12/09/2008 08:25 GMT+7

Đom đóm trốn đèn điện

THANH TRÚC (Theo AP)
THANH TRÚC (Theo AP)

TT - Ánh sáng của con người lấn đến đâu, môi trường sống của loài đom đóm bị đẩy lùi đến đó. Giờ đây, nhìn thấy một con đom đóm trong đêm là chuyện may mắn tựa thấy sao băng trên trời.

owvPVSf5.jpgPhóng to

Con người phải đi xa hơn để tìm vẻ đẹp tự nhiên từ đom đóm - Ảnh: Flickr

TT - Ánh sáng của con người lấn đến đâu, môi trường sống của loài đom đóm bị đẩy lùi đến đó. Giờ đây, nhìn thấy một con đom đóm trong đêm là chuyện may mắn tựa thấy sao băng trên trời.

Trước đây, ông Preecha Jiabyu thường dẫn du khách đến bờ sông Mae Klong, tỉnh Samutsongkram (Thái Lan) để thưởng ngoạn ánh sáng mê hoặc của hàng ngàn con đom đóm. Giờ đây, những gì ông thấy chỉ là ánh đèn của khách sạn, nhà hàng và bảng quảng cáo trên đường cao tốc.

Muốn tìm thấy loài sinh vật này, ông phải chèo thuyền sâu vào ba bốn cây số nữa. “Lượng đom đóm đã giảm 70% trong ba năm qua. Thật là buồn. Chúng từng là biểu tượng của thành phố chúng tôi” - người cựu giáo viên 58 tuổi buồn bã nói.

Thủ phạm: ánh đèn

- Hiện có khoảng 2.000 loài đom đóm tồn tại ở tất cả châu lục, trừ Nam cực.

- Ánh sáng trên mình đom đóm do con đực phát ra để thu hút bạn tình hoặc cảnh báo nguy hiểm.

- Một số loài đom đóm phát ánh sáng tương thích với màu sắc, biến đổi từ vàng đến lục và cam.

- Đom đóm có thể sống đến hai năm nhưng giai đoạn trưởng thành chỉ kéo dài ba tuần.

Có lẽ hiếm loài côn trùng nào được nhiều người yêu mến như đom đóm. Ánh sáng lập lòe của chúng đã gắn liền với kỷ niệm tuổi thơ của nhiều người. Hầu như đứa trẻ nào cũng mê mẩn với trò khám phá đom đóm, cho chúng vào lọ để xem con vật bé tí teo này nhấp nháy như đèn. Bởi vậy mà không có gì lạ khi hơn 100 nhà côn trùng học và sinh học đến thành phố Chiang Mai ở bắc Thái Lan trong tuần trước để tham dự một hội thảo quốc tế chỉ nói về đom đóm. Người ta đặt ra câu hỏi: chẳng lẽ lại thêm một loài vật được yêu mến bị con người làm tuyệt chủng hay sao?

Theo các nhà nghiên cứu, thực tế cho thấy từ Mỹ đến Đông Nam Á số lượng đom đóm đã giảm đáng kể. Người ta chưa xác định được nguyên nhân, song có thể thấy sự đô thị hóa và ô nhiễm công nghiệp đang góp phần làm dân số đom đóm suy giảm. Sự mở rộng của ánh sáng nhân tạo cũng có thể là thủ phạm. Một trong những đặc tính của đom đóm là vào mùa sinh sản, con đực thường phát ra ánh sáng phía sau mình để quyến rũ con cái. Nhưng sự bành trướng của ánh đèn điện đã gây ảnh hưởng đến tập tính giao phối của loài côn trùng này.

“Rõ ràng loài đom đóm đang giảm dần. Khi bạn nói với người già về đom đóm, người ta đều kể những câu chuyện tương tự như nhau. Họ nhìn thấy rất nhiều đom đóm khi còn trẻ, còn bây giờ may mắn lắm mới thấy được một con” - nhà nghiên cứu người Thụy Sĩ Stefan Ineichen phàn nàn. Còn bà Lynn Faust đã dành một thập niên để nghiên cứu đom đóm ở nông trại rộng gần 20ha ở Knoxville, Tennessee (Mỹ). Nhưng gần đây bà không còn nhìn thấy một số loài đom đóm nữa.

Cộng đồng nỗ lực

Nhiều giả thiết đã được đặt ra, song bà Faust và những chuyên gia khác vẫn cần thêm dữ liệu khoa học cụ thể để xác định nguyên nhân đom đóm sụt giảm. Việc theo dõi loài vật bé bằng đầu ngón tay này khá khó khăn vì người ta không thể gắn thiết bị lên người chúng như gấu hay bươm bướm. Việc đếm số lượng cũng không dễ vì đom đóm cái thường ở trên mặt đất và không phát sáng. Vòng đời trưởng thành ngắn ngủi, từ 1-3 tuần, cũng khiến việc thống kê trở nên khó thực hiện.

Các nhà nghiên cứu châu Âu đã tìm cách lấy một khung gỗ rồi tính số con đom đóm xuất hiện trong một khoảng thời gian định trước. Còn những nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu rừng Malaysia thống kê bằng cách chụp hình đom đóm định kỳ hằng tháng dọc bờ sông Selangor. Với vốn đầu tư và nhân lực khiêm tốn cho loài vật bé nhỏ này, các nhà khoa học đã chuyển sang tìm kiếm sự giúp đỡ từ tình nguyện viên. Nhiều trang web được lập ra để khuyến khích người yêu thích đom đóm thông báo sự thay đổi về số lượng đom đóm ở gần nhà họ. Đây là cách theo dõi dân số đom đóm trong nhiều năm để biết chính xác chúng còn ổn định hay đang mất dần.

Thầy giáo Preecha nhìn cộng đồng đom đóm với sự cân bằng sinh thái. Ông đã nhìn thấy dòng sông gắn liền với tuổi thơ mình trở nên ô nhiễm và nhiều loài cá dần biến mất. Giờ đây, ông lo sợ loài đom đóm cũng sẽ tuyệt chủng chỉ trong một năm nữa. “Tôi cảm thấy giống như cuộc sống của chính mình đang bị phá hủy vậy!” - ông trầm ngâm.

THANH TRÚC (Theo AP)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên