![]() |
Ông Nông Văn Tinh (phải): "Sắp tới nước sẽ ngập tới chân nhà tôi, đất sản xuất mất hết. Nhưng người dân bản Lè chúng tôi (xã Đà Vị, Na Hang) vẫn chưa biết đi, ở thế nào" - Ảnh: Đức Bình |
Bản làng thành “ốc đảo”
Sau hơn bốn năm rưỡi, công trình thủy điện Tuyên Quang “đã cơ bản hoàn thành” và đang trong quá trình tích nước, chuẩn bị phát điện tổ máy số 1 (dự kiến) vào tháng 8-2007. 11 giờ ngày 19-10, mức nước hồ chứa đạt đến cao độ (cốt) 103m và chỉ còn kém cốt thiết kế 17m (tức cốt 120m).
Từ chân đập (công trình xây dựng trên dòng sông Gâm, ở trung tâm thị trấn Na Hang, Tuyên Quang) đến các xã xa nhất thuộc diện phải di dời dân chỉ có 40-50km đường bộ, nhưng hiện con đường bộ huyết mạch đã bị chìm sâu dưới nước, nhiều chỗ sạt lở nên giao thông duy nhất là những con đò nhỏ có lắp máy Kohler.
Ngay chân đập, một bến đò dã chiến mới được hình thành với “đội đò” trên 60 chiếc hằng ngày ngược xuôi dòng sông Gâm, sông Năng để về lòng hồ đưa đón khách. Chúng tôi lên con đò lớn nhất, con đò tròng trành như muốn đong thêm nước vào lòng. Nước mênh mông nhưng con đò không thể đi nhanh hơn bởi bao rác rưởi, cây củi, đồ vật bị vứt bỏ của dân cứ lều phều nổi trên mặt hồ. “Quanh đây đã có năm xã chìm nghỉm. Đò mình đang đi trên ngọn cây, mái nhà cũ của người ta đấy” - anh Dư, cán bộ Huyện đoàn Na Hang, nói như vậy. Theo anh Dư, nhiều bản làng của các xã vùng sâu như Đà Vị, Yên Hoa giờ đã biến thành “ốc đảo”, bị cô lập hoàn toàn. Hiện người dân các bản này đang sống trong cảnh không có điện thắp sáng, thiếu nước sinh hoạt và mất đất sản xuất.
Còn ngay gần trung tâm huyện, bản Nà Chác và Túc Lương của xã Trùng Khánh (cách thị trấn Na Hang trên 13km), có hàng trăm hộ dân đồng bào Dao, Tày cũng đang bị cô lập giữa biển nước suốt hơn một tháng qua. Chính quyền địa phương phải huy động hai chiếc đò nhỏ cùng nhiều bè mảng tre để phục vụ bà con đi lại miễn phí. Trong khi những hộ dân bản Túc Lương đang được chuyển về nơi tái định cư mới thì 103 hộ dân bản Nà Chác lại đang bơ vơ. Anh Phùng Kim Đường, một trong 19 gia đình có nhà thấp nhất bản Nà Chác, nói buồn bã: “19 hộ mình bị mất hết đất rồi. Không biết mình sống ở đâu, làm gì để sống”.
Dự án thủy điện Tuyên Quang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư ngày 19-4-2002, với các nhiệm vụ chủ yếu là tạo hồ chứa 1 tỉ m3 nước, tham gia phòng chống lũ cho đồng bằng sông Hồng, bổ sung lượng nước vào mùa kiệt và phát điện lên lưới quốc gia. Tổng mức đầu tư là 7.522 tỉ đồng, trong đó gần 1.300 tỉ đồng cho công tác di dân, tái định cư (3.193 hộ, với 17.354 dân). Tuy nhiên do sai sót trong khảo sát, tính toán ban đầu nên đến khi triển khai thực hiện di dân, tái định cư thì phát hiện sót 21 bản, với trên 6.200 dân không được tính vào diện phải di dời. |
Ngay bến đò bản Xá Thị (bản trung tâm của xã Đà Vị), hơn chục người đang khẩn trương chuyển đồ đạc của nhà anh Nông Văn Sáng lên ôtô (xe chỉ đi được trong nội bản), xe bò kéo. Vợ anh Sáng bảo chẳng ai muốn chuyển đi đâu cả… nhưng “nước lên nhanh thế này phải chuyển trước đã, chờ đợi Nhà nước đền bù chỉ có mà chìm nghỉm thôi”. Hướng về dòng nước mênh mông trước mặt, chị Sáng nói tiếp: “Chỗ đấy mấy hôm trước còn là trụ sở ủy ban, cái chợ cũng nằm ngay đó, giờ chìm hết rồi”…
Cả bản Xá Thị có 103 hộ đều chuyển lên bản mới gần đó. Nhà cửa dựng lại thì được, chợ cũng có thể được tái mở nhưng đất ruộng sản xuất thì không có. Phó chủ tịch xã Dương Văn Nội đau đáu lo: “Chẳng nhẽ cả bản trên 500 người buôn bán, làm dịch vụ hết?”. Theo phó chủ tịch Nội, anh không biết việc khảo sát bỏ sót dân thế nào, dự toán ra sao nhưng đến lúc này “cái mặt bằng cho dân chuyển đến cũng chưa xong, điện nước cũng mất, nói gì đến trụ sở xã. Khó khăn nhiều thế, biết nói với dân thế nào…”.
Rời khỏi bản mới Xá Thị, ngược đò hơn 30 phút chúng tôi lại đến “ốc đảo” khác - bản Lè. Cả bản có 95 hộ thì 83 hộ nằm dưới cốt đã được đền bù, di chuyển, nhưng còn 12 hộ trên cốt vẫn chưa được tính tới. Ông Nông Văn Tinh, một trong 12 hộ dân này, bức xúc: “Nhà tôi trên cốt nhưng ruộng đất thì mất hết, mai này nước vây quanh nhà thì chúng tôi chết à. Bảo tôi đến nơi ở mới tại bản Xá Thị nhưng chẳng thấy nói hỗ trợ đền bù. Ở đây tôi có trên 5.000m2 đất ruộng, mỗi năm thu hơn ba tấn thóc, giờ đến chỗ mới không đất sản xuất thì tôi làm gì?”.
Tình cảnh tương tự cũng xảy ra ở xã Trùng Khánh và xã Yên Hoa. Biết là nước ngập sẽ phải đi, vì có ở lại cũng không có đất sản xuất, nhiều hộ dân trong bản đã làm đơn xin tình nguyện được di dời nhưng đến nay họ vẫn chưa nhận được hồi âm gì.
Chỉ mong Quốc hội...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bí thư Huyện ủy Na Hang Hứa Kiến Thiết cho rằng di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang là “một cuộc cách mạng, tất cả lãnh đạo, các ban ngành đoàn thể từ tỉnh đến huyện đều đã vào cuộc”. Tuy nhiên “cuộc cách mạng” này đã, đang gặp khó khăn. Đầu tiên chính là “sai sót” của chủ đầu tư, tổng thầu và các đơn vị liên quan trong việc khảo sát, dẫn đến “bỏ sót” tám bản của ba xã, với trên 1.500 dân. Chưa hết, do có thể vì địa bàn khảo sát rộng lại ở nơi rừng xanh núi thẳm, nên công tác khảo sát đã không tính toán đến việc các bản sẽ bị cô lập do ngập nước, hoặc các bản nằm trên cốt 120 nhưng lại mất sạch đất sản xuất. Chính vì thế số dân thuộc diện phải di dời mới tăng lên trên 6.200 người so với khảo sát.
Từ sai sót trên dẫn đến hàng loạt hạng mục bị ảnh hưởng theo mà cụ thể là đến nay sau hơn bốn năm rưỡi phê duyệt dự án nhưng qui hoạch tổng thể về di dân vẫn chưa có, định mức đền bù di dân, tái định cư cũng chưa có nốt. Từ đó dẫn tới việc chuẩn bị mặt bằng nơi ở mới, tính toán phương án đền bù đều bị chậm…
Ông Hứa Kiến Thiết khẳng định: “Khó đến mấy chúng tôi cũng cam kết thực hiện hoàn tất công tác di dân, tái định cư vào ngày 30-10-2006. Dù chưa được phê duyệt mức đền bù nhưng quan điểm của tỉnh, huyện là không để một hộ dân nào thuộc diện di dời mà không di dời”. Vấn đề cốt lõi, theo ông Thiết, “rất mong Quốc hội và Chính phủ sớm bàn bạc để nhanh chóng có quyết định về định mức đền bù di dân - tái định cư”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận