Đã 4 năm trôi qua kể từ chuyến đi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến miệng núi lửa Chư B’luk (huyện Krông Nô, Đắk Nông) với mục đích khảo sát du lịch. Đáng tiếc, vì vấp phải nhiều rào cản nên bao nhiêu kỳ vọng sau đó đành bỏ dở.

Nhưng hình ảnh ngọn núi lửa nổi bật giữa "thảo nguyên đá bazan" bát ngát cùng những hang động mờ sương… vẫn đeo đẳng trong ký ức. Đó cũng là động lực thôi thúc chúng tôi sớm trở lại Chư B’luk.

Đón năm mới trên núi lửa Chư B’luk - Ảnh 1.

Đón năm mới trên núi lửa Chư B’luk - Video: TVO

Đón năm mới trên núi lửa Chư B’luk - Ảnh 3.

Cả nhóm rời trung tâm thị trấn Đắk Mâm từ sáng sớm. Cơn bão rớt những ngày cuối cùng của năm khiến bầu trời Tây nguyên ầng ậc nước. Chạy được vài trăm mét trên tỉnh lộ 684 đã thấy một chiếc xe tải "bơi" đi "bơi" lại trên con dốc trơn trượt đầy bùn đất trước mặt.

Sau một hồi thảo luận, mọi người quyết định đi vòng sang con đường băng ngang cánh đồng cách đó khoảng 3km, nhưng rồi cũng thất bại vì vướng cây cầu nhỏ bắc ngang con suối trên đường.

Quay lại đường cũ, tài xế đánh liều leo dốc, nhưng lên được 2/3 dốc cũng đành thoái lui vì bánh xe cứ xoay mòng trong bùn lầy, không tiến thêm được mét nào.

Dừng tại ngã ba đường, chúng tôi mất thêm 1 giờ để cuối cùng leo lên chếc xe tải hạng nặng thuê được của một đại lý bán vật liệu xây dựng tiếp tục hành trình.

Trong cơn mưa phùn chợt đi chợt đến, cả nhóm 15 người với mọi lứa tuổi, lớp trong ngồi cabin, lớp "chất" lên thùng xe trong khi chiếc "ben" nhảy như ngựa trên con đường đầy ổ voi, đất đá lổn ngổn lừng lững tiến về phía trước.

Đón năm mới trên núi lửa Chư B’luk - Ảnh 5.

Xuống xe gần căn nhà nhỏ của Ban quản lý rừng phòng hộ núi lửa (xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô), mọi người trang bị nón bảo hộ, đèn mắt ếch, gậy chống, áo tơi… rồi theo chân anh Nguyễn Thanh Tùng, cán bộ Công ty Phú Gia Phát - đơn vị quản lý rừng phòng hộ núi lửa, vượt qua con đường mòn ngoằn ngoèo đầy đá bazan bọt hình thành từ dòng nham thạch núi lửa phun trào xa xưa tiến vào chân núi.

Đón năm mới trên núi lửa Chư B’luk - Ảnh 6.

"Điểm đến" vốn dễ nhận ra bởi dáng hình thang cân đã có thể nhìn thấy từ tỉnh lộ giờ đã cận kề, ấy vậy mà cuốc bộ ngót nghét 5km chúng tôi mới tiếp cận chân núi.

Bù lại, hai bên đường, chen lẫn bãi ngô cháy xém sau mùa thu hoạch của bà con người dân tộc trỉa "nhờ" là những bạt ngàn cỏ lau và hoa, cỏ dại.

Thỉnh thoảng lại bắt gặp những bụi cà chua rừng đầy quả chín mọng mời gọi khiến ai cũng "xao lòng", hết chụp ảnh lại sà vào hái và cứ thế cho ngay vào miệng để thưởng thức hương vị ngon ngọt thơm lừng mùi núi, mùi rừng.

Đón năm mới trên núi lửa Chư B’luk - Ảnh 8.

Núi lửa Chư B’luk đón chúng tôi bằng vạt rừng đầy cây gai, cỏ dại phủ kín sườn núi nghiêng hơn 40 độ.

Để mở đường, anh Tùng phải đi trước dùng dao phạt từng cây le, dây leo mở lối vừa đủ cho người sau leo lên hoặc gập mình luồn lách qua các bụi gai rậm rạp trên đầu.

Trời lạnh nhưng áo ai cũng ướt đẫm, người đi trước kéo người đi sau, người đi sau nữa thì túm cả thắt lưng người… yếu đi trước cứ thế đẩy lên…

Cuộc "hành xác" chỉ chấm dứt khi trước mặt, lẩn trong đám cây rừng rậm rạp là miệng núi lửa hình tròn với đường kính 600m.

Đón năm mới trên núi lửa Chư B’luk - Ảnh 10.

Từ miệng núi lửa xuống đáy lòng chảo sâu 60m phủ kín bởi dầu và vô số bụi le mọc trên lớp đất bị phong hóa từ đá bazan bọt.

Dù dốc cao trắc trở vắt kiệt sức lực, nhưng đứng trên đỉnh núi, mọi mệt nhọc bỗng chốc tan biến, ai cũng nhìn nhau cười rồi reo lên sung sướng: "Tuyệt vời!"

Đón năm mới trên núi lửa Chư B’luk - Ảnh 11.
Đón năm mới trên núi lửa Chư B’luk - Ảnh 12.

Chúng tôi rời khỏi núi lửa khi trời đã quá trưa, tiếp tục băng qua đồng cỏ lau bạt ngàn và những bụi cây dại mọc trên bãi đá bazan bọt gập ghềnh để đến hang C8 cách đó khoảng 2km theo đường chim bay.

Tưởng gần, nhưng cũng phải đi miệt mài mất hơn 1 giờ mới đến được miệng hang âm sâu dưới lòng đất khoảng 10m ẩn hiện sau đám môn rừng và dương xỉ xanh rì.

Mọi người men theo những bãi đá to chồng chất do đá trần hang sụt đổ để leo xuống cửa hang sau khi bị một ổ kiến vàng động tổ "quần" cho ra trò.


Đón năm mới trên núi lửa Chư B’luk - Ảnh 13.

Hang C8 độc đáo và khác biệt so với những hang dung nham trong khu vực Công viên địa chất Đắk Nông (trước là Công viên địa chất núi lửa Krông Nô - Đắk Nông) bởi 3 hang động có hình dạng ống trong hệ thống hang dung nham rẽ nhánh.

Chưa kể trong từng hang còn có nhiều nhánh nhỏ do khi núi lửa phun trào, dòng nham thạch chảy qua gặp nhiều khe rãnh tạo thành nhiều hang động.

Đây là trường hợp rất hiếm trong hệ thống hang động dung nham trên thế giới.

Ngồi trên những phiến đá gập ghềnh ngay cửa hang thưởng thức "bữa ăn trưa ngon nhất trong đời" lúc 2h giờ chiều, mọi người còn nghe câu chuyện kể của người người gác rừng.

Đón năm mới trên núi lửa Chư B’luk - Ảnh 14.

Chuyện rằng, xa xưa người Ê Đê theo tập quán sống dưới hang sâu tăm tối, lạnh lẽo. Một hôm, có người đàn ông vì phạm tội nên bị trục xuất ra khỏi hang. Sinh sống ngoài trời, kẻ bị trừng phạt này ngày ngày đi săn bắn, hái lượm, canh tác nên dần dần của cải dư dật. 

Ngược lại người dân dưới hang thì cơ cực, thường xuyên đói khát nên dần dần họ rời hang lập làng trên mặt đất để mưu cầu cuộc sống sung túc. Dù thế, họ vẫn đặt tên chung cho ngọn núi lửa và những hang động xung quanh như lời nhắc nhở cho con cháu lịch sử, nguồn gốc của mình.

Đón năm mới trên núi lửa Chư B’luk - Ảnh 15.
Đón năm mới trên núi lửa Chư B’luk - Ảnh 16.


TRẦN THẾ DŨNG
HOÀI TRANG - TRẦN THẾ DŨNG                                            
KIỀU NHI
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên