Tứ phía là rừng, hố bom và cả bom bi - tàn tích của chiến tranh nằm rải rác khắp nơi. Ba mẹ muốn quay lại Sài Gòn. Nhưng làm gì đây nếu trở về Sài Gòn với một bầy con lít nhít sáu đứa? Chẳng lẽ lại đưa con lăn lóc vỉa hè, góc phố? Thôi thì người ta sống được mình cũng sống được! Vậy là ở lại với đất, với rừng…
Đất mênh mông nhưng những đôi bàn tay không quen cuốc cày chẳng biết làm gì với đất. Thế là bám vào rừng. Người ta ồ ạt vào rừng chặt cây đốn củi đốt lò than. Ba nó cũng muốn vào rừng nhưng nhà không có con trai, chỉ có sáu đứa con gái mà đã hết năm đứa chỉ biết la hét, ăn, chơi và ngủ, chỉ có mình chị nó là nhờ được, vậy là ba mang chị theo.
Việc chặt cây đốn củi khó một đối với những nhà có con trai thì với hai ba con, nó khó mười. Ba nhìn bàn tay con gái tóe máu mà thấy uất nghẹn, thấy mình bất lực vô dụng, ba quăng ném, đập phá bất cứ thứ gì trước mặt hay sờ vào được. Những lúc đó chị nó chỉ biết ngăn ba lại bằng câu cửa miệng: “Con không sao! Con không sao mà ba!”.
Rồi một tuần, hai tuần không biết người thuần phục rừng hay rừng đã quen với người mà ba và chị nó cũng đến lúc vui mừng đón những mẻ than đầu tiên. Nhưng kiếm được hạt gạo, miếng cơm từ than chẳng dễ. Đường vào rừng nhỏ xíu, ghập ghềnh, mùa mưa thì trơn trượt nên thương lái chỉ đợi ở bìa rừng để đón mua những gánh than, ba và chị nó lại phải tập làm quen với đôi gánh trên vai. Đôi vai vốn chẳng quen gánh gồng, giờ phải chất chồng thêm những cây than nặng trĩu, thật sự quá sức đối với đứa con gái 14 tuổi như chị nó nhưng vì thương ba, thương mẹ, thương em, chị nó lại quật sức lên mà đi.
Được về nhà thăm mẹ, thăm em lòng chị nó vui như mở hội. Chị hái tất cả những thứ gì có thể ăn được từ rừng mang về làm quà cho mẹ, cho những đứa em thiếu ăn, háu đói, nào là cò ke, mây rừng, sâm sâm… Trong mắt của những đứa em, chị nó là anh hùng của chốn núi rừng: hoang dã, hào hiệp và dũng cảm.
Nhưng có lần chị không thể tự về, một đêm tối trời, ba nó cùng với những người bạn đưa chị nó về trên một chiếc võng, người chị xám ngắt, hai hõm má trũng sâu, ba bảo chị bị sốt rét. Điếu thuốc của ba bập bùng suốt đêm bên chị, mẹ nắm tay chị rấm rứt, ai oán, cảm giác tủi hờn len lỏi trong năm cái đầu nhỏ xíu. May mắn thay, lần đó ba cứu được chị, ông y sĩ cứu được chị. Ba thương con không trở vào rừng, ba và chị đốt cỏ tranh, phá rừng chồi làm rẫy…
Như những cây lúa đầu tiên được gieo trồng trên mảnh đất vừa được khai phá, chẳng cần phân bón vẫn lớn nhanh như thổi, mượt mà, cứng cáp, chị nó đẹp mặn mà, duyên dáng, khỏe mạnh, căng tràn nhựa sống, các anh trai làng mê mẩn chị, những người đàn ông gặp chị một lần cũng say đắm chị.
Mẹ bảo chị lấy chồng, chị không chọn anh cán bộ thủy lợi, hay thầy giáo của nó mà chọn anh- hàng xóm sát vách nhà nó. Chị nói: “Lấy chồng gần để còn chạy tới chạy lui dòm chừng coi cái nhà mình còn hay mất”. Ngày cưới, chị khóc như mưa, mẹ đùa: “Năm nay chắc hạn hán to vì bao nhiêu nước của ông trời con tôi gom về làm nước mắt hết rồi còn gì!”. Không hiểu đó là những giọt nước mắt thường tình của cô dâu trước khi về nhà chồng hay là những giọt nước mắt dự cảm cho những điều chẳng lành không xa…
Rồi ngày tháng qua đi, cuộc sống dễ thở hơn, chị nó gom góp tiền nấu rượu, nuôi heo mở cửa hàng tạp hóa. Nó vui lắm vì thấy chị hạnh phúc viên mãn bên chồng, bên con. Nhưng hạnh phúc “chẳng tày gang”, hai năm liền chị phải nhập viện hai lần để mổ u nang, lần thứ hai người ta chuyển chị sang bệnh viện ung bướu, rồi đưa ra lời “tuyên cáo”: phải hóa trị.
Chị vào đến toa thuốc thứ năm thì anh rể nó cũng nhập viện. Sau hai tuần, anh lặng lẽ ra đi, bác sĩ kết luận: ung thư gan giai đoạn cuối. Điểm tựa của chị, bờ vai của chị, niềm hi vọng của chị vụt tan biến mất. Bạn bè, người thân sợ phải chứng kiến giây phút chị gào thét, cắn xé trước bão tố giăng tỏa cuộc đời mình. Nhưng chị im lặng, im lặng cả khi chỉ có một mình cùng anh nơi nghĩa địa hoang vắng.
Chị ngồi im để mặc cho nắng xối trên đầu, nắng chảy tràn trên mặt, nắng xé toạc tấm lưng mong manh của chị. Nó biết chị đang mượn nắng để dập tắt những ngọn lửa đang ngùn ngụt, lồng lộn cháy trong chị. Lòng nó đắng chát khi chỉ biết đứng từ xa trơ ra nhìn chị trong cái buổi trưa đáng sợ ấy.
Sau ngày mở cửa mả anh, dồn hết mọi đau đớn và chút sức lực còn lại, chị mở cửa hàng tiếp tục bán. Nó nhìn chị ái ngại, chị bảo: “Chị không thể là cái cây bị người ta chôn chặt một chỗ, vặt hết lá, chặt hết cành, rồi cứ thế chết đi. Chị phải sống, sống vì con!”.
Nhìn chị mạnh mẽ, nó tin tưởng chị nó sẽ sống và sống mãi. Vậy mà sức mạnh nội tâm của chị và niềm tin của gia đình nó không thể chống lại tế bào ung thư đang cuồng nộ trong cơ thể chị. Chị cứ yếu dần… Hóa chất không còn tác dụng, chị em nó đi khắp hang cùng ngõ hẻm, rừng sâu núi thẳm tìm đến những ông “lang băm” mà trước đây chỉ nghe nhắc đến là nó đã ghét cay ghét đắng, sỉ vả không tiếc lời để đem về không biết bao nhiêu thứ thuốc, từ thuốc lá, thuốc tễ cho đến thuốc bột..
Muốn làm yên lòng những người thân yêu, chị cố gắng uống tất cả, uống cho đến khi cơ thể chị không thể dung nạp bất cứ thứ gì, dù chỉ là một ngụm nước nhỏ. Đến lúc này thì nó không thể kìm nén được nữa, nó la khóc, nguyền rủa cái định mệnh xấu xa của chị… Chị bỗng nắm lấy tay nó, thanh thản lạ lùng: “Đã cố gắng hết sức mà vẫn không được thì phải chấp nhận thôi em à! Chị không thể thoát được cái chết nhưng chị không thể vì cái chết đang đến gần, sợ hãi cái chết mà không thấy những ân phúc của mình, được sinh ra, được yêu thương, được làm vợ, làm mẹ…đó là những ân phúc của chị. Đừng đếm bất hạnh, chỉ đếm ân phúc thôi em nha. Em phải sống như thế và dạy con chị sống như thế. Đừng bao giờ để nó ngồi đếm bất hạnh: không cha, không mẹ, không của cải... nha em!”.
Sự phũ phàng của số phận đã cuốn chị nó về một miền xa thẳm. Nó ở lại với đời. Đời là một chuỗi đan xen những niềm vui và nỗi buồn. Giữa bộn bề những tị hiềm, ganh ghét, thất bại, vấp ngã, bao giờ nó cũng tìm thấy những ân phúc để can đảm đi tới, từ ân phúc gạt nước mắt đứng lên.
Giờ đây, nó đang cảm nhận được niềm hạnh phúc trong từng nhịp sống, từng hơi thở, nó hạnh phúc vì không bao giờ bỏ lỡ những cơ hội để yêu thương, nó hạnh phúc vì không bao giờ đánh rơi một ân phúc nào, dù là nhỏ nhoi. Cảm ơn chị, người đã đặt vào nó món quà cuộc sống bình thường mà ấm áp, giản dị mà đẹp đẽ biết bao!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận