08/04/2021 11:44 GMT+7

Đời thợ hồ đổ mồ hôi xây ước mơ con cái được đến trường

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Đời người thợ hồ nhiều vất vả. Nhưng nói vất vả vậy nhưng họ tu chí làm ăn, tin vào tương lai, hi vọng lo đủ cho con được đến trường, thành tài hoặc chí ít cũng không phải sống đời với cái nghề cực khổ như mình.

Đời thợ hồ đổ mồ hôi xây ước mơ con cái được đến trường - Ảnh 1.

Tạo mọi điều kiện để con được đến trường là những gì mà vợ chồng chị Lành cũng như cánh thợ xây mong mỏi - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Dù tối qua phải tăng ca đến hơn 22h, đến sáng lại đôi vợ chồng trẻ Lê Thanh Tùng (31 tuổi) và Trương Thị Lành (27 tuổi, quê Cần Thơ) vẫn phải đến công trình từ sớm. Chặng đường dài từ khu nhà trọ trên đường số 15 (P.Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức) đến một công trình lớn trên đường Cao Lỗ (quận 8) luôn đông nghẹt xe.

Nhiều cơ cực

Vợ chồng Tùng sinh được hai con, nhưng vì hoàn cảnh nên bé lớn Ngọc Nguyên (học lớp 1) phải về quê ở cùng ông bà để tiện đi học. "Chỗ làm xa chỗ ở cũng cực, nhưng vì gần chỗ trọ có bà kia mở lớp giữ trẻ, ngày 50.000 đồng, chứ qua quận 8 người ta toàn giữ từ 7h30 sáng tới 5h chiều là phải đón về. Mình thợ hồ đâu như công chức được" - anh Tùng lý giải.

Cưới nhau từ năm 2012, vợ chồng anh rất tu chí làm ăn. Ở quê, anh ngày ngày làm thuê đủ thứ nghề, đến mùa lại đi theo ghe vác lúa thuê (60.000 đồng/ tấn). Còn chị Lành ở nhà nuôi con, rồi đầu tư xây chuồng trại nuôi heo, thả gà... 

"Mới 2017 đợt dịch tai xanh đây chứ nhiêu. Heo đang lớn phà phà thì đùng cái lăn ra chết sạch. Mất 30 triệu đồng tiền giống, rồi tiền bột, tiền chi phí điện đài cả mớ, con nào cũng đến đợt bán được cả rồi chứ ít đâu" - chị Lành khóc nhớ lại.

Khó khăn chồng chất khó khăn khi vốn liếng mất sạch, hai vợ chồng lâm cảnh nợ nần. Vũng vẫy gần 3 năm ở quê mãi không khá lên, đến đầu năm 2020, vợ chồng anh Tùng quyết định lên TP.HCM làm thợ hồ, tạo cho mình một lối thoát mới. 

Đời thợ hồ đổ mồ hôi xây ước mơ con cái được đến trường - Ảnh 2.

Thắt lưng buộc bụng là cách để vợ chồng chị Lành sớm thực hiện được tâm nguyện có thể cho con cái ăn học đầy đủ - Ảnh: CÔNG TRIỆU

"Cực chẳng đã mới làm nghề này chứ đêm về mệt rã rời chả ăn uống nổi, mà cũng đâu dám ăn tiêu gì. Làm được nhiêu phải gửi về lo cho con đi học, tiền trọ, tiền sữa bỉm... Đó là chưa kể khi con nợ gọi đòi. Mình không phải có nợ mà không trả, chỉ vì đùng cái nó thành thế nên cũng phải có thời gian làm mới trả hết được" - anh Tùng trút lòng tâm sự.

Tháo chiếc khăn bịt mặt xuống khỏi cằm, chị Lành kể: "Chỉ có mỗi sức khỏe, tuổi trẻ làm vốn liếng nên giờ chỉ mong hai vợ chồng, con cái khỏe mạnh để đi làm trả nợ, kiếm ít vốn rồi về quê mở cái sạp nhỏ bán gì đó, vợ chồng làm lại cuộc đời chứ không thể sống mãi nghề này".

Hi vọng cho con

Anh Dương Tiến Sơn (33 tuổi, quê Nghệ An) gọi điện cho vợ hỏi tình hình ăn học các con ở quê. Đây là lần đầu tiên anh Sơn "Nam tiến" vào TP.HCM làm thợ hồ với giấc mơ sẽ lo cho hai đứa con (đứa 14 tuổi, đứa 3 tuổi) của mình được ăn học đầy đủ. Nhưng chỉ mới làm được bốn hôm thì công trình ngưng việc, lương chưa nhận nên anh không thể rời đi tìm chỗ làm mới.

Hiện công trình chỉ còn mỗi anh Sơn ở lại. Trên cái giường làm bằng các tấm khuôn đúc bêtông kê tạm, mái là trần nhà, xung quanh ngổn ngang sắt thép, áo quần, bữa ăn trưa của anh chỉ vỏn vẹn gói mì tôm pha nước sôi "chay". 

"Đang khó khăn, không làm gì ra tiền nên ăn vậy qua bữa được rồi, mai mốt nhận lương mới đủ tiền gửi về quê cho con ăn học. Nhỏ không học hành gì nên giờ phận làm cha chỉ biết bán sức mua chữ cho con, hi vọng sau này nó đỗ đại học, có việc làm để sống cuộc sống tốt hơn" - vừa nói, anh Sơn vừa húp nghe "rột rột".

Tại một công trình khác cách đó không xa, thợ hồ Nguyễn Thanh Tâm cùng vợ là chị Dương Thị Kiều Hoa (40 tuổi, quê Bình Định) đang ăn trưa. Một cơn gió nhẹ cũng khiến nồi cá kho, đĩa rau muống luộc cùng bát nước ruốc bám đầy cát bụi. Bát canh được làm từ nước luộc rau phải bỏ đi vì bụi bám quá nhiều. Vừa thổi bụi trên bát cơm của mình, anh Tâm vừa gắp cá bỏ sang bát vợ: "Ăn đi, ăn lấy sức chiều còn làm nữa".

Đời thợ hồ đổ mồ hôi xây ước mơ con cái được đến trường - Ảnh 3.

Phụ hồ nữ phải làm đủ công việc, từ việc kéo ròng rọc đến trộn hồ, đẩy cát, bưng gạch... - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Vợ chồng anh Tâm theo nghề thợ hồ được hơn chục năm nay. Ban đầu cả hai cùng làm thợ phụ, nhưng dần dần anh Tâm học nghề rồi lên làm thợ chính, còn chị Hoa chân yếu tay mềm nên làm thợ phụ cũng vừa sức. 

Từ khi sinh đứa con đầu lòng, chị Hoa cùng chồng đã nuôi ước mơ cho con cái học tới nơi tới chốn. Từ ước mơ đó và bằng chính những đồng lương thợ hồ ít ỏi được đổi lấy từ mồ hôi nước mắt, đôi khi có cả máu... đã giúp vợ chồng chị hiện thực hóa được ước mơ. Đó là khi cô con gái đầu lòng Thùy Dương đã trở thành sinh viên năm nhất Trường đại học Công thương TP.HCM. 

Mọi ủ rũ, mệt mỏi trước đó đều tan biến, nhường lại cho niềm tự hào, hãnh diện lộ rõ trên mặt mỗi khi hai anh chị nhắc về Thùy Dương. 

"Mình nghèo khổ, ít chữ đã đành, nhưng con cái thời nay mà không học thì sau này biết làm gì cho có cái bỏ vào miệng. Sức chúng thì chắc chắn không làm nổi mấy nghề này rồi" - chị Hoa tâm sự.

Đời thợ hồ chuyên đi xây nhà - hiện thực hóa ước mơ của những người chủ, và chính họ cũng hi vọng về tương lai, vun đắp cho giấc mơ con cái sau những nhọc nhằn. 

Những thợ hồ đặc biệt

nhung tho ho dac biet

Thợ phụ Ngọc Lợi (phải) xúc cát lia lịa tại một công trình gần đường Nguyễn Địa Lô - Ảnh: CÔNG TRIỆU

10h30 sáng, trời nắng rát. Phía trên giàn giáo tại một công trình nhà ở cá nhân gần đường Nguyễn Địa Lô (TP Thủ Đức), những thợ xây đang tất bật đắp hồ, trét mạch cho bức tường. Ở dưới, nữ phụ hồ Nguyễn Thị Ngọc Lợi (quê Bình Định) tay ôm cả chục viên gạch bước đi, rồi liền quay sang xúc cát, đẩy "ào ào" chiếc xe rùa đầy hồ chạy về cuối công trình...

Lấy chồng khi vừa mới đôi mươi, nhà nghèo, hai vợ chồng làm quần quật với mấy sào ruộng nhưng mãi không đủ ăn. Khó khăn chồng chất, vợ chồng chị Lợi quyết định vào TP.HCM lập nghiệp. Không bằng cấp, anh xin vào các công trình làm thợ xây, chị theo cùng để làm thợ phụ. Kéo chiếc khăn mặt thấm đẫm mồ hôi xuống quá miệng, chị Lợi cười tâm sự: "Năm nay đầu mùa mà trời đã nắng gắt, thợ hồ như tui khổ nữa rồi. Mà biết răng chừ, nghề dang nắng trộn hồ thì phải gắng, nghỉ lấy đâu tiền cho con ăn học".

Trời đứng bóng, tốp thợ xây chia nhau ra tìm chút bóng mát để nghỉ ngơi. Trong lán trại liêu xiêu cạnh công trình, chị Lợi nhen lửa, vo gạo rồi nhặt rau để chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Vừa phụ hồ, vừa phải chuẩn bị cơm nước ngày hai bữa cho cả 12 người cả thợ chính lẫn thợ phụ ở công trình khiến chị không phút nghỉ tay. Lửa đỏ, chị Lợi mở lời với chất giọng đặc sệt Bình Định: "Thợ chính thì chỉ có xây, còn phụ như tui thì làm đủ thứ, từ xách nước, xúc cát, trộn hồ, bưng gạch rồi nấu nướng nữa".

Những ngày đầu theo chồng lên TP.HCM lập nghiệp, Trương Thị Lành (quê Cần Thơ) xin đi trông trẻ, giúp việc nhà... kiếm sống. Cô gái tuổi 27 với dáng người nhỏ bé nhưng sở hữu đôi tay lanh lẹ, đôi chân thoăn thoắt vì từng đi gặt lúa, làm đồng thuê có vẻ không hợp lắm với những công việc nhẹ nhàng ấy. Và rồi Lành cũng theo chồng tìm đến những công trình. Cô bắt đầu từ công việc nhẹ nhàng dưới mặt đất như làm thép, bưng gạch... Sau gần một năm phụ hồ, Lành vẫn không ngờ mình thạo nghề nhanh đến vậy.

"Phụ nữ theo nghề này oải lắm. Ban đầu cũng tính bàn với chồng để nghỉ kiếm việc khác mấy lần rồi ấy chứ, nhưng rồi nghĩ làm chi cũng cực, làm chặp thành quen" - Lành chia sẻ.

Đời thợ hồ Đời thợ hồ 'du mục': Xây nghìn nhà, mình 'ở bụi'

TTO - Cái chòi xập xệ, trơ trọi giữa đầm lầy cạnh sông Sài Gòn (trên đường Ven hồ trung tâm, TP Thủ Đức), nơi Kiệt cùng hơn chục thợ xây khác đang sống được che quanh bằng bạt cũ.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên