* TP.HCM: hội thảo Lê Duẩn - nhà chiến lược chính trị và quân sự xuất sắc
Với gần 500 hiện vật, tài liệu, hình ảnh được trưng bày theo ba phần: “Quê hương - gia đình - tuổi trẻ”, “Hoạt động và cống hiến của đồng chí Lê Duẩn qua những chặng đường cách mạng”, “Đảng, Nhà nước và nhân dân tôn vinh và tưởng nhớ”, triển lãm giới thiệu với công chúng về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Duẩn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta.
* Ngày 5-4, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phối hợp Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật VN tổ chức hội thảo khoa học “Tổng bí thư Lê Duẩn với truyền thống văn hóa dân tộc”. Gần 50 giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu cùng người thân trong gia đình cố tổng bí thư Lê Duẩn đã tới dự. Các tham luận trình bày trong hội thảo tập trung phân tích các tư tưởng của cố tổng bí thư Lê Duẩn về truyền thống văn hóa dân tộc, đề cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội... Các bài tham luận tại hội thảo này được tập hợp và in thành cuốn kỷ yếu “Lê Duẩn với truyền thống văn hóa dân tộc”.
* 12 bài tham luận cùng nhiều ý kiến phát biểu tại buổi tọa đàm khoa học kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố tổng bí thư Lê Duẩn do Ban Tư tưởng - văn hóa Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 5-4, khẳng định đồng chí Lê Duẩn là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nhà chiến lược bậc thầy, nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhà lý luận xuất sắc... đồng thời là tấm gương người chiến sĩ cộng sản kiên cường, luôn gần dân, sát thực tiễn.
Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn mạnh việc “Anh Ba” bí mật ở lại miền Nam vào đầu năm 1955 là một sự “đầu tư” đặc biệt lớn cho miền Nam và cả nước. Những năm gắn bó sống chết với chiến trường Nam bộ đã giúp “Anh Ba” tổng kết những kinh nghiệm xương máu, làm tiền đề hình thành đường lối đấu tranh của cách mạng miền Nam thể hiện trong dự thảo “Đường lối cách mạng VN ở miền Nam”.
Ông Võ Văn Kiệt cho biết trước khi ra Bắc, “Anh Ba” đã đưa những nội dung của tài liệu đó ra bàn thảo cả tháng trời trong lãnh đạo xứ ủy mở rộng. Sau này, tài liệu đó quen gọi là “Đề cương cách mạng miền Nam”, và tư tưởng của đề cương được thể hiện đầy đủ trong nghị quyết 15 của Trung ương Đảng khóa II.
Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phước (nguyên thư ký của đồng chí Lê Đức Thọ) cho rằng tài năng đồng chí Lê Duẩn đã “phát sáng” từ hội nghị lịch sử của Ban chấp hành trung ương lần thứ sáu (khóa 1) tại Hóc Môn - Bà Điểm năm 1939, bằng việc khởi xướng chuyển hướng quan trọng về đường lối và phương pháp cách mạng. Đó là chuyển từ đấu tranh dân chủ, dân sinh sang trực tiếp đánh đổ chính quyền đế quốc và tay sai, từ hoạt động hợp pháp, bán hợp pháp sang hoạt động bí mật, bất hợp pháp, khởi nghĩa vũ trang và thành lập Mặt trận phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ.
“Không chỉ là một chính khách lỗi lạc, tổng bí thư Lê Duẩn còn là nhà tư tưởng uyên thâm, một nhà chiến lược bậc thầy cả về chính trị, quân sự lẫn ngoại giao”. Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải đã phát biểu như vậy vào cuối buổi tọa đàm. Theo ông Lê Thanh Hải, những phương pháp tư duy cách mạng mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc của cố tổng bí thư Lê Duẩn là bài học vô cùng quí giá, còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay. TP.HCM không quên lời hiệu triệu của đồng chí Lê Duẩn: “Vì cả nước, cùng cả nước, TP.HCM hôm qua đã được giải phóng. Vì cả nước, cùng cả nước, TP.HCM hôm nay nhất định xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”.
Trước đó, anh Nguyễn Minh Nhựt, trưởng ban tư tưởng - văn hóa Thành đoàn TP.HCM, cho biết tuổi trẻ TP học tập rất nhiều về lý tưởng cộng sản qua tấm gương kiên trung của cố tổng bí thư Lê Duẩn. Đó là lòng quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm, tinh thần đoàn kết, là quá trình hi sinh cho sự nghiệp cách mạng, là sự trăn trở trước vận mệnh đất nước...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận