07/04/2021 10:11 GMT+7

Đời thợ hồ 'du mục': Xây nghìn nhà, mình 'ở bụi'

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Cái chòi xập xệ, trơ trọi giữa đầm lầy cạnh sông Sài Gòn (trên đường Ven hồ trung tâm, TP Thủ Đức), nơi Kiệt cùng hơn chục thợ xây khác đang sống được che quanh bằng bạt cũ.

Đời thợ hồ du mục: Xây nghìn nhà, mình ở bụi - Ảnh 1.

Có máy móc hỗ trợ, khâu làm sắt trở nên nhẹ nhàng hơn đối với cánh thợ xây - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Giữa cái nắng nung người tháng 4 trời TP.HCM, lưng áo người thợ hồ ướt sũng mồ hôi. Cạnh những người đàn ông lực lưỡng còn có cả phụ nữ, trẻ em, những gia đình trẻ với đứa con mọn chưa đầy tháng, họ làm việc và sinh sống ngay tại các công trình luôn đầy bụi.

Xây nghìn nhà, còn mình ở "bụi"

Khi công trình dần hoàn thiện cũng là lúc họ tháo dỡ túp lều được dựng với bốn bề là tôn, nền là những tấm gỗ tạm bợ, chỗ ăn chỗ ngủ là một. Cả trăm công nhân rời công trình. 

Hơn nửa số người trong đoàn rồ xe máy đi. Tốp còn lại lê bước chân nặng trĩu sau một ngày lao động miệt mài đi về phía những túp lều lụp xụp cách đó không xa. "Dù xa nhau trọn ngày đêm anh càng yêu em càng hăng say, xây cho nhà cao cao mãi" - qua điện thoại, thợ hồ Nguyễn Văn Kiệt (29 tuổi, quê An Giang) hát. Còn các thợ hồ khác lại pha trò: "Xây cho nhà cao, cao mãi, còn mình ở bụi".

Kiệt là thợ mới vào nghề được gần nửa năm nay. Trước khi dịch bệnh bùng phát cao điểm, anh làm công nhân giày da ở Vũng Tàu. "Nuôi vợ và một con nhỏ mà lương công nhân chưa tới 6 triệu đồng một tháng, rồi còn mình ăn ở nữa sao đủ" - anh Kiệt tâm sự lý do đến với nghề thợ hồ. 

Sáu tháng lên TP.HCM là ngần ấy thời gian anh tập làm quen với cuộc sống du mục. Cái chòi xập xệ, trơ trọi giữa đầm lầy cạnh sông Sài Gòn (trên đường Ven hồ trung tâm, TP Thủ Đức), nơi Kiệt cùng hơn chục thợ xây khác đang sống được che quanh bằng bạt cũ. Mái chòi nửa tôn nửa lá được chằng tạm bởi dây thép. Bên trong, những cây bạch đàn, ống thép làm đà ngang và trụ chống được cột bởi mấy sợi dây cao su cắt ra từ ruột lốp xe. 

"Nửa năm rồi chưa có giấc ngủ ngon" - anh Kiệt kể.

Đời thợ hồ du mục: Xây nghìn nhà, mình ở bụi - Ảnh 2.

Các công trình ngổn ngang sắt thép - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Với các công trình có quỹ đất lớn, thợ xây thường tập trung nhau lại dựng lán sống chung. Ngủ lại công trình giúp anh Trầm Ngọc (quê Trà Vinh) vừa tiết kiệm được tiền ăn ở lại được chủ thầu thêm phụ cấp. Tuy nhiên, trận mưa lớn trái mùa đêm 3-4 khiến toàn bộ chăn màn, quần áo của anh ướt sũng. Cái "giường" được dựng tạm bằng tấm tôn mục kê trên mấy viên gạch cũng không thoát khỏi cảnh đầm đìa trong bùn nước. Anh Ngọc đành chạy đến dưới hiên nhà của một hộ gia đình gần đó đứng trú tạm cả đêm.

"Nắng thì nóng nhưng không sao, sợ nhất là mấy trận mưa trái mùa giữa đêm, ầm một cái rồi như trút nước xuống là trở tay không kịp. Ximăng, cát sạn, rồi còn mùng màn, chăn chiếu ướt sũng hết thì còn làm ăn gì nữa. Không ngủ được thì mai sức đâu mà xây" - anh Ngọc than.

Nương tựa đất trời

Đời thợ hồ du mục: Xây nghìn nhà, mình ở bụi - Ảnh 3.

Lán trại nửa tôn nửa lá của Hiếu, Kiệt và cánh thợ hồ trên đường Ven hồ trung tâm - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Anh Nguyễn Quang Hiếu (24 tuổi, quê An Giang) cùng vợ là Lê Thị Thảo Nhi (18 tuổi) cũng đang sống chung một lán trại với gia đình 9 người trên đường Ven hồ trung tâm (TP Thủ Đức). Bố mẹ, em trai Hiếu đều là thợ xây, sống du mục giữa đất trời ngót nghét 20 năm qua, trải dài từ Đồng Nai, Bình Dương lên tới TP.HCM. 

Trong lán, phòng ngủ của Hiếu được chăm chút, che đậy kỹ càng hơn bởi ngoài hai vợ chồng còn là đứa con chưa đầy 3 tháng tuổi. "Thấy con cũng bình thường, nắng gió quá thì mình che chắn kỹ hơn tí, còn không thì mở ra cho thoáng" - Thảo Nhi nói.

Mỗi chiều tan ca, Hiếu đều xuống các đầm lầy cạnh công trình để bắt cá. Khi có khi không, thế nhưng được làm việc ở các công trình lớn cạnh đầm lầy, sông suối luôn là sở thích của Hiếu và cũng là của cánh thợ xây nói chung. 

"Ngần này cá ra chợ cũng mất nửa ngày công chứ đùa" - vừa nói, Hiếu đưa rổ cá rô đồng vừa bắt được lên bờ. Vợ của Hiếu cũng thường ra gần bờ sông, nơi có các khóm rau muống mọc hoang hái vào nấu ăn.

Đời thợ hồ du mục: Xây nghìn nhà, mình ở bụi - Ảnh 4.

Thợ hồ trẻ Nguyễn Quang Hiếu, vợ Lê Thị Thảo Nhi và con tại nơi ở của họ - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Hơn 10 năm theo nghề, anh Ngọc nói không thể đếm xuể đã mất bao nhiêu cái điện thoại. "Giữa đêm trời mát, ngủ say quá, trộm lại lẻn vào cuỗm mất. Hầu như đời thợ hồ ai cũng từng mất 1 - 2 chiếc điện thoại là bình thường. Có lần công trình tôi mất liền 5 cái, còn tôi mất cả cái điện thoại vừa mua hơn 3 triệu đồng. Ăn không dám ăn mà mất 3 triệu cái vèo, đau lắm" - anh Ngọc nói.

Đời thế mà vui

Theo cha mẹ sống trên các công trình từ nhỏ, hầu như Hiếu không biết trường học là gì. Không biết viết nhưng mặt chữ, lời bài hát karaoke thì anh vẫn có thể đọc ra. Hiếu nói hát là cách để nhóm thợ xây tạo niềm vui cho nhau mỗi dịp cuối tuần. Anh cũng đùa rằng sống du mục như gia đình mình rất khổ, thiếu trước hụt sau nhưng mỗi khi hát thì sướng hơn bất kỳ ai vì không bị bắt bẻ do ồn ào.

"Cái loa này mua trả góp trong tiệm, những 15 triệu đấy. Bình thường thì đâu dám đi đâu chơi, bởi đi ra thì lại tốn tiền. Mà ở mãi đây cũng buồn, loa đắt nhưng khi làm về mệt hát vài bài, đời thế mà vui" - Hiếu tâm sự, chỉ tay về cái loa kẹo kéo mới toanh đằng xa.

Tôi đi làm công nhân - Kỳ 2: Thấp thỏm vào đời thợ Tôi đi làm công nhân - Kỳ 2: Thấp thỏm vào đời thợ

TTO - Khăn gói đi Bắc Ninh vẫn không tìm được việc chính thức, tôi chấp nhận làm thời vụ có hợp đồng qua công ty môi giới tuyển dụng. Lần đầu làm công nhân, tôi biết thế nào là dây chuyền sản xuất, tăng ca thêm giờ...

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên