05/10/2018 12:08 GMT+7

Đồng Đò - ngôi làng bị bỏ quên ở thủ đô

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - Thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) nằm trọn trong rừng phòng hộ. Đó là lý do thôn bị bỏ quên, quyền lợi của hơn 300 hộ dân, gần 500 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Nhà cửa không được xây, đất đai không được cấp sổ.

Đồng Đò - ngôi làng bị bỏ quên ở thủ đô - Ảnh 1.

Nhà cửa khang trang thế này nhưng đều là... xây lậu cả - Ảnh: VŨ TUẤN

Đi làm thủ tục mới biết chúng tôi ở trong rừng phòng hộ. Nếu không điều chỉnh quy hoạch thì chúng tôi phải di dời. Mà nhà cửa, đường sá, công trình kiên cố từ bao năm nay, chúng tôi rời đi đâu?

Ông Nguyễn Quang Trì (người dân thôn Minh Tân)

Trước năm 1985, khu vực Đồng Đò có khoảng 120ha đồi núi trọc. Khi ấy, huyện Sóc Sơn đã vận động người dân các nơi đến đây làm kinh tế, cải tạo đất và trồng rừng.

Hơn 30 năm, nay đường vào thôn Minh Tân được trải nhựa rộng thênh thang. Trưởng thôn Nguyễn Đình Cường nói con đường này được làm để thu hút khách du lịch đến với Đồng Đò. Hai bên đường lấp ló những khu nghỉ dưỡng, biệt thự sang trọng.

Từ ngày con suối được ngăn lại để làm thủy lợi, khu vực này trở thành điểm du lịch sinh thái. Trên là rừng thông, dưới là hồ nước. Ôtô vào đến tận ngõ ngách trong thôn.

Ăn củ mài, phá đá trồng rừng

Ngày đó, theo lời vận động của huyện Sóc Sơn, hơn 120 hộ dân ở các xã Bắc Phú, Xuân Thu, Kim Lũ, Tân Hợp, Minh Trí vào Đồng Đò cải tạo đất hoang, trồng rừng, làm kinh tế.

Cả khu Đồng Đò ngày xưa, theo lời những người đến đây khai phá, chưa có rừng. Rừng nay có được là nhờ dân trồng.

Đồng Đò ngày ấy chỉ toàn đá hộc với cây bụi. Đất đai bạc màu, những ngày nắng bập nhát cuốc xuống là bốc mùi khét lẹt vì đá ong. Dân khai hoang hò nhau đào đá hộc vừa để có đất trồng sắn, vừa lấy củ mài mọc dưới chân đá mà ăn.

Ai đi "kinh tế mới" cũng được Nhà nước hỗ trợ sáu tháng gạo. Tính bằng tiêu chuẩn mua tem phiếu thời bấy giờ, mỗi tháng mỗi người được khoảng 14kg.

"Chúng tôi ăn củ mài để lấy sức gánh cây lên núi trồng rừng. Nhà nào cũng khai phá được vài hecta. Chỗ nào có nước thì đắp ruộng, cao hơn một tí thì trồng sắn, trên nữa trồng cây gây rừng" - ông Nghiêm Văn Bảy, một cư dân đến đây những ngày đầu, nhớ lại.

Thế hệ ông Bảy đa số là bộ đội phục viên có sức, có chí. "Bao năm vật lộn với bom đạn khắp các chiến trường, giờ về khai phá vài quả đồi có sá gì?" - người đàn ông hơn 70 tuổi giọng sang sảng.

Khổ cực, thiếu ăn, lại bị dịch sốt rét hoành hành, đến năm 1987 chính quyền xã phải sắp xếp lại để những ai còn bám trụ được thì thành lập hợp tác xã. Những gia đình khó khăn quá phải chuyển về quê.

Đến năm 1988, thôn Minh Tân được kiện toàn, có trưởng thôn, thành lập được chi bộ. Từ vài chục hộ ban đầu, đến nay Minh Tân đã có hơn 300 hộ, có nhà văn hóa, có điểm trường, có đường bêtông.

Nhưng khổ nỗi khi người dân chuẩn bị xây nhà mới vỡ lẽ thôn nằm trong vùng rừng phòng hộ, không được phép xây dựng.

Đồng Đò - ngôi làng bị bỏ quên ở thủ đô - Ảnh 3.

Người dân ở thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Hơn 30 năm trước họ đên đây cải tạo đất hoang, trồng rừng và sinh sống. Nhưng họ bị "bỏ quên" - Ảnh: VŨ TUẤN

Quy hoạch bỏ quên, dân lãnh đủ

Ông Trương Văn Nhuận, chủ tịch UBND xã Minh Trí, thừa nhận "một phần không nhỏ có lỗi của đội ngũ cán bộ xã". Trước đó, lần đo đạc đầu tiên để lập bản đồ vào năm 1992, cán bộ xã đã không "dẫn đạc" đến thôn Minh Tân, có lẽ do đường sá đi lại khó khăn.

Đến năm 1993, khi bản đồ địa chính được công bố không có thôn Minh Tân, xã đã kiến nghị để bổ sung vào quy hoạch và vẽ lại bản đồ.

Năm 1998, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội làm quy hoạch rừng dựa theo bản đồ địa chính. Nhưng bản đồ địa chính năm 1992 lại không thể hiện mét vuông đất ở, đất sản xuất nào của thôn Minh Tân. Thôn vẫn nằm trong đất rừng phòng hộ.

Mãi đến năm 2006, UBND huyện Sóc Sơn ra quyết định 838 về việc thống kê số hộ cần đo bản đồ địa chính ở các thôn Minh Tân, Ban Tiện (xã Minh Trí) và sơ bộ khảo sát diện tích thực tế cần phải đo đạc. Thế nhưng khi thực hiện quyết định này, một lần nữa Đồng Đò không được đưa vào bản đồ vì dân không đồng ý.

Trưởng thôn Nguyễn Đình Cường giải thích: "Trong quyết định 838 chỉ xác nhận cho mỗi hộ 400m2 đất ở và 2.000m2 đất rừng. Trong khi đó, trên thực tế người dân chúng tôi đã khai phá nhiều hơn con số đó từ những năm 1985, 1986. Có nhà trồng cây ở bốn quả đồi.

Hơn nữa, nếu thực hiện đo đạc, UBND huyện lúc bấy giờ chỉ công nhận hai loại đất là đất ở và đất rừng sản xuất. Vậy còn đất vườn liền kề, diện tích mặt nước... (sau này là đất trồng cây hằng năm và diện tích nuôi trồng thủy sản) sẽ thống kê không đúng. Vì thế dân chưa đồng tình".

Chưa được đưa vào bản đồ địa chính, đến năm 2008 thực hiện quy hoạch phân ba loại rừng, 300 hộ dân ở Đồng Đò vẫn nằm trong rừng phòng hộ.

Ông Nguyễn Quang Trì, người dân trong thôn, trần tình: "15 năm ở ngay thủ đô mà không có điện. Đến tận năm 2000, khi bí thư thành ủy đến thăm mới chỉ đạo kéo điện vào. Ruộng hàng mẫu, bò hàng đàn, cây rừng bạt ngàn nhưng tôi không vay được tiền làm kinh tế".

Ông Trì bảo người dân trong thôn chỉ muốn được nhìn thấy cái "sổ đỏ" nó ra thế nào, từ trước đến nay chưa ai nhìn thấy sổ cả.

"Nghe xã thông báo, đi làm thủ tục mới biết chúng tôi ở trong rừng phòng hộ. Nếu không điều chỉnh quy hoạch thì chúng tôi phải di dời. Mà nhà cửa, đường sá, công trình kiên cố từ bao năm nay, chúng tôi rời đi đâu?" - ông Trì băn khoăn.

Nhà xây chui

Hơn 300 hộ dân ở Minh Tân không có "sổ đỏ". Không có tài sản thế chấp ngân hàng, không giấy phép xây dựng. Người dân ở đây giờ đã có nhà xây, không phải ở nhà tranh vách đất nữa, nhưng 100% nhà xây... chui!

Thời gian gần đây, siết chặt công tác quản lý địa bàn, quản lý xây dựng, chính quyền xã Minh Tân vận động người dân đợi điều chỉnh quy hoạch, không xây nhà kiên cố. Những công trình đang dang dở phải đình chỉ.

"Nhà dột, nhà nứt tường thì thôi, vờ không thấy để dân có chỗ ở tử tế. Còn nhà xây mới thì nhất quyết phải đình chỉ" - một cán bộ xã nói.

Chỉ chờ cấp trên quyết định

Ông Dương Đức Vượng, phó chủ tịch UBND xã Minh Trí, cho biết đến thời điểm hiện tại, xã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện xong các bước đo hiện trạng, lấy ý kiến người dân, thành lập hội đồng xét duyệt và chờ cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu bản đồ.

Người dân trong xã mong muốn được điều chỉnh quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho họ sản xuất và sinh hoạt. Hơn nữa, có bản đồ địa chính chi tiết mới được cập nhật, chính quyền xã cũng thuận lợi hơn trong công tác quản lý địa bàn, quản lý xây dựng.

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên