Đồng tiền giấy euro các mệnh giá 5,10, 20 và 50 euro.Ảnh: politico.eu
Một trong những tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là làm đồng euro tăng giá mạnh. Theo tỉ giá giao dịch ngoại tệ ngày 9/3 tại các ngân hàng châu Âu, đồng euro đã tăng 1,32% và vượt 1,14 USD/euro. Đây là đợt tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 1/2019.
Trên thực tế, sự tăng giá của đồng euro sẽ thắt chặt các điều kiện tài chính trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và tạo thêm áp lực lên Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong cuộc họp dự kiến diễn ra ngày 12/3 tới.
Bên cạnh đó, đồng euro mạnh còn khiến các công ty xuất khẩu châu Âu giảm sức cạnh tranh, làm giảm giá trị hóa đơn dầu mỏ được giao dịch bằng đồng USD trong khi giá 'vàng đen' trên thị trường thế giới đang 'tuột dốc' không phanh. Điều này cũng chính là dấu hiệu giảm phát đang tác động mạnh đến Eurozone.
Theo ECB, chỉ số dự đoán lạm phát các thị trường là 0,9%, mức thấp nhất kể từ 5 năm qua. Cách đây 5 năm (9/3/2015), trước mối đe dọa giảm phát, ECB đã từng phải hạ lãi suất xuống 0%, sau đó tiếp tục hạ lãi suất xuống mức âm và khởi động chương trình mua chứng khoán.
Do đó, giới doanh nghiệp châu Âu đang kỳ vọng vào các biện pháp mới tại cuộc họp của ECB sắp tới trong bối cảnh giả thuyết về suy thoái kinh tế ngày càng rõ.
Phản ứng của ECB được chờ đợi từ lâu trước sự tăng giá của đồng euro so với đồng USD cũng một phần là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bất ngờ hạ lãi suất 50 điểm cơ bản vào tuần trước. Các nhà điều hành thị trường đang đặt cược vào một động thái mạnh mẽ hơn tại cuộc họp của Fed vào ngày 17-18/3 tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận