lại nên ông đồng ý. vậy mà khi làm xong gã thợ hét đến 165.000đ. Thấy vô lý vì đôi giày ông mua ở vỉa hè cách đây 2 tháng chỉ 100.000đ nên bảo: “tao cho mày luôn đôi giày” thì gã thợ xổ tiếng “đan mạch” và hăm dọa: “tui làm thì tui lấy tiền hoặc lấy máu chứ không lấy giày”. Nghe thế, ông hoảng hồn móc tiền ra trả rồi nhận lại đôi giày cũ mà tiền công sửa chữa cao hơn cả giày mới. “Khi nó đi rồi, mình nhìn kỹ mới thấy cái dấu cạy cho đế giày tróc ra của nó” - ông Hiền kể giọng bức xúc. “Sao lúc đó không dọa báo công an?” - tôi hỏi. “Báo gì, mình ngu thì chịu chứ nó có ăn cướp của mình đâu mà báo! hơn nữa sợ nó trả thù vì ngày nào tui cũng ra đây uống cà phê. Bình thường tui đánh giày chỉ có 5.000đ, tưởng đâu dán đế bằng keo dán sắt chỉ khoảng 20.000đ là cùng, ai ngờ bị nó chơi một vố quá đau!”.

Góp chuyện với ông Hiền là một nạn nhân khác tên Long, anh này cho biết vài tuần trước anh cũng bị một thợ đánh giày dạo ở quán cà phê gần chung cư K300, lợi dụng lúc anh không để ý lấy dao lam rạch rách giày anh, sau đó kêu anh dán keo và thu tiền 150.000đ. “Đôi giày cũ tôi mua ở chợ trời chỉ 70.000đ, nên nghỉ tiền dán keo chỉ vài nghìn là cùng, thế mà khi làm xong nó đòi tiền cắt cổ. Ban đầu tui cũng định không đưa, nhưng khi nhìn vô thùng đồ nghề của nó thấy có dao Thái Lan và nhiều ống tiêm nên cũng ớn! Sau vụ đó tôi hết dám bén mảng ra khu vực ấy uống cà phê nữa vì sợ gặp lại bọn nó”. Kể xong anh chỉ cho tôi xem đôi giày mà anh đang mang, nhìn đôi giày tôi thấy nó cũ mèm, há mõm, tróc lớp da đen bên ngoài để lộ lớp da bên trong sần sùi, cho cũng không ai thèm lấy mà bị cắt cổ đến 150.000đ thì đúng là đau hơn hoạn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đồ nghề dùng để phá giày của các gã thợ lưu manh này là chiếc tua vít nhỏ mài cho bén để cậy đế và dao lam dùng rạch da. Khi nhận giày của khách, chúng vẫn đánh bình thường rồi lợi dụng lúc khách không để ý mới ra tay, sau đó mang giày trả cho khách thì thông báo: “giày anh bị tróc đế, rách da rồi, thôi để em làm luôn cho”, thế là nhiều khách mất cảnh giác gật đầu và dính bẫy chặt chém.

...Đến bán “giày xách tay”

Ngoài những chiêu phá giày, tính giá cắt cổ, các thợ đánh giày còn có chiêu bán “giày xách tay” cho những khách hàng ham của rẻ. Mang đôi giày cũ nhưng còn lành lặn mà lâu nay không dùng, tôi tìm đến khu vực K300, nơi được xem là điểm nóng hành nghề của giới đánh giày chặt chém. Chọn quán cà phê vỉa hè có những tay đánh giày hay lui tới tìm khách, vừa ngồi chưa được bao lâu thì một tay thợ đánh giày xuất hiện mời tôi đánh giày. tôi đồng ý cởi giày ra đưa cho gã. Dù biết trước thế nào giày của mình cũng bị phá nên tôi cố tình để ý xem gã làm thế nào, nhưng đành bất lực vì gã trổ tài quá điêu luyện. Tài gã cao đến nỗi đôi giày cũ lành lặn của tôi giờ te tua “má nhìn hổng ra”: cả hai đế đều bị tróc, còn da thì bị trầy xước, rách ngang rách dọc. Làm ra vẻ nhân đạo gã bảo: “nhìn đôi giày ông anh thảm quá, thôi tiện thể để thằng em sửa cho, lấy giá hữu nghị mở hàng thôi”. “Hữu nghị là bao nhiêu, năm hay mười nghìn?” - tôi hỏi. “Giá cả thì không nói trước, vì còn phải xem trong quá trình sửa chữa, giày của ông anh uống keo dán và vật tư của em bao nhiêu thì mới tính giá được” - gã đáp bài bản như một nhà kinh tế thứ thiệt. “Nếu 10.000đ đổ lại thì chú sửa hộ anh” - tôi chốt lại. Lập tức gã sửng cồ: “làm đ...gì có cái giá 10.000đ, một ổ bánh mì đã 15.000đ rồi, thôi không sửa thì cho em xin tiền công đánh giày”. Và tôi thật sự choáng khi gã đòi tiền đánh giầy 50.000đ, tôi thắc mắc thì gã đáp tỉnh bơ: “xi của em là xi xịn, nhập từ Anh quốc về, một hộp em mua cả “chai” (triệu) chứ không phải xi đểu vài chục nghìn; tiền nào của đó thôi”. Cắn răng tôi móc tiền đưa gã, cầm tiền gã đưa lên môi hôn rồi cười đểu kiểu chọc tức trước khi bỏ đi: “Không có tiền thì đừng có đú với anh, “chém” cỡ như vậy là còn nhẹ đấy, có thằng bị anh “chém” cho xanh cả mặt”.

Gã vừa đi thì một gã khác xuất hiện. khác với gã trước, gã này còn mang theo 2 đôi giày, không như gã trước đến mời đánh giày, gã này chỉ gạ bán giày. “Nhìn đôi giày anh cũ quá, thay giày mới đi là vừa, mua đi em bán rẻ cho” - gã tiếp thị. “bao nhiêu mà rẻ?” - tôi hỏi. “300.000đ, hàng xách tay đó, bảo đảm hàng xịn chính hãng”. Miệng nói, tay gã móc 2 đôi giày trong cái bao xốp to đen ra cho tôi xem, đó là 2 đôi giày của hãng A đã qua sử dụng. “hàng xách tay gì kỳ vậy? hàng này xài rồi mà?” - tôi hỏi. Nhìn quanh quán không thấy ai để ý, gã cười rồi nói nhỏ: “hàng xách tay nghĩa là tay xách hàng đó ba! canh lúc khách không để ý, tụi tui thấy đôi nào xịn là xách chạy, chứ hàng xách tay thứ thiệt, đôi này dưới một triệu, tui cho ông luôn!”. Hóa ra, “hàng xách tay” là từ lóng của dân đánh giày dạo ám chỉ những đôi giày ăn trộm của khách. Thảo nào nhiều lần tôi thấy trên đường Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám quận Tân Bình cùng nhiều con đường khác thỉnh thoảng xuất hiện cảnh những người đánh giày dạo chào bán những đôi giầy xịn. Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi thì không phải tất cả giày xách tay của dân đánh giày dạo rao bán là giày xịn, mà có cả giày “Tàu” giá chỉ hơn trăm nghìn hay giày cũ mua ở chợ trời về “mông má” dán nhãn mác của giày xịn vào để lừa khách ham rẻ kiểu “tiền ít mà đòi hít dầu thơm”.

“Mỗi tuần chỉ cần bán được một đôi giày xách tay hay tay xách được 2 đôi giày của khách là coi như ấm. dân đánh giày cũng có mánh riêng của dân đánh giày để tồn tại chứ” - T. một thợ đánh giày dạo, mặt non choẹt tự nhận “em làm ăn chân chính nhất khu vực này” cho biết như thế. Và cũng theo lời T. thì những người thường hay tung chiêu để moi tiền khách đa phần là dân nghiện hút, chích. “Dính vào cái thứ đó có thể giết cả người, chứ làm đểu thế ăn thua gì” - T. nói thêm. Quả thật, tiền đánh giày chỉ 5.000đ - 10.000đ một đôi thì lấy đâu ra tiền mà hút với chích, nên “đói ăn vụng, túng làm liều” là vậy.

DÃ QUỲ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên