Trong những năm đầu của thập niên 1980, sạp báo của ông nổi tiếng nhất TPHCM (ở góc ngã tư Nguyễn Đình Chiểu-Phạm Ngọc Thạch). Nổi tiếng không chỉ vì bán báo đúng giá bìa (thời ấy là chuyện hiếm có), mà quan trọng hơn là trở thành một địa chỉ cung cấp tin tức thể thao quốc tế sớm nhất. Chẳng là ông chịu khó thức khuya dậy sớm để nghe các đài nước ngoài, rồi viết lại kết quả + một chút thông tin cơ bản + một chút bình luận dí dỏm, rồi viết tay dán lên một tấm bảng ngay sạp báo. Chỉ thế thôi mà người mê bóng đá quốc tế bu đen bu đỏ để đọc.
Đơn giản bởi, ngày ấy làm gì mà xem được truyền hình trực tiếp các cúp C1, C2, C3 châu Âu, các giải vô địch quốc gia, vòng loại World cup…Báo chí thì phải ngày hôm sau nữa mới có, chứ đâu có nhanh như bản tin viết tay của ông chủ sạp báo.
Sang đến thập niên 1990, người hâm mộ bóng đá ở VN bắt đầu được xem truyền hình trực tiếp bóng đá quốc tế nhiều hơn, chủ yếu là World cup với EURO. Nhưng, xem xong là hết, chứ làm sao biết sau trận đấu các HLV nói gì, có thông tin hậu trường gì nóng không, rồi các nhà bình luận bàn ra sao…Nhờ vậy, những tờ Tin nhanh World cup, EURO trong những năm ấy bán chạy như tôm tươi.
Nhưng đó là chuyện của ngày xưa. Còn bây giờ, truyền hình trực tiếp bóng đá quốc tế xem đến phát ngán. Ai không thức khuya được thì 6 giờ sáng mở mắt ra, với tay vói lấy chiếc điện thoại smartphone, hay cái máy tính bảng quẹt quẹt vài cái là hiện lên đầy đủ hình ảnh, thông tin, phát biểu sau trận đấu và thậm chí cả những bình luận của tây lẫn ta của các trận đấu mới kết thúc cách đó không lâu. Thậm chí, cả những bàn thắng, những tình huống nóng bỏng cũng được đưa lên dưới dạng clip để xem lại cho mãn nhãn!
Mà nào chỉ có nhu cầu đọc, xem thông tin, hình ảnh, clip bàn thắng; ngay cả những người hâm mộ có nhu cầu chia sẻ suy nghĩ của mình, bình luận của mình về trận đấu, về những bàn thắng, về những nhân vật nổi bật…của trận đấu mới kết thúc ấy, cũng dễ dàng được thỏa mãn bởi các diễn đàn. Có đủ thứ diễn đàn để đáp ứng mọi người, từ bóng đá cho đến quần vợt, bóng chuyền, bóng rỗ, cầu lông, bóng bàn…
Rõ ràng, để đáp ứng những nhu cầu ấy-như là một sân chơi chứ không chỉ là nơi cung cấp thông tin nhanh nhạy cho người hâm mộ- báo giấy thể thao khó đáp ứng đầy đủ.
Và đó là lý do để Thể thao điện tử trên Tuổi Trẻ Online ra đời.
Đời đã thay đổi, và chúng ta cũng phải đổi thay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận