![]() |
Nhân viên làm việc trên tầng 19 tòa nhà Harbour View Tower (35 Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM) chạy xuống đường (chụp lúc 15g33 ngày 8-11-2005) - Ảnh: N.C.T. |
Động đất: Các nhà khoa học nói gì?2 trận động đất xảy ra ở Nam Trung bộ và Nam bộ14g54 phút hôm nay: Lại thêm một cơn địa chấnXem video clipChùm ảnh về cơn động đất sáng nayĐộng đất trên diện rộng tại Đông Nam Bộ
Thoát khỏi những tòa cao ốc
Trận động đất (ĐĐ) lúc 14g55 đã khiến tất cả nhân viên các văn phòng đặt tại cao ốc 33 tầng ở đường Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM đổ xuống đường vì hoảng sợ. Cùng lúc, các văn phòng đặt tại tòa nhà Sunwah cũng rung lên và nhân viên chạy túa xuống đường Nguyễn Huệ, Huỳnh Thúc Kháng.
Trong khi đó, tại tòa nhà Công ty APL VN (22 Phạm Ngọc Thạch, Q.3), phần lớn nhân viên đều được điều động di chuyển ra khỏi tòa nhà ngay khi có rung chuyển. Tại Trung tâm thương mại Diamond Plaza (Q.1), số nhân viên làm việc ở những tầng trên cao đã hoảng sợ tìm đường thoát ra khỏi tòa nhà.
Cô Bùi Thị Thanh Huyền, đại diện Cơ quan Xúc tiến du lịch Malaysia tại VN (lầu 12 tòa nhà Mê Linh Point, 2 Ngô Đức Kế, Q.1), kể: “Mọi người đổ túa về phía các thang máy của tòa nhà. Hơn một nửa đã chạy bằng thang bộ, cầu thang chật ních, ai cũng sợ”. Tất cả mọi người trong tòa nhà này đã phải di tản ra ngoài trong khoảng 30 phút.
Chị T., làm việc tại một công ty liên doanh trong tòa 17 Lê Duẩn (Q.1), cho biết ngay sau khi xảy ra ĐĐ công ty đã cho di tản toàn bộ nhân viên ra khỏi tòa nhà. Sau đó ban giám đốc quyết định cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc sớm hơn bình thường.
Bà Hoàng Thạch Thảo, phụ trách thông tin khách sạn (KS) Renaissance Riverside, cho biết sau khi nhiều khách liên tục hỏi thông tin về chuyện động đất, ban giám đốc KS đã thành lập một ban “phản ứng nhanh” bao gồm các trưởng bộ phận và lực lượng phòng cháy chữa cháy của KS. “Ban này sẽ quyết định liệu có sơ tán khách ra khỏi KS hay không nếu từ nay có thêm các dư chấn” - bà Thảo cho biết. |
Tại Công ty Pou Yuen (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM), nhiều công nhân chứng kiến vụ việc cũng kể lại họ thấy bốn tòa nhà khu A, B, C, D đều bị nghiêng. Một số nơi có hiện tượng lún. Rất nhiều công nhân sau đó không dám tiếp tục ở lại làm và được cho về. Hàng ngàn công nhân làm ca tối cũng bỏ ra về, không dám làm tăng ca. Ông Huỳnh Nam, trưởng Công an phường Tân Tạo, cho biết không thấy có tình trạng các tòa nhà bị nghiêng, lún. Công nhân hoảng loạn đổ xô ra ngoài, có 4-5 trường hợp bị ngất xỉu do chạy mệt và được điều trị tại phòng y tế công ty và đã phục hồi sau đó.
Nhà trệt... cũng chạy
Chị Hiếu (chung cư A2, Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận) cho biết khi hai mẹ con đang ngồi xem phim, bất ngờ chị thấy người mình bị “sàng qua sàng lại” đến chóng mặt, chị chỉ kịp hét lên một tiếng rồi kéo đứa con gái bỏ chạy ra ngoài. Hàng trăm người tại khu chung cư này cũng hoảng loạn bỏ chạy ra khỏi nhà khi trông thấy ngôi nhà đột nhiên rung rinh. Tại khu chung cư Miếu Nổi (Bình Thạnh), nhiều người dân cũng hốt hoảng bỏ chạy tán loạn.
![]() |
Nhân viên Công ty Vex VN ở tầng 9 tòa nhà Sunwah Tower (115 Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM) chạy xuống đường Nguyễn Huệ tránh ĐĐ - Ảnh: N.C.T. |
Ông Trần Thanh Phúc, một nhạc công ở khu dân cư trên đường Phạm Thế Hiển (P.4, Q.8), sau cơn chấn động đã cùng với một số hàng xóm chạy ra đường hẻm đứng cả tiếng đồng hồ, mặc dù khu nhà ở đây toàn bộ chỉ là nhà trệt.
“Khu chung cư Phạm Thế Hiển gần đó cao ba tầng, người ở trong nhận thấy nhà bị sàng nhiều hơn là khu nhà trệt tụi tôi, đều hoảng sợ bỏ chạy khỏi nhà, trú dưới đất” - ông Phúc kể. Trong khi đó, bà con dãy N, khu cư xá Phú Lâm A, đường Kinh Dương Vương, phường 12, quận 6 đã ùa chạy ra đường vì thấy các cửa kính khua động, dịch chuyển đồ đạc trong nhà.
Tại các công trình đang xây dựng dở dang trên đường Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận, nhiều công nhân vẫn chưa hết bàng hoàng. “Lúc đầu cứ tưởng có ai rung giàn giáo giỡn chơi, tui quay lại nhìn mới điếng người vì chẳng thấy ai. Tui quẳng ngay đồ đạc và chạy thục mạng xuống đất...” - anh Tâm, công nhân đang làm việc cho một công trình tại đây, kể. Một số công nhân tại đây cho biết cứ tưởng là công trình sắp sập nên chỉ kịp hét gọi bạn bè rồi mạnh ai nấy chạy.
Ôm cả bệnh nhân chạy
Chị Nguyễn Thị Diệu Mân - nữ hộ sinh trưởng khoa điều trị theo yêu cầu Bệnh viện Từ Dũ - cho biết tại khoa có gần 100 sản phụ đang nằm. Tất cả bệnh nhân (BN) và người nhà đều cảm nhận hiện tượng động đất. Nhiều BN tỏ ra lo lắng, xin về.
Lúc 20g ngày 8-11, ông Trần Minh Hùng (48 tuổi) - ngụ số 453/KH110 đường Lê Văn Sĩ (P.12, Q.3, TP.HCM) đã chết tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định do chấn thương sọ não. Được biết, vào lúc xảy ra động đất, ông Hùng đứng trong nhà. Do nhà bị lắc mạnh làm rơi miếng ván gỗ trên trần, trúng đầu gây chấn thương. Theo Lao Động |
Trong khi đó, tại khoa nội I khu B của BV Ung bướu TP.HCM, khi chúng tôi đến các BN và người nhà vẫn còn đang bàn tán xôn xao. Bà Nguyễn Thị Hoa - nuôi bệnh tại khoa nội I - lúc đó vừa vào thang máy, đột nhiên thang máy lắc lư, còn cánh cửa thang máy đánh rầm rầm. Đến tầng ba thang máy mở cửa, bà lao ra vừa chạy vừa khóc: “Cứu tôi với, cứu tôi với!”.
Một số người nhà BN khác cũng bế người thân bỏ chạy khỏi phòng bệnh. Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Nguyệt và Phan Thị Minh Châu của khoa nội I kể thêm: sau những tiếng la: “Trời ơi, động đất, động đất”, nhiều BN cùng người nhà rần rần chạy xô ra.
Anh Phong - nhân viên trực thang máy của BV Chợ Rẫy - kể: “Lúc đó tôi nghe thang máy rung rinh. Nhiều thân nhân hoảng loạn chạy ra khỏi phòng”. Tại tầng 9 khoa nội thần kinh, nhiều thân nhân vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh Quốc Việt cho biết: lúc ấy anh đang ngủ ở hành lang thì nghe như có cảm giác đu đưa giật mình dậy. Anh kịp trấn tĩnh đây là một cơn dư chấn nhẹ nhưng nhiều thân nhân đã bỏ chạy xuống tầng dưới...
1g40 sáng qua 8-11, các phóng viên Tuổi Trẻ đến ký túc xá Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nơi có 4.000 sinh viên nội trú đang kêu cứu qua đường dây nóng báo Tuổi Trẻ vì hoảng loạn. Sinh viên đã tập trung xuống chật kín khoảng sân trường. 2g05, nhiều tiếng thét thất thanh vang lên cùng lúc với hàng ngàn sinh viên chen nhau chạy xuống các cầu thang hẹp. “Vừa có cơn ĐĐ thứ hai đấy” - một sinh viên vừa thở vừa nói. Tin về trận ĐĐ thứ hai lan nhanh trong sinh viên, và các bạn đã xô đẩy chen lấn nhau tìm đường chạy xuống cầu thang, các bảo vệ trường tay cầm loa nhưng không cách nào vãn hồi trật tự. Nhiều bạn nữ bị ngất tại chân cầu thang, và trường đã điều động xe đưa ít nhất 10 bạn nữ vào sơ cấp cứu tại Bệnh viện 175, Q.Gò Vấp. Tổ bảo vệ mở cổng trường và sinh viên túa ra chật kín đoạn đường Nguyễn Văn Bảo phía trước. Lúc này, mọi người biết tin về cơn ĐĐ thứ hai là do... sợ! 2g10, tổ bảo vệ trấn an sinh viên và kêu gọi các bạn vào phòng ngủ. Tuy vậy, đã có từng nhóm sinh viên dựa vào nhau gà gật trên hành lang. 2g40, thầy hiệu trưởng Tạ Xuân Tề xuất hiện. Thầy trấn an các bạn sinh viên, kêu gọi nên vào phòng ngủ. Tuy nhiên, mãi đến tận sau 4g hàng trăm sinh viên mới lục tục rời sân trong đêm lạnh, quay trở vào phòng. Chiều qua, khi trận ĐĐ thứ hai xảy ra, gần 10.000 sinh viên đang học tại trường này lại một phen túa xuống sân trường bỏ ngang cả buổi học. |
|

3g sáng 8-11, nhiều SV ĐH Công nghiệp TP.HCM vẫn còn tập trung dưới sân trường chưa dám lên ký túc xá - Ảnh: T.T.D.
* Tại Bình Thuận, hai trận động đất (ĐĐ) đã xảy ra đều khắp ở tám huyện, thị trong tỉnh. Riêng tại huyện đảo Phú Quý, cửa sổ nhiều ngôi nhà đã bị bật tung.14g55, trận ĐĐ xảy ra trong khoảng 8-9 giây. Những ngôi nhà cao tầng tại thành phố Phan Thiết đã rung chuyển mạnh. Ít nhất ba nữ sinh Trường cao đẳng Sư phạm Bình Thuận bị ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu.
* Tại Ninh Thuận, hai trận ĐĐ cũng đã xảy ra ở Phan Rang và vùng ven thị xã này vào sáng nay, khoảng 0g15-0g45. Lúc 14g57, một chấn động mạnh lại tiếp tục xảy ra trên địa bàn Phan Rang và lan rộng hầu hết các huyện.
* Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Phú Yên xác nhận một trận ĐĐ lần đầu tiên xảy ra tại tỉnh này lúc 14g55 ngày 8-11. Nhiều người dân ở khu vực chợ TP Tuy Hòa cho biết họ cảm nhận mặt đất bị rung nhẹ trong 2-3 giây.
* Ở Đắc Lắc, lúc 14g57, tại khu vực đường Nguyễn Kim, P.Tân Thành, buôn Păn Lăm, P.Tân Lập (TP Buôn Ma Thuột) đã có chấn động trong khoảng nửa phút, làm rung hàng trăm nhà cửa của dân.
Trước đó vào lúc 2 giờ sáng 8-11, tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông cũng xảy ra ĐĐ nhẹ trong vòng 20 giây.
Từ các giàn khoan ở mỏ Bạch Hổ (Bà Rịa - Vũng Tàu), thông tin viên Trương Thanh Phú và Trần Đức của giàn khai thác số 6 khẳng định trận ĐĐ xảy ra lúc 14g55 là cơn địa chấn mạnh nhất mà họ từng ghi nhận được. Toàn bộ giàn 6 chao nghiêng mạnh, mạnh hơn trận ĐĐ rạng sáng 8-11 rất nhiều. Anh Trương Quang Tửu, thông tin viên của giàn trung tâm công nghệ số 2 mỏ Bạch Hổ, khẳng định với Tuổi Trẻ là anh và các đồng nghiệp trên giàn cảm thấy tâm chấn của ĐĐ xảy ra rất gần: giàn chao nghiêng rất mạnh, thời gian chao nghiêng lâu, nghe tiếng va đập rất mạnh vào thân giàn... |
* Theo kỹ sư Bùi Thị Hương (Sở Khoa học - công nghệ Bến Tre), vào khoảng 14g55 tại khu vực thị xã Bến Tre và nhiều huyện cũng xảy ra đợt dư chấn nhẹ kéo dài khoảng 5 giây. Nhiều người dân hoảng sợ bỏ chạy ra khỏi nhà.
* Ông Phan Thanh Hiền, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Tiền Giang, cho biết từ 0g-15g30 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xảy ra ít nhất bốn cơn dư chấn nhẹ.
* Tại Bình Dương: ĐĐ xảy ra ở nhiều nơi. Tại Đài truyền hình Bình Dương nhân viên đã nháo nhào tranh nhau thang máy chạy xuống đất.
* Tại Lâm Đồng: lúc 14g56, một cơn địa chấn kéo dài 6-7 giây tại nhiều nơi. Các huyện phía nam của tỉnh (Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai...) người dân nhận được hai cơn địa chấn cùng ngày (lúc 0g15 và lúc 14g56).
* Khoảng 15g05 ngày 8-11, tại TP Cần Thơ đã xảy ra một dư chấn nhẹ kéo dài khoảng 3- 5 giây. Tại quận Ninh Kiều, một số người dân sống tại các dãy nhà cao tầng đã hoang mang, lo sợ.
* Chị Bùi Thị Dưỡng, cán bộ Dự báo Khí tượng thủy văn Long An, cho biết ghi nhận được dư chấn nhẹ lúc 14g55. Trước đó, khuya 7-11, nhiều người ở Long An cũng cảm nhận được một số đợt dư chấn tương tự.
* Vào khoảng 14g55 chiều qua, nhiều người ở Khánh Hòa đã nhận biết được biểu hiện của ĐĐ. Nhiều người ở các khu dân cư, các cơ quan cho biết đã thấy bàn ghế, đồ đạc rung lên trong nhiều giây. 162 bệnh nhân đang nằm ở BV đa khoa Khánh Hòa đã bỏ chạy về nhà do hốt hoảng.
* Vào hồi 14g55, ĐĐ đã xảy ra ở BR-VT khá mạnh, mạnh gấp rưỡi trận ĐĐ đã xảy ra rạng sáng 8-11, kéo dài 45-60 giây. Hàng trăm khách du lịch đang tắm biển tại bãi Trước, bãi Sau đã vội vã lên bờ và trở về vì sợ có sóng thần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận