Một cảnh trong vở kịch Hồ Nguyệt Cô thành người - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Hồ Nguyệt Cô thành người được lấy cảm hứng từ tác phẩm nổi tiếng Hồ Nguyệt Cô hóa cáo. Đây là dự án cá nhân của GS.TS người Mỹ Catherine Diamond (giảng viên khoa kịch nghệ Trường đại học Soochow, Đài Loan).
Bà viết tác phẩm này và cho dàn dựng vở qua năm nước Malaysia, Philippines, Việt Nam, Myanmar và Lào. Từ đó, bà so sánh các hình thức thể hiện khác nhau giữa các nước để làm tư liệu nghiên cứu về kịch nghệ Đông Nam Á.
Dài khoảng 60 phút, vở diễn là câu chuyện có màu sắc ma mị. Đứng trước cảnh từng loài thú quý hiếm bị biến mất trước sự săn bắn, tàn sát của con người, Hồ Nguyệt Cô ngồi thiền 1.000 năm để trở thành con người hiện đại.
Cô xâm nhập vào thế giới những người săn bắn và buôn bán động vật hoang dã để cất lên tiếng nói bi thương của loài thú đang bị con người tận diệt từng ngày...
Với Hồ Nguyệt Cô thành người phiên bản Malaysia, Philippines, bà Catherine Diamond làm việc với cả diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên.
Tuy nhiên, lần dàn dựng ở Việt Nam, bà làm việc với êkip tám diễn viên hoàn toàn là sinh viên năm 3 của khoa kịch hát dân tộc. Catherine Diamond chia sẻ: “Thời gian tôi làm việc ở TP.HCM khá gấp rút, chỉ có chín ngày, nhưng thời gian chính xác để dàn dựng vở chỉ được khoảng bảy ngày.
Ông Hoài Nam (trưởng phòng tổ chức đối ngoại của trường) đề nghị nên dàn dựng cho sinh viên khoa kịch hát dân tộc, sử dụng chất liệu dân tộc như âm nhạc, trình thức vũ đạo... áp dụng vào vở diễn hiện đại. Quả là khó khăn trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, các sinh viên nhiệt tình và khá giỏi nên vở kịch khá thú vị và có màu sắc khác biệt!”.
Chọn dự án của bà Catherine Diamond cho lần hợp tác đầu tiên, ông Hoài Nam cho biết: “Chúng tôi chọn bà Catherine Diamond vì muốn có sự giao lưu văn hóa Đông - Tây.
Bà là người đã đến Việt Nam nhiều lần, nghiên cứu về sân khấu Việt Nam và biết khá nhiều về hát bội, cải lương.
Với vở diễn ngắn này, chúng tôi đã góp ý bà nên bỏ kiểu di chuyển như múa balê và thay vào đó là vũ đạo, âm nhạc của bộ môn cải lương. Lời thoại kịch hiện đại nhưng thể hiện theo kiểu nói lối của cải lương.
Đây là vở diễn thử nghiệm, chúng tôi sẽ ghi hình lại và sắp tới dự định tổ chức một cuộc hội thảo để bàn về kế hoạch đầu tư hợp tác nghệ thuật với các nước trong năm năm tới, với cách thể hiện giao thoa văn hóa truyền thống và hiện đại”.
Người bạn 20 năm của sân khấu kịch Việt Nam
Catherine Diamond không phải là người xa lạ. Bà đến Việt Nam lần đầu khoảng năm 1997. Từ đó đến nay bà trở lại Việt Nam ít nhất 7 lần. Theo dõi sân khấu kịch từ mấy chục năm nay nên bà có thể nhớ tên cả Thành Lộc, Hồng Vân, Ái Như..., kể tên vanh vách Sân khấu nhỏ 5B, Idecaf và bây giờ là Hoàng Thái Thanh. Trong cuộc trò chuyện, Catherine bày tỏ rất yêu mến những tác phẩm của đạo diễn - NSND Phạm Thị Thành và nhắc đến mùa kịch tết như một “đặc sản” của kịch Sài Gòn, thắc mắc không biết “đặc sản” tồn tại ra sao. Catherine chia sẻ bà có nghe nói về tình hình hoạt động sân khấu khó khăn mấy năm gần đây. “Trong tình hình đó mà sân khấu Idecaf, sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn thường xuyên sáng đèn là điều đáng mừng. Đến Hoàng Thái Thanh, tôi thấy đa dạng khán giả già, trẻ, trung niên đều hào hứng xem kịch, đó là điều đáng quý. Tuy nhiên, tôi thấy buồn là dường như những kịch bản sân khấu sau này không còn hay và sâu sắc như những năm 1990. Lúc đó, các vở diễn ở Sân khấu nhỏ 5B và Idecaf rất ấn tượng. Tôi mong các bạn đầu tư khai thác những kịch bản tốt để có thể dàn dựng những vở kịch có giá trị và ý nghĩa...” - bà Catherine nói về sân khấu thành phố với nỗi băn khoăn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận