30/11/2004 12:18 GMT+7

Đời "quay show"

Theo TN
Theo TN

“Quay show” được dùng để ám chỉ những cameramen chuyên thực hiện dịch vụ quay video cưới hỏi, ma chay, thôi nôi, đầy tháng, khởi công, mừng thọ...

IwQ5TSYY.jpgPhóng to
Một cameramen trên đường "tác nghiệp"

Khóc và cười

Chuyện thật 100% của Tr. - một phóng viên phát thanh hành nghề tay trái quay show. Buổi quay đầu tiên của anh bạn trẻ là một đám ma ở Trường Long, huyện Châu Thành. Tang gia ở khá xa thị tứ, hôm đó lại cúp điện, cơ khổ pin máy quay lại không đủ cầm hơi. Đang quay cảnh tẩm liệm thì máy hết pin. Sau đó giao băng không có cảnh nhìn mặt lần cuối người quá cố làm đám con cháu trong nhà phát khùng, buộc giảm phân nửa giá tiền kèm hàng loạt lời mắng mỏ. Nhỏ con, ốm nhách, tay máy mặt non choẹt chỉ còn nước xin lỗi rối rít, mong tang gia thứ lỗi, rồi lặng lẽ rút. Show mở hàng coi như mất tiêu chữ hên.

Dấn thân vào nghiệp cầm máy, cameramen nào cũng biết cái chuyện máy quay lâu ngày thì xuống màu và cuối cùng là mất hẳn màu. Cái xui lại vận vào Tr. một lần nữa. Hôm đó, nhận show khai trương một khách sạn tư nhân ở Vĩnh Long. Toàn bộ cuộc vui được ghi vào băng ngon lành. Đường dây hình ảnh liền lạc, các phát biểu cắt cúp gọn gẽ, bố cục hình khá chuẩn, màn ảnh không rung..., Tr. hí hửng giao băng và cười toe cầu tài. Giám đốc khách sạn hứng chí xem băng tại chỗ và mở bia chiêu đãi thằng em. 30 phút băng đầu tiên hình màu rất đẹp, nhưng từ đó trở đi thì toàn là trắng đen. Giám đốc từ vui chuyển sang quát: "Tôi hợp đồng với chú là quay NTSC màu mà sao giờ chỉ có màu đoạn đầu còn lại trắng đen hết là sao, chú về đi đừng nhìn mặt tôi nữa, làm ăn như cục c...".

Ở thập niên 90, thuê máy hệ PAL rẻ hơn hệ NTSC. Lúc đó, các đài truyền hình đều phát hệ PAL nên máy quay video đang thông dụng là M7. Máy tư nhân chưa nhiều nên một số phóng viên nhà đài lợi dụng chuyện đi công tác để nhận show dịch vụ. Nhiều tay chơi bạo đã đưa hẳn máy cơ quan cho các bạn chạy show chia nhau tiền. Chính vì thế mới có chuyện 2 vợ chồng phóng viên lấy máy đài đi công tác 1 tuần về chỉ giao được 2 tin, 1 phát biểu. Phi vụ đó bị vỡ lở, hai vợ chồng phóng viên phải viết kiểm điểm. Cũng vì lấy máy cơ quan đi chạy show mà phóng viên C.Q phải nhận kỷ luật buộc thôi việc do làm tay trái nhiều hơn tay phải.

Ngày nay thế hệ máy M7 hệ PAL đã đi vào quá vãng, toàn bộ NTSC hết. Hiện thời những cameramen xịn cũng đã bắt đầu quay máy kỹ thuật số, ra đĩa, chứ băng thì đang thoái trào.

Nghèo hay sang cũng vì show

Năm 2000, B. quê Vị Thanh bán máy chụp hình Nikon mới cáu thêm 10 triệu nữa mua một máy quay khá mới để bước vào nghề quay phim mong đổi đời. Hôm đó quay đám rước dâu trên kênh xáng Xà No đông tàu thuyền ngược xuôi. Chiếc tắc ráng chở anh chạy song song với tàu đón dâu chẳng may vướng ề chuối cây, quay ngang. Đang đứng zoom in, zoom out ghi hình, B. lỡ đà nhào đầu xuống sông cái ầm, máy văng mất giữa dòng kênh xáng cuộn chảy. Đau cắt ruột!

Một tai nạn nghề nghiệp khác lại đến với C.H. Bữa nọ, anh quay cảnh đưa tang trên đường phố. Ghi hình theo lộ trình này thì phải ngồi đâu lưng lại với người lái Honda để tác nghiệp. Ngồi như thế rất chông chênh và dễ té. Xui tận mạng, đang quay ngon lành thì một con chó bất ngờ xông ra do nghe tiếng trống kèn. Honda đổ rầm, camera rời tay văng ra đường, bể nát. "15 triệu bồi thường, không mẻ", chủ máy đưa ra cái giá lạnh lùng không khoan nhượng. C.H. buộc lòng kêu vợ đi vay nóng bên ngoài trả nợ máy. Giờ anh sống bằng nghề bán báo, không dám cầm máy nữa.

"Đã mang lấy nghiệp vào thân; Thì đừng có trách trời gần, trời xa". Không phải mọi tay show đều gặp hạn, tan cửa nát nhà. Đã có không ít người giàu lên vì cái nghề này. L.T nhà ở đường Hùng Vương, trước đây khá bèo, nhà trong hẻm nhỏ, anh lại có tật ở chân nên khi mới vào nghề gặp nhiều khó khăn. Giờ L.T đã có nhà lầu, bàn dựng vi tính, cả chục máy quay băng, máy quay kỹ thuật số. Anh chỉ cần ngồi tại phòng lạnh làm hậu kỳ băng đĩa cho cánh cameramen amateur thôi cũng sống khỏe.

Sau giải phóng, hiệu ảnh V.K trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh vẫn đắt khách nhưng chụp ảnh không vẫn chưa đủ bộ. Các con của chủ hiệu ảnh này (kể cả con gái) quyết lao vào nghề quay video. Giờ họ nổi tiếng với những show lớn bao trọn gói quay phim, chụp ảnh. Cũng với phương thức này mà giờ đây hiệu ảnh M.K ở Tây Đô được nhiều người ngoài tỉnh biết đến. Muốn họ giúp show phải đăng ký trước cả tháng.

Bật mí nghề

Không phải dân trong nghề nên nhiều người xem băng cứ trầm trồ sao ông này quay tài quá, cô dâu chú rể bỗng dưng chui ra từ bông hồng, sao hôm đó quay tại Cần Thơ mà có cảnh rước dâu đi ngang Hồ Gươm... Xin thưa quý khách hàng, đó là kỹ xảo tất. Chính vì chuyện kỹ xảo này mà không ít tay cameramen mồm mép phỉnh khách hàng để vòi thêm tiền.

Hiện nay ở Cần Thơ giá show một đám cưới tại nội đô (không quay ngoại cảnh trước) thời gian quay cứng một buổi (rước dâu, lễ nhà thờ, tiệc nhà hàng), ra băng in thêm 1 cặp đĩa, giá trọn gói 700 ngàn đồng. Còn nếu quay kỹ thuật số ra cặp đĩa gốc thì 1 triệu. Thực tình với giá này, nếu toàn bộ máy móc là của nhà thì cameramen lời từ 70% đến 80% trên tổng hợp đồng. Nhưng nghề nào cũng vậy, nó đều có những quy ước riêng, lề luật riêng. Hành nghề này ngoài chữ tín, cameramen phải có sức khỏe vượt trội và óc thẩm mỹ nghệ thuật mới có thể theo nghề dài lâu. Có sức thì quay khuôn hình không rung, không chao. Mắt nghệ thuật giúp chọn góc độ, kiểu cảnh bắt mắt để bấm máy. Bên cạnh đó là cần một cái đầu nguội, tánh tình nhẫn nhịn.

Tôi đã chứng kiến cảnh camera nhà trai, camera nhà gái “kên” nhau vì ai cũng cho mình là giỏi. Anh này chuẩn bị bấm máy thì anh kia bật đèn pha 1000W rọi thẳng vào ống kính đối thủ. Một bận khác là cảnh không thuận nhau của quay phim và chụp ảnh. Hôm đó T. chụp ảnh còn Kh. thì quay phim cho đám cưới. T. cái miệng tía lia, nhảy tới nhảy lui liên tục, che ống kính máy quay. Nhịn một hồi không được, Kh. kéo T. ra ngoài chỉ thẳng mặt: "Mày mà còn nhảy nhót, miệng tía lia nói năng lung tung lọt tạp âm vào băng là tao... dộng". T. im nhưng sau đó phân bua: "Nó có biết đạo diễn hình gì đâu, tui đạo diễn hết cho quay mà không cám ơn. Vì đám cưới chớ chỗ khác tui đâu nhịn".

Đời quay show vẫn luôn tiếp nối như những vòng tour của băng hình, dù cho máy quay cá nhân ngày càng nhiều. Vì phàm là người thì số đông vẫn muốn được lên phim để xem cho rõ mặt mày, cho dù lúc đó họ đang vui hay mếu đi chăng nữa.

Theo TN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên