21/08/2009 15:22 GMT+7

Dòng sông Mekong bị bức tử, nguy cơ cận kề

Theo PHẠM THÀNH SƠNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo PHẠM THÀNH SƠNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Thời gian gần đây, có hai sự kiện liên quan đến kinh tế và môi trường sống của các nước hạ lưu sông Mekong, trong đó có Việt Nam, được dư luận bên ngoài quan tâm còn nhiều hơn là chính người trong cuộc. Đó là Trung Quốc chuẩn bị cho việc vận hành đập thủy điện lớn thứ tư ở thượng nguồn sông Mekong và sự hợp tác của Mỹ về dự án sông Mekong trong một cố gắng làm giảm thiểu nguy cơ cho các quốc gia trong vùng.

Đã có rất nhiều bài báo lên tiếng về cơn khát năng lượng của Trung Quốc là lý do để nước này khai thác tiềm năng thủy điện lớn của sông Mekong, bất chấp điều ấy có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các nước hạ lưu hàng trăm năm nay sống hiền hòa bên dòng sông này.

DLeGXT6B.jpgPhóng to
Đập Mạn Loan trên thượng nguồn sông Mekong

Sau khi đưa vào vận hành ba đập thủy điện lớn là Mạn Loan, Cảnh Hồng và Đại Chiếu Sơn, vào tháng 9 tới đây Trung Quốc sẽ đưa đập thủy điện Tiểu Loan vào hoạt động. Đập này cao 292 mét, gần bằng tháp Eiffel ở Paris, công suất dự kiến 4.200 Megawatt, hơn gấp ba lần công suất của ba nhà máy thủy điện đang vận hành. Điều đáng lo ngại hơn cả là dung lượng cực lớn trong hồ chứa của đập Tiểu Loan lên đến 15 tỉ mét khối nước, gấp năm lần tổng dung lượng của ba con đập đã hoàn thành trước đó cộng lại.

Song song với Tiểu Loan, một con đập khác lớn hơn cũng đang được Trung Quốc ráo riết thi công là đập Nuozhadu, với hồ chứa lên tới gần 23 tỉ mét khối nước, dự kiến hoàn thành vào năm 2014.

Nguy cơ nước sông Mekong bị các đập thủy điện Trung Quốc ở đầu nguồn hút hết với những hậu quả khôn lường đối với các nước nằm ở hạ lưu là một trong những vấn đề từng được các nhà nghiên cứu đề cập nhiều vài năm nay.

Vào tháng 5-2009, một công trình nghiên cứu giữa Cơ quan Bảo vệ Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Viện Công nghệ học châu Á (AIT) đã cảnh báo kế hoạch xây dựng tám con đập trên thượng nguồn có thể trở thành mối đe dọa đáng kể cho dòng sông và nguồn tài nguyên thiên nhiên đến từ sông Mekong, đặc biệt là nguy cơ đối với Việt Nam và Campuchia.

Đối với Việt Nam, lưu lượng nước sông Mekong giảm do ảnh hưởng các đập thủy điện Trung Quốc sẽ làm gia tăng hiểm họa triều cường tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), một phần diện tích đất đai bị hóa phèn sẽ không trồng trọt được. Cộng thêm với nguy cơ mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu, các diện tích canh tác rộng lớn có thể sẽ bị ngập lụt, buộc hàng triệu người dân phải di cư.

ĐBSCL vốn là vựa lúa của cả nước, nên thiệt hại sẽ rất nghiêm trọng. Đó là chưa kể hồ chứa của các đập này sẽ giữ lại rất nhiều phù sa của con sông nên sẽ ảnh hưởng đến hạ lưu. Riêng ĐBSCL thường nhận được rất nhiều phù sa, lượng nước cũng khá, nay nếu nước ít đi, lượng phù sa sẽ giảm trong lúc nước biển có thể lấn sâu vào lưu vực sông Cửu Long phía hạ lưu.

Đối với Campuchia, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Mực nước sông Mekong bị giảm sẽ đe dọa đến vựa cá của toàn vùng là Biển Hồ khiến cho kế sinh nhai của hàng triệu ngư dân bị tổn hại.

Cho dù Trung Quốc bào chữa cho việc xây đập ở thượng nguồn sông Mekong là nhờ đó mà giảm được lượng nước chảy vào mùa mưa, giúp các nước phía hạ lưu không bị lụt, giúp cho bờ sông không bị xói mòn, nhưng theo giới bảo vệ môi trường, chỉ mới ba con đập nhỏ đi vào hoạt động mà tác động tiêu cực đối với các nước ở phía hạ lưu đã xuất hiện. Cụ thể là nguồn cá bị giảm sút đáng kể trong lúc hiện tượng bờ sông bị sạt lở vì xói mòn đã phát sinh từ Myanmar qua miền Bắc Thái Lan và miền Bắc Lào.

Ông Nguyễn Đức Hiệp, chuyên viên môi trường tại Úc từng nhiều năm nghiên cứu vấn đề này, cho rằng: “Trung Quốc nói là nhờ đập Tiểu Loan và các đập nước khác trên thượng nguồn, có thể điều hòa được lưu lượng nước sông Mekong, thế nhưng thực tế là trong năm ngoái, bất chợt trong mùa lũ, nước dâng lên rất mạnh ở hạ lưu, vùng Hạ Lào và Đông Bắc Thái Lan bị lụt rất lớn, bờ sông bị xói mòn, nhiều làng mạc bị phá hủy. Dân ở những nơi đó than phiền là tai họa đến từ các đập nước trên thượng nguồn phía Trung Quốc.

Đã có những lời phản đối từ phía Thái Lan và Lào. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn không tham gia Ủy hội sông Mekong với bốn nước Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia. Chẳng qua là vì họ muốn được làm bất cứ việc gì trên lãnh thổ của họ mà không cần quan tâm đến các nước phía hạ lưu”.

Nhà nghiên cứu Michael Richardson, thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở tại Singapore, trong bài viết “Đập tại Trung Quốc biến Mekong thành dòng sông bất hòa” đăng trên trang web Yale Global đã cho rằng do không có một hiệp định quốc tế nào chi phối việc sử dụng các con sông liên quốc gia, nên Trung Quốc là nước ở đầu nguồn nắm thế thượng phong và giành quyền tùy nghi phát triển khúc sông trên lãnh thổ của họ mà không cần tham khảo ý kiến ai.

Trong khu vực hạ lưu có Ủy hội sông Mekong, một định chế liên chính phủ tập hợp bốn nước vùng hạ lưu, tuy rất quan tâm đến vấn đề nhưng lại không có uy thế gì đối với Trung Quốc. Cho đến nay, Trung Quốc tránh không gia nhập định chế này vì e ngại kế hoạch xây đập trên thượng nguồn có thể bị các nước Đông Nam Á ở hạ lưu giám sát kỹ lưỡng.

Mới đây có tin sự hợp tác giữa Ủy ban Mekong và Ủy ban sông Mississippi (Mỹ) bắt đầu khởi động nhanh chóng ngay sau chuyến thăm Đông Nam Á của Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) hồi tháng trước. Hai bên đã ra thông báo ghi nhớ hợp tác nhằm giải quyết những tồn tại trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên nước.

Hai ủy ban trên đã đồng ý hợp tác trao đổi kỹ thuật và nghiên cứu những biện pháp tối ưu trong việc điều chỉnh sự thay đổi của khí hậu làm ảnh hưởng đến hệ thống dòng chảy. Hai ủy ban cũng đồng ý hợp tác cùng nhau khuyến khích việc phát triển hệ thống thủy điện bền vững, giải quyết vấn đề đảm bảo đáp ứng nguồn thủy sản là lương thực thực phẩm, tổ chức quản lý phòng chống thiên tai lũ lụt và tăng cường thông thương đường sông và thương mại đường sông.

Chủ tịch Ủy ban sông Mississippi cho biết: “Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm về chuyên môn và thành thạo nghiệp vụ để đương đầu với những thách thức trên. Việc hai bên hợp tác gần gũi và thường xuyên tiến hành trao đổi sẽ mang lại những lợi ích tốt nhất”.

Ngày 9-7-2009, Chính phủ nước ta đã chính thức lên tiếng bày tỏ thái độ quan ngại trước việc các đập thủy điện xây dựng trên thượng nguồn sông Mekong có thể gây tác hại tới dòng chảy con sông và môi trường sinh thái đặc biệt với các nước hạ lưu. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Dũng tuyên bố rằng Mekong là con sông quốc tế, việc khai thác cần tính đến lợi ích các nước trong lưu vực, bảo vệ môi trường và dân cư sinh sống dọc sông. Đây là lần đầu tiên Việt Nam lên tiếng về vấn đề này.

Ngoài việc bày tỏ thái độ một cách ôn hòa, chúng ta vẫn chưa có một trung tâm nghiên cứu về tác hại do thiếu nguồn nước, cũng chưa một công trình nghiên cứu cấp nhà nước nào được thực hiện, mà chỉ có một số công trình của cá nhân các nhà khoa học liên quan đến đánh bắt thủy sản, lưu lượng nước và phù sa tại ĐBSCL. Một nghiên cứu quy mô lớn cùng với các cuộc hội thảo để tìm phương án đối phó, tuy bây giờ có trễ nhưng vẫn còn hơn là chờ nước đến chân mới nhảy, mất bò mới lo làm chuồng, như cách làm lâu nay của các cơ quan chức năng.

Hãy cứu sông Mekong

Chiến dịch vận động cứu sông Mekong do các nhà môi trường thuộc “Liên hiệp cứu lấy sông Mekong (Save the Mekong Coalition - SMC) chủ xướng, tính đến cuối tháng 6-2009 đã thu hút được gần 17.000 người sau hơn ba tháng triển khai, trong số đó có hơn 11.000 cư dân trong vùng lưu vực sông Mekong và khoảng 5.000 người khắp nơi trên thế giới ký tên vào một bản kiến nghị.

HEVGWeCc.jpgPhóng to
Nuôi cá bè trên sông Hậu

SMC được thành lập năm 2008 với nhiệm vụ chính là bảo vệ sông Mekong mà mục tiêu trước mắt là theo dõi chặt chẽ việc Trung Quốc xây dựng khoảng 11 đập thủy điện ở thượng lưu con sông, đe dọa đến nguồn sống cũng như cách sống của hàng chục triệu cư dân ở hạ nguồn con sông.

Bản kiến nghị bằng bảy thứ tiếng nói trên đã được gửi đến chính phủ các nước thành viên của Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission - MRC) là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Thế nhưng đáng buồn hơn cả là có vẻ như chúng ta chưa quan tâm đúng mức về hiểm họa khôn lường ấy, thể hiện qua việc chỉ vỏn vẹn hơn 300 người Việt Nam ký tên vào bảng kiến nghị nói trên, so với Lào là 611 người, Campuchia là 2.673 người, Thái Lan 7.756 người.

Nên chăng các tổ chức, đoàn thể trong nước mở cuộc vận động người dân hưởng ứng chiến dịch của SMC, bằng cách vào trang web: http://www.savethemekong.org/?langss=vi

Ghi tên mình vào bảng kiến nghị là góp phần tham gia vào việc bảo vệ môi trường sinh thái của dòng Mekong nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng.

------------------------------------

Ủy hội sông Mekong: Lập trang web nhận phản hồi về các dự án xây đập thủy điệnNước ngọt, sao không là nước mưa?Cận cảnh những cơn hấp hối bên dòng MekongCứu lấy sông MekongTrung Quốc ngừng xây hai đập trên sông Kim SaQuanh co như sông Mekong Sông Cửu Long sẽ khát nước... ngọt“Bức tử” sông Mekong với đập cao 292m Bàn thảo về an ninh nước cho sông MekongCampuchia sợ sông Mekong dâng cao bất thườngThu thập ý kiến về các dự án thủy điện trên sông MekongĐập nước hủy diệt các con sôngTrung Quốc cam kết tăng cường hợp tác với các nước hạ lưu sông MekongSông Mekong - bản tình ca nghiệt ngã?

Theo PHẠM THÀNH SƠNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên