TT - Dù có đến ba góc trưng bày khác nhau: Ðồng nát - người làng ở phố, Những người thầy thầm lặng và Hip hop - cuộc sống của tôi, nhưng khách xem cuộc trưng bày Chuyện ở thành phố: Những giọng nói cộng đồng (*) thường dừng lại lâu hơn trước thế giới đồng nát khốn khó và giàu cảm xúc.
<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Phóng toNhững sinh hoạt của nghề đồng nát vẫn còn xa lạ với nhiều người - Ảnh: Tiến Thành
Hình ảnh những người phụ nữ làm nghề đồng nát (ve chai) khá quen thuộc với hầu hết người dân thành phố nhưng cuộc sống phía sau của họ không phải ai cũng biết.
Thế giới đồng nát trong triển lãm bắt đầu bằng quang gánh, dép lê, nón cùng những xâu vỏ lon bia, chai nhựa được treo toòng teng mỗi đầu đòn gánh hay chiếc đinh đóng ở góc tường. Một góc sinh hoạt nhỏ hẹp với nửa chiếc giường có một chiếc chiếu gấp đôi trải ngang, một chiếc gối có vỏ bọc bằng vải thun và chiếc chăn sờn cũ. Chếch lên một chút, áp tường là chiếc móc treo vài bộ quần áo... Toàn bộ căn phòng chỉ chừng 2m2 ấy không chỉ là nơi ăn ở, sinh hoạt mà còn là nơi trao đổi, giao lưu về văn hóa, tập tục và tôn giáo của rất nhiều phụ nữ đến từ nhiều miền quê khác nhau được tập trung trong những xóm trọ đồng nát.
Phóng to |
Gánh đồng nát trên phố - Ảnh chụp lại từ cuộc trưng bày |
Lựa chọn làm nghề thu mua đồng nát có nghĩa là họ phải lựa chọn đương đầu với nhiều khó khăn thách thức ở thành phố. Không chỉ thu lượm đồng nát mà họ còn làm rất nhiều việc khác từ dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ đạc đến khuân chở hàng hóa, vật liệu xây dựng. Vất vả cả ngày nhưng khi trở về xóm trọ, họ phải sống trong môi trường tù túng, chật chội, thiếu ánh sáng và thiếu cả những phương tiện tối thiểu của cuộc sống.
Ðương nhiên, tất cả khó khăn ấy đều được 100% các chị, những người làm nghề đồng nát, cố gắng trải qua để nghĩ đến những đứa con hoặc cha mẹ già ở quê lúc nào cũng mong ngóng sự trở về của họ vào những dịp giỗ chạp hoặc tết nhất.
Chữ “người làng” trong Ðồng nát - người làng ở phố còn được giữ khá nguyên vẹn khi cái tình của họ vẫn còn níu giữ chặt bởi gốc quê, đó là sự chăm sóc quan tâm đến nhau mỗi khi ốm đau, hoạn nạn. Là những lời thăm hỏi và những món quà quê được chia sẻ đều. Bởi thế, ngoài việc mưu sinh, câu chuyện tình người của họ khiến nhiều người xem xúc động.
Thế nên, bên những chiếc ống bơ đựng lược, bàn chải đánh răng, những vật dụng được thu mua từ gánh đồng nát còn có những mảnh giấy và cây bút để người xem viết cảm xúc của mình: “Cảm ơn các chị, các mẹ không ngại mưa, không ngại nắng để nuôi các con ăn học trưởng thành”; “Gia đình họ, những đứa con của họ khi được xem góc nhỏ này sẽ càng cảm thấy rõ hơn sự hi sinh của người chị, người mẹ. Ðó sẽ là động lực sống, nghị lực vươn lên của những đứa con. Khâm phục, kính tặng và cầu chúc các chị các mẹ may mắn, mạnh khỏe”; “Họ là những người lao động vất vả vì tương lai của con em họ. Thật đáng trân trọng”.
Dựa vào cộng đồng để trưng bày và làm phim Song song với cuộc trưng bày Chuyện ở thành phố: Những giọng nói cộng đồng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đồng thời trình chiếu ba phim: Những người thầy thầm lặng, Đồng nát - người làng ở phố và Hip hop - cuộc sống của tôi. Mỗi phim dài 15-20 phút và nội dung mỗi phim cũng chính là một phần của cuộc trưng bày. Cả trưng bày và phim đều là kết quả của việc áp dụng phương pháp dựa vào cộng đồng, một phương pháp tiếp cận mới trong xây dựng trưng bày và làm phim. Ba bộ phim dự kiến sẽ chiếu tại bộ môn nhân học thuộc Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cuộc trưng bày và ba phim nói trên được thực hiện trong khuôn khổ dự án Truyền thông dựa vào cộng đồng tại Việt Nam: Những câu chuyện với giọng nói chủ thể, với tài trợ của Quỹ Ford. Những “thành viên nòng cốt” đầu tiên của dự án là sáu cán bộ của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và ba cán bộ VTV5. Dự án đã hoàn thành giai đoạn thứ nhất (2010-2011), giai đoạn tiếp theo dự kiến được triển khai tại các tỉnh Hà Giang, Kon Tum, Cà Mau và Hà Nội. |
Những con số nói lên nhiều điều Ngoài những câu chuyện kể về đời sống, sự thiếu thốn tình cảm hay nỗi nhớ người thân là những con số có thể nói lên nhiều điều. Nó chứng tỏ sự tằn tiện, vất vả và những khó khăn mà mỗi người làm nghề đồng nát đã và đang trải qua. Ví như: 0: là số lần chúng tôi đi khám bệnh từ khi lên thành phố, 3: số đôi dép lê mà chúng tôi sử dụng trong một năm, 10: số giờ làm việc trung bình trong một ngày của một người, 15: số ký gạo mỗi người ăn trong một tháng, 25: số kilômet quãng đường một người thu mua đồng nát đi trong ngày, 30: diện tích nhà trọ dành cho 13 người đồng nát cùng ăn ở, sinh hoạt và để đồ, 60: là số ký tối đa mà người làm nghề đồng nát có thể gánh, 100: 100% số người sử dụng quang gánh làm nghề là nữ giới, 450.000: là số tiền ăn của mỗi người trong một tháng.
|
HOÀNG ĐIỆP
(*) Cuộc trưng bày kéo dài đến ngày 9-9-2011 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Hà Nội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận