27/02/2005 19:07 GMT+7

Đồi Vọng Cảnh: "Hãy nhìn xuống chân mình!"

DƯƠNG TRUNG QUỐC (Báo VietNamNet)
DƯƠNG TRUNG QUỐC (Báo VietNamNet)

"Làm thế nào để Đồi Vọng Cảnh phải được chăm sóc và phát huy đúng với giá trị của nó? Chúng ta cùng nhau lên đỉnh Đồi Vọng Cảnh, nhìn ra xa rồi nhìn xuống chân mình..."

2qXWIYGU.jpgPhóng to

Bài viết của nhà sử học Dương Trung Quốc xung quanh hiện trạng của đồi Vọng cảnh...

Vào lúc này, nếu có ai phỏng vấn về Dự án xây khách sạn bên Đồi Vọng Cảnh ở Huế, tôi sẽ không phụ hoạ thêm vào bản ”đại hoà tấu” của dư luận phản đối, coi đó như là một sự vi phạm di sản thế giới, là sự xúc phạm những giá trị tâm linh và tinh thần của những người yêu Huế... Mà tôi lại suy nghĩ nhiều hơn vào cái giả dụ: nếu dự án này không thực hiện nữa thì Đồi Vọng Cảnh sẽ ra sao?

Đương nhiên những người phản đối sẽ thở phào trong tậm trạng của người... chiến thắng, như một nghĩa sĩ cứu được một nàng công chúa. Và đứng từ xa Đồi Vọng Cảnh vẫn hiện trên nền trời như từ trước đến nay, lại yên ả đóng vai trò tiền cảnh hay những vị thế thiêng liêng mà thuật phong thuỷ đã phong tặng. Cũng như người xưa, nếu đứng trên đỉnh Đồi Vọng Cảnh mà hướng tầm nhìn bao quát cả cố đô với dòng Hương Giang lặng lờ trôi ở phía dưới, thì... tuyệt vời. Nhưng xin hãy đưa tầm mắt xuống nữa... xuống dưới chân mình.

Ngày 29-1, khi những người thực hiện dự án tổ chức lễ động thổ, tôi cũng được mời tới dự. Tôi nhớ laị rằng, đứng trên đỉnh Đồi Vọng Cảnh tôi đã có một cuộc điện đàm với một người bạn Huế chính gốc. Người bạn ấy lại là người phụ trách một phân viện nghiên cứu văn hoá của Trung Ương đặt tại Huế. Khỏi phải nói, anh là một “tín đồ” yêu Huế và đương nhiên rất am hiểu về mảnh đất quê hương mình. Anh tha thiết nói về giá trị của Đồi Vọng Cảnh và trách nhiệm bảo vệ nó. Đương nhiên anh cũng là người không tán thành triển khai dự án. Tôi biết rằng, người nghĩ như Anh ở Huế và ngoài Huế không ít. Bằng chứng là dư luận đang sôi động trên các phương tiện thông tin đại chúng và đã bắt đầu có cả những cảnh báo từ các hội đoàn nghề nghiệp đến cả chính phủ v.v... Bằng chứng là buổi khởi công có người được mời đã không đến dự...

Nhưng, tôi nói với anh bạn rằng: "Tôi đang đứng trên Đỉnh Vọng Cảnh đây và có lẽ là ở vị trí đẹp nhất mà xưa kia, nếu các vị vua có tới cũng chọn đứng chỗ này. Nhưng dưới chân tôi là cả một bãi rác đầy những thứ xú uế, những vết loang lổ của sự đào bới và những nấm mộ ai đó đã đem táng bừa bãi ở nơi đây. Liệu có nên bảo tồn bằng cách chẳng làm gì như bao nhiêu lâu nay ta đã để Đồi Vọng Cảnh hoang phế. Tôi tin chắc rằng nếu cứ để tình trạng này thì Đồi Vọng Cảnh chỉ còn cái giá trị từ xa nhìn lại”. Nói với anh bạn Huế tôi đã ví rằng : "Giống như cảnh nhà nghèo, đôi khi ta phải cho thuê cả mặt tiền nhưng cố giữ lấy cái bàn thờ. Vậy vấn đề đâu là bàn thờ và cho ai thuê và để làm gì ?”.

Mọi sự ví von có thể là khập khiễng, nhưng điều tôi muốn nói rằng, cứ để Đồi Vọng Cảnh hoang phế như thế này thì khó gọi là danh thắng, là di sản. Còn muốn tôn tạo và tôn vinh nó thì ai làm và với nguồn lực từ đâu?

Tôi đã có kinh nghiệm đối với trường hợp làm dự án cáp treo ở Yên Tử. Cũng cả một rừng chữ phản đối, trong đó có cả những tên tuổi rất đáng kính cho rằng làm cáp treo là xúc pham... nhất là đối với một di tích hành hương tôn giáo. Tôi nghĩ hơi khác, do vậy đề nghị nhà đầu tư tổ chức một cuộc trình bày với anh chị em phóng viên và những người quan tâm, và tôi nhận đứng ra làm người tổ chức cuộc tiếp xúc đó. Nhờ thông tin đầy đủ, nhiều vấn đề được giải toả, nhà làm dự án cũng tự điều chỉnh khi tiếp thu những điều phê phán thuyết phục, và với dư luận dần tìm được tiếng nói chung... Đến nay, lễ hội Yên Tử ngày càng đông, cáp treo phát huy được tác dụng. Thi thoảng tôi lại nhận được điện thoại của ai đó quen mình nhờ can thiệp để được ưu tiên vì lượng người đi cáp treo đông quá. Riêng tôi luôn nghĩ đến hàng tùng cổ thụ, có lẽ nhờ cáp treo đã giảm tải phần nào số lượng những bàn chân dẫm đạp trên những bộ rễ toả trên mặt đất bớt tơi bời sau mỗi mùa lễ hội...

Rồi với Huế cũng vậy, đã có lúc dư luận bức xúc vì dự án chỉnh trang, nâng cấp quảng trường trước Kỳ Đài và Ngọ Môn để chuẩn bị Festival. Nhiều ý kiến cho rằng xây dựng hạ tầng quy mô với những dàn đèn hiện đại làm di tích mất “zin”, vi phạm điểm này, điều khác của việc bảo tồn... Nhưng rõ ràng công năng của di tích không còn là kinh đô như xưa, mà đã trở thành tài sản phục vụ toàn dân và cả thế giới rồi thì không thể coi sự nguyên vẹn là bảo tồn... Vấn đề là làm như thế nào để vừa đáp ứng nhu cầu bảo tồn luôn gắn với phát triển. Và như các bạn nhớ lại, dư luận có lý khi những người làm dự án cứ đào xới bộn bề trên cả khu quảng trường mà không có lời diễn giải. Nhưng khi những người làm dự án trương lên phối cảnh của công trình tại hiện trường, thì sự chia sẻ của dư luận càng tăng... và đến nay hẳn không còn ai nghi ngờ hiệu quả của công trình này... Vấn đề cũng chỉ là ở chỗ: công khai và minh bạch.

Trở lại với Đồi Vọng Cảnh, phải chăng vấn đề là cách làm, cách triển khai dự án có những điều cần xem lại. Tính minh bạch của dự án thể hiện qua các kênh thông tin không được quan tâm, nói cách khác là việc phát huy dân chủ theo nguyên tắc mà chúng ta đã nói rất nhiều bắt đầu từ “dân biết”... chưa thực hiện chu đáo. Sau lễ khởi công, tôi đã nói với ông Chủ tịch tỉnh rằng vấn đề còn lại là càng công khai càng tốt cho dự án. Và trong một trao đổi điện thoại, đáp lời đề nghị của đối tác nước ngoài muốn tiếp xúc với báo chí, tôi nói rằng tốt nhất các bạn đừng tính đến việc bịt lỗ dò mà nên công khai dự án để tranh thủ dư luận. Tôi tin rằng dự án sẽ tốt hơn nhờ dư luận đồng thuận với cái đúng và điều chỉnh những cái chưa đúng...

Còn những ai cho rằng dự án không được làm ở đây thì hy vọng báo chí sẽ dành một diễn đàn để những người đó hiến kế: làm thế nào để Đồi Vọng Cảnh phải được chăm sóc và phát huy đúng với giá trị của nó chứ không phải như hiện trạng. Và nếu có ai vui lòng đầu tư không chỉ bằng sự phê phán mà bằng một dự án khả thi thì hay biết bao. Nói cách khác, chúng ta cùng nhau lên đỉnh Đồi Vọng Cảnh, nhìn ra xa rồi nhìn xuống chân mình... thì sẽ có thêm nhiều ý tưởng hay mà thiết thực...

DƯƠNG TRUNG QUỐC (Báo VietNamNet)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên