23/10/2008 16:45 GMT+7

Đón triết gia FranÇois Jullien ở Việt Nam

Theo NGUYỄN THỊ NGỌC HẢIDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo NGUYỄN THỊ NGỌC HẢIDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

“Ngày Jullien mới sang Việt Nam lần gần đây nhất, tôi nói với ông là khi đọc sách nói về cái phổ quát của ông, có những chương, những đoạn tôi không hiểu gì cả. Tôi ngạc nhiên và thích thú khi ông trả lời rằng Hegel sở dĩ là Hegel vì có chỗ không hiểu Kant. Nếu biết tất cả thì ông ta chỉ dừng lại ở chỗ là học trò của Kant mà thôi”.

A6OfgEWP.jpgPhóng to
François Jullien đang nói chuyện tại viện nghiên cứu Phật học TP.HCM
“Ngày Jullien mới sang Việt Nam lần gần đây nhất, tôi nói với ông là khi đọc sách nói về cái phổ quát của ông, có những chương, những đoạn tôi không hiểu gì cả. Tôi ngạc nhiên và thích thú khi ông trả lời rằng Hegel sở dĩ là Hegel vì có chỗ không hiểu Kant. Nếu biết tất cả thì ông ta chỉ dừng lại ở chỗ là học trò của Kant mà thôi”.

Bữa tiệc triết học

Câu chuyện này do giáo sư Hoàng Ngọc Hiến kể. Giáo sư Hiến - người uyên bác và đã chuyển ngữ khá nhiều tác phẩm của triết gia Jullien như Xác lập cơ sở cho đạo đức mà lại nói với tác giả là nhiều chỗ không hiểu. Jullien trả lời: “Tôi nói nhiều chỗ ngay cả người Pháp cũng không hiểu. Khi sang Đức, tôi giới thiệu với giới ưu tú, toàn viện sĩ, học giả. Một trí thức lớn đã đặt câu hỏi và qua câu hỏi đó, tôi biết ông không hiểu gì cả”.

Giáo sư Hiến cho rằng không hiểu hết Jullien là điều bình thường. Vậy mà tác giả Bùi Văn Nam Sơn vừa trả lời phỏng vấn báo chí rằng triết học không còn là đặc sản của những “thiên tài” và triết học trong tư duy người Việt Nam đồng nghĩa với “quá khó”. Vậy làm thế nào nó trở thành món ăn tinh thần của mọi người?

Điều này khiến ta liên tưởng đến hiện tượng các tác phẩm của triết gia François Jullien đã tạo nên một sự sôi nổi ở Việt Nam trong những năm gần đây. Vì triết học đã “dễ đi” hay là một nhu cầu năng lực tư duy trừu tượng đã giúp cho con người để định hướng “trong mớ bòng bong cuộc đời”. Triết gia Jullien sinh năm 1951, không phải là một ông già râu tóc bạc phơ. Khi 44 tuổi ông đã được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn quốc tế các nhà triết học. Là giáo sư Đại học Paris 7, Viện trưởng Viện Tư tưởng đương đại, ông cũng là tiến sĩ văn học.

Theo lời giới thiệu của giáo sư Lê Hữu Khóa trong cuộc trao đổi của Jullien tại Trường đại học Sư phạm TP.HCM tháng 9-2008 thì Jullien là một triết gia, một tác giả, tư tưởng gia, nhà lý luận hàng đầu nhận diện văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa. Mười lăm tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Việt bởi các học giả, giáo sư, nhà văn nổi tiếng như Hoàng Ngọc Hiến, Nguyên Ngọc, Minh Chi, Phan Ngọc, cha con nhà giáo Trương Ngọc Đệ và Trương Thị Anna, Đinh Châu, Đào Hùng, Lê Huy Quang…

Năm 2005 tại Viện Đại học Huế đã diễn ra hội thảo quốc tế triết học François Jullien. Ông trở thành một sự kiện đặc biệt đối với không khí học thuật ở Việt Nam và Nhà xuất bản Đà Nẵng đã phát hành nhiều tác phẩm của ông, những tác phẩm mà chắc chắn là số đông thị hiếu dễ dãi không đủ sức quan tâm.

Cái vấn đề Jullien quan tâm đã “đưa nền triết học phương Tây của ông vào một cuộc phiêu lưu lớn, tạo nên một cuộc đối mặt thật triệt để: Viễn Tây đối mặt với Viễn Đông” (Nguyên Ngọc). Ông cho thấy các lỗ hổng, điểm mù lớn của triết học phương Tây cũng như Minh Triết phương Đông, qua đó người đọc hiểu được điểm mạnh, yếu và “sáng tỏ được ngọn nguồn sự trì trệ của phương thức sản xuất châu Á trong sự sản xuất tinh thần”. Có lẽ vì thế tác phẩm Jullien nóng tính thời sự.

“Tôi cảm nhận thấy những nhược điểm trong tư duy về thời gian của người phương Đông. Chính cái nhìn luôn bám lấy quá khứ, tự mãn với quá khứ là một trong những nguyên nhân khiến cho các xã hội phương Đông bị trì trệ” (Đào Hùng). Những công trình của ông làm nổi bật vai trò triết học trong đối thoại của những nền văn hóa, đưa ra phương pháp luận làm đổi mới tư duy triết học.

Trong chuyến thăm Đại học Sư phạm TP.HCM, Jullien muốn trao đổi hai vấn đề: (1) Các giá trị phổ quát chuyển thành các giá trị vĩnh hằng như thế nào và (2) Giao lưu đối thoại giữa các nền văn hóa. Ông cho rằng người châu Âu có thời nghĩ văn hóa của họ là phổ quát, khống chế nền văn hóa khác là sai. Phải đặt vấn đề sống chung giữa các nền văn hóa.

Jullien nói rằng nếu các bạn thấy tôi nói toàn vấn đề trừu tượng thì đó là cái khổ của nghề tôi. Ông sợ “cách giới thiệu của tôi sao nó lý thuyết vậy”. Nhưng không phải ông muốn tỏ ra cố chinh phục hoặc làm hấp dẫn người nghe theo thói thường. Người nghe vẫn theo sát suy nghĩ của ông.

Cuộc tiếp xúc của ông với thiền sư Lê Mạnh Thát và các trí thức Phật giáo tại Viện nghiên cứu Phật học TP.HCM có vẻ như thiếu thời gian. Ở đâu cũng vậy, các câu hỏi được đưa ra rất nhiều. Từ các khái niệm triết học cho tới các vấn đề văn hóa, lối sống. Trong cuộc nói chuyện của giáo sư Jullien tại trung tâm Minh Triết Việt ngày 8-9-2008, ông nói về cái tiêu cực trong cách nhìn triết học Đông - Tây và thái độ với nó, về cái phổ quát “không phải là cái cố định, bao trùm mà nó là một nhân tố để phá vỡ cái khép kín”, về minh triết và thời hiện đại.

Các câu hỏi của người nghe cũng thật lý thú: Nhà thơ Việt Phương xui Jullien đánh giá về sự phân biệt của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến giữa chủ nghĩa cá nhân đạo đức và chủ nghĩa cá nhân văn hóa. Ông Nguyễn Khắc Mai đặt vấn đề người ta tìm kiếm sự thông thái ở đâu? Phải có nhiều minh triết hơn nữa trong quản lý chứ không phải chỉ có kiến thức. Ông Mai cũng cho biết dự định của giới học thuật sẽ đi tìm định nghĩa minh triết và đi tìm diện mạo của minh triết Việt. Tiến sĩ Trần Văn Thành hỏi Phật giáo có mối quan hệ thế nào với minh triết… Đó quả là một bữa tiệc triết học trong chuyến đi của Jullien đến Việt Nam.

“Sang Viễn Đông, trở về Viễn Tây”

Trong buổi chiều tiếp xúc với thiền sư Lê Mạnh Thát và trí thức Phật giáo đầy thân tình, Jullien tâm sự về cuộc “sang Viễn Đông trở về Viễn Tây” của mình. Theo ông, trong giới triết có hai loại người: một là có hoài bão đi tới, loại thứ hai là đi xa để nhìn lại mà ông tự nhận mình ở trong đó. Ông chọn cách dùng cổ học Trung Hoa để nhìn lại những gì người ta đã dạy ông ở châu Âu, nhờ vậy mà phương pháp luận của ông có nhiều điểm lạ. Ông đi khỏi dòng triết học châu Âu để hiểu các khoa học xã hội khác, cách phân loại khác, các ngôn ngữ mới, đặt câu hỏi mới chưa ai nghĩ tới.

Ông không giống một số học giả “đu qua đu lại so sánh giữa hai cơ sở lớn tư duy Hy Lạp - Do Thái, vì như thế là vẫn ở trong nó, cõng nó”, mà đã đi thật xa, đứng càng xa càng rõ và tìm ra câu hỏi: Vì sao hai nền tư tưởng Đông - Tây cùng tồn tại trong nhân loại, cùng phát triển song song mà như chưa bao giờ đối thoại với nhau, xích lại gần nhau? “Tôi muốn đi ra ngoài, không phải đi du lịch, mà là đi đào xới, đánh thức những gì bị vùi lấp, xem câu hỏi nào ở phương Đông đã đặt ra rồi mà không thấy xuất hiện ở phương Tây” - Jullien tâm sự.

Jullien với người Việt Nam

Vì sao tác phẩm Jullien sôi nổi ở Việt Nam?

Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến cho biết: “Đời tôi may mắn nhất là gặp được Jullien. Tôi là một anh Tây giả (học giả nghiên cứu phương Tây), ít biết phương Đông. Tôi biết lỗ hổng ấy của mình nên cố đọc các học giả phương Đông của ta. Tôi nhận ra một điều là các vị ấy đều uyên thâm, rất giỏi. Nhưng đọc xong, tôi không nhớ gì cả. Còn đọc Jullien tôi lại nhớ vì ông đã đưa hơi thở hiện đại vào triết học, còn các vị học giả của ta thiếu hơi thở thời đại. Ngay Andre Cheng, giáo sư - nhà triết học Trung Quốc cũng còn nói rằng nhờ đọc Jullien ông mới hiểu Trung Quốc hơn”.

Nhà giáo Trương Quang Đệ và con gái ông - cô Trương Thị Anna đều là dịch giả hai tác phẩm của Jullien mang tên Đại tượng vô hình và Bàn về cái nhạt. Ông Đệ đánh giá Jullien là tầm nhìn mới với Đông phương học. Triết học Jullien nói mỗi nền văn hóa có một trí năng riêng, cách tư duy, nhận thức riêng. Hai trí năng phát triển độc lập. Vậy Jullien ở trong công chúng Việt Nam thế nào?

Ông Đệ nói: “Đọc Jullien, nhiều người Việt Nam tìm thấy mình, nhận thức lại một số phạm trù minh triết, lối suy nghĩ phương Đông của mình. Mình phải tiến theo phương Tây phát triển. Chữ nho để đó. Lẽ ra Việt Nam phải có những nhà Đông phương học nhưng chưa có. Thường thì các học giả của ta uyên bác diễn giải, nhưng ít đặt vấn đề, thí dụ tại sao có tư tưởng Mạnh Tử, tại sao Khổng Tử không được dùng. Người phương Tây chú ý đặt vấn đề đó. Nền văn minh cổ nước nhà không thể dẹp một bên nghiên cứu cho vui. Các học giả Việt Nam biết nhiều vẫn mới ở cấp độ học giả chứ chưa có cấp độ triết gia. Các tiếng dân tộc của ta toàn do người phương Tây nghiên cứu. Cây cỏ Việt Nam cũng vậy!

Ông Đệ gặp Jullien lần đầu ở Paris, nhân một chuyến sang Canada thăm con. Ông kể lại buổi tiếp xúc ấy: “Khi đó tôi dịch cuốn Đại tượng vô hình của ông. Trước lúc gặp ông, tôi phải đọc rất nhiều Mạnh Tử, Luận ngữ, Trang Tử và cũng hồi hộp ngại vì gặp một bác học. Ở Pháp họ xếp loại giá trị rất khác. Việt Nam tôn vinh các nhà khoa học, còn họ đặc biệt tôn vinh những người nghiên cứu cổ như Hy Lạp, Ai Cập, Trung Hoa… Tôi đã phải ngồi chờ hơi lâu vì ông tiếp khách đông như… bác sĩ ở ta khám bệnh! Mà mỗi người chỉ được trao đổi 15 - 20 phút là ra, dù Tây, Tàu, Nhật, Ấn. Tôi cần ông giải đáp một số vấn đề triết học, thuật ngữ. Ông hỏi vì sao người Việt quan tâm các tác phẩm của ông. Tôi bảo đọc ông, chúng tôi nhìn thấy chính mình, hóa ra mình có cái này, cái kia mà mình lại không biết. Cuộc gặp gỡ đó hồi hộp đến nỗi chỉ có tôi lên gặp ông, còn vợ tôi và cháu Anna ngồi ở dưới đợi. Sau cuộc gặp thành công, cả nhà mừng quá, kéo nhau đi ăn”.

Khi sang Việt Nam, nhà triết học trẻ ấy không dùng tivi, điện thoại di động, vi tính. Ông đi khắp nơi, khi về Pháp ở trong một biệt thự hoang tàn suy nghĩ, viết lách. Công cụ hiện đại đã có thư ký lo. Theo ông, cái đầu mới là quan trọng, ông không sợ những lạc hậu kiểu công cụ đó. Nó không là nhân tố quyết định trong trí tuệ ông. Có thể ông có lý, có thể ông cực đoan. Nói đến đây, ông Đệ cười: “Archimede từ thời làm gì có vi tính mà trí tuệ đã vượt trội hơn ta bây giờ nhiều. Galois 19 tuổi làm gì có nhiều kinh nghiệm sống nhưng ông nhìn ra được quan hệ toán học mới. Trí tuệ không phải phụ thuộc công cụ nhiều lắm”.

Jullien rất cảm động thấy bạn bè quý trọng, đưa ông đi thăm thú khắp nơi. Tổng Biên tập Đà Linh của Nhà xuất bản Đà Nẵng đánh hẳn cái xe ra đưa Jullien đi làm việc, đi chơi, đi ăn với bạn bè ở Hà Nội. Ở TP.HCM, Anna dẫn ông đi thăm chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà. Bạn bè đưa ông đến ăn ở quán Trịnh Công Sơn. Jullien nhớ bữa ăn món Huế do gia đình ông Đệ nấu, nhớ cuộc đãi khách của chị Tố Nga - vợ giáo sư Hiến. Ở Hà Nội, giới trí thức đưa ông đi thưởng thức đủ loại: “sang” thì vào Hanoi By Night để massage, “hèn” thì ăn cơm bụi đầu hè. Khi ngồi trên chiếc ghế con ở quán cơm bụi, Jullien nói: “Đây là phút thú vị nhất đời tôi vì chỉ có được ở Việt Nam”.

Theo NGUYỄN THỊ NGỌC HẢIDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên