Giải thuộc hệ thống Grand Prix của Liên đoàn Cầu lông thế giới (BWF) và nằm trong vòng tính điểm tuyển chọn VĐV tham dự Olympic 2016 nên thu hút 347 VĐV đến từ 23 quốc gia, vùng lãnh thổ khắp thế giới tham dự, tăng đột biến số lượng VĐV so với vài năm gần đây.
Là chủ nhà nhưng VN chỉ có bốn đại diện được xếp lịch thi đấu gồm: Nguyễn Hoàng Nam (vòng loại), Nguyễn Tiến Minh (vòng chính) ở nội dung đơn nam, Vũ Thị Trang (vòng chính đơn nữ) và Nguyễn Thị Sen (đánh cặp Vũ Thị Trang ở vòng chính đôi nữ). Hơn 10 tay vợt khác của VN phải xếp ở vòng chờ (chờ thay thế các VĐV được xếp lịch thi đấu chính thức nếu họ bất ngờ bỏ cuộc vì chấn thương, bệnh...). Tuy nhiên, hi vọng này cũng rất mong manh vì khoảng cách thứ hạng quá xa.
Các tiềm năng không còn trẻ như Phạm Cao Cường (19 tuổi), Nguyễn Đình Tuấn Kiệt (20 tuổi)... biết tự lượng sức nên xin chia tay Vietnam Open để qua Singapore dự giải cấp thấp hơn vì mục tiêu của họ chỉ bó lại ở “cái ao làng” là Giải cầu lông cá nhân toàn quốc vào tháng 9-2015 do Tiến Minh cho biết sẽ không thi đấu nội dung đơn nam ở giải này.
Bà Huỳnh Ngọc Liên - phó chủ tịch Liên đoàn Cầu lông TP.HCM - thừa nhận: “Điều này phản ánh đúng thực trạng của cầu lông VN hiện nay. Phía sau Tiến Minh là khoảng trống quá lớn về lực lượng kế thừa”.
Thật ra hồi chuông báo động về sự tuột dốc của cầu lông VN đã được gióng lên từ rất lâu nhưng những người làm chuyên môn vẫn sống trong hào quang quá lớn của Tiến Minh. Có một VĐV từng chia sẻ với Tuổi Trẻ mục tiêu của anh là “đợi Tiến Minh già”. Và đó cũng là tâm lý chung của rất nhiều VĐV VN bởi họ không đủ dũng khí tìm cách “hạ bệ” Tiến Minh bằng chuyên môn.
Bây giờ thì Tiến Minh đã “già” rồi (anh 32 tuổi và tuột xuống hạng 34 thế giới). Tuy nhiên anh vẫn tiếp tục là niềm hi vọng lớn nhất của cầu lông VN ở mọi giải đấu. Trong tương lai, sau khi Tiến Minh giã từ sự nghiệp, cầu lông VN có thể sẽ không có đại diện nào được dự Vietnam Open ngay trên sân nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận