06/12/2008 18:21 GMT+7

Dời thời điểm áp dụng Luật Thuế thu nhập cá nhân là phù hợp

Theo NGUYỄN TRỌNG HẠNHDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo NGUYỄN TRỌNG HẠNHDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Ngày 27-11-2008, Chính phủ đã đề nghị: lùi thực hiện Luật thuế Thu nhập cá nhân đến ngày 1-7-2009. Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21-11-2007, có hiệu lực thi hành ngày 1-1-2009.

Như chúng ta đã biết, cải cách hệ thống thuế ở Việt Nam là một yêu cầu tất yếu khách quan để phát triển kinh tế thị trường, hội nhập với nền kinh tế thế giới. Cơ cấu số thu về thuế trong tổng thu ngân sách cũng phải chuyển đổi theo xu hướng: tăng tỷ trọng thuế trực thu (thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế tài sản...), giảm tỷ trọng thuế gián thu (thuế xuất nhập khẩu (XNK), thuế giá trị gia tăng (GTGT)...).

Hiện nay việc động viên thu nhập của cá nhân vào ngân sách nhà nước đang được thực hiện bởi ba văn bản pháp luật thuế: thu nhập cá nhân kinh doanh thực hiện theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; thu nhập từ tiền lương, tiền công, trúng thưởng xổ số, chuyển giao công nghệ thực hiện theo quy định của pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao; thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thực hiện theo quy định của luật thuế chuyển quyền sử dụng đất.

Nghĩa vụ nộp thuế TNCN còn phân biệt giữa người Việt Nam và người nước ngoài (người Việt Nam nộp thuế cao hơn)... Việc Quốc hội ban hành Luật thuế TNCN, để từng bước hoàn thiện hệ thống các luật thuế, là hoàn toàn phù hợp.

rNCqINnK.jpgPhóng to
Cán bộ thuế giải đáp thắc mắc cho người dân tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: Tuệ Doanh

Do luật thuế TNCN có phạm vi điều chỉnh rộng, đụng chạm đến lợi ích trực tiếp hầu hết người dân, cho nên để triển khai áp dụng luật thuế TNCN có hiệu quả, Chính phủ cần phải tính đến những yếu tố liên quan:

• Trước nhất là tình trạng kinh tế xã hội. Khi dự luật thuế TNCN được đưa ra lấy ý kiến nhân dân vào năm 2006 và Quốc hội thông qua năm 2007, đây là giai đoạn kinh tế Việt Nam phát triển cao, mức độ lạm phát thấp, đời sống người dân được nâng cao, “xã hội đang vui vẻ”. Tuy nhiên, bước qua năm 2008, khủng hoảng tài chính thế giới dẫn đến khủng hoảng kinh tế lan tỏa đến kinh tế nước ta, cộng với những thiên tai, lạm phát cao làm cho đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Theo dự báo của các chuyên gia phân tích kinh tế thế giới, năm 2009 sẽ khó khăn hơn; kinh tế Việt Nam cũng nằm trong bối cảnh đó; sản xuất khó khăn, hàng hóa không bán được, thu nhập của công nhân, nông dân giảm, mức sống của người dân bị kéo xuống, người dân trong tâm trạng lo lắng, không vui. Việc đưa luật thuế TNCN ra áp dụng trong thời điểm này là không phù hợp với lòng dân, thậm chí nó có thể góp phần làm xấu thêm tình trạng kinh tế xã hội.

• Thứ hai: để thực hiện luật thuế TNCN có hiệu quả, vấn đề cốt lõi là phải quản lý được tất cả khoản thu nhập chịu thuế của cá nhân (thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công, tiền thù lao dưới các hình thức, tiền lãi cho vay, thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng bất động sản, quà tặng...).

Trong thực tế, phần lớn các giao dịch kinh tế giữa các cá nhân, được chi trả bằng tiền mặt (thậm chí mua một căn nhà vài tỉ đồng đến vài triệu USD người ta vẫn chi bằng tiền mặt Việt Nam đồng, vàng hoặc USD). Nhà nước chưa kiểm soát được tài sản của cá nhân nên việc thanh toán chi trả bằng tiền mặt cũng nằm ngoài sự kiểm soát. Người dân khi giao dịch mua bán, chi trả với nhau, họ tính cách nào có lợi thì thể hiện. Do đó cơ quan thuế sẽ không thể kiểm soát được thu nhập chịu thuế của đa số người dân; chủ yếu là kiểm soát thu nhập từ tiền lương, tiền công mà các đơn vị chi trả đưa vào chi phí.

• Thứ ba: việc áp dụng các mức giảm trừ gia cảnh, tức là tùy theo gia cảnh của mỗi người mà được trừ đi một khoản tiền vào tổng thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế TNCN (bản thân người nộp thuế được trừ 4 triệu đồng, những người phụ thuộc mà người nộp thuế phải nuôi dưỡng như: vợ, con, cha mẹ mỗi người được trừ 1,6 triệu đồng). Mức trừ gia cảnh này được xây dựng từ năm 2006, đến nay riêng chỉ số lạm phát đã lên đến 20%, nhưng mức trừ không thay đổi là không phù hợp với thực tế.

• Thứ tư: Điều kiện kỹ thuật: Để luật thuế TNCN vận hành, bắt buộc phải có những cơ sở kỹ thuật kèm theo như phải cấp mã số thuế cho từng cá nhân của hàng triệu người (dự kiến khoảng 15 triệu người, riêng ở TP.HCM ước tính lên đến vài triệu người); những thông tin về thu nhập, thông tin về gia cảnh của từng người luôn biến động... đòi hỏi phải áp dụng công nghệ tin học ở mức độ khá cao và những thông tin đó phải được nối kết giữa các ngành liên quan truy cập, so chiếu được ở cấp độ quốc gia.

Việc làm này phải được chuẩn bị, được đầu tư thỏa đáng và phải có một thời gian nhất định, kể cả việc phải sửa đổi bổ sung một số luật khác có liên quan (như Luật thanh toán tiền qua ngân hàng, Luật kê khai tài sản, kê khai thu nhập...).

• Thứ năm: chuẩn bị tổ chức bộ máy thực hiện, đây là sắc thuế đặc biệt quan trọng, về lâu dài là loại thuế chính trong các loại thuế, do đó bộ máy quản lý thuế TNCN cũng phải được chuẩn bị tương ứng. Hiện nay số thuế TNCN thu hàng năm chiếm tỷ trọng thấp (khoảng 5-6%) trong tổng số thuế, nếu triển khai luật thuế TNCN trong tình hình kinh tế hiện nay, khả năng số thu cũng không tăng được bao nhiêu, nhưng ngành thuế sẽ phải bỏ ra một khoản chi phí không ít và một lực lượng nhân sự khá lớn (trong điều kiện không tăng biên chế), sẽ dẫn đến tình trạng thiếu tập trung cho khu vực chiếm số thuế trên 90%, làm ảnh hưởng đến chất lượng quản lý ở khu vực này, ảnh hưởng đến số thu cho ngân sách.

• Thứ sáu: Công tác tuyên truyền giáo dục.

Ông Otake (Nguyên Tổng cục trưởng thuế Nhật Bản) khi đến làm việc ở TP.HCM có nói: Trong thời chiến, cầm súng để bảo vệ tổ quốc là hành động anh hùng; trong thời bình cầm tiền đi nộp thuế là hành động anh hùng. Để có được ý thức đó trong nhân dân, không phải dễ dàng chút nào.

Đất nước chúng ta đã qua nhiều thời kỳ bị các thế lực phong kiến, đế quốc xâm chiếm; chúng áp đặt các loại sưu cao thuế nặng để bóc lột người dân; tâm lý trốn thuế, chống thuế đã trở thành thói quen trong xã hội, trốn thuế là bình thường. Do đó công tác giáo dục xây dựng ý thức trong nhân dân: nộp thuế chẳng những là việc chấp hành pháp luật, mà còn là chuẩn mực đạo đức trong một xã hội văn minh; công tác tuyên truyền giáo dục về nghĩa vụ công dân trong việc chấp hành pháp luật thuế phải được đặc biệt quan tâm và là quá trình lâu dài.

Tóm lại việc Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho lùi triển khai thực hiện luật thuế TNCN đến 1-7-2009 là phù hợp. Trong giai đoạn này ngành thuế cần khẩn trương chuẩn bị các điều kiện liên quan để đến thời điểm thích hợp, Chính phủ cho phép thực hiện, thì người chịu thuế mới ở trong tư thế sẵn sàng làm nghĩa vụ công dân.

Theo NGUYỄN TRỌNG HẠNHDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên