![]() |
Tại trạm cân Dầu Giây vẫn cân tải trọng trục xe (ảnh chụp lúc 11g15 ngày 23-10-2003). |
Theo ông Hồ Văn Sến, từ ngày 19-9 trạm đã gắn bảng thông báo ở phía trước trạm cân để thông tin trước cho lái xe, và từ ngày 1 đến 4-10 trạm đã cân thử trục tải trọng xe cho xe tải nhưng không xử phạt dù xe quá tải trọng.
Thế nhưng trong hai ngày 5 và 6-10, khi bắt đầu áp dụng phương thức cân trục xe có kèm biện pháp xử phạt thì mỗi ngày có đến gần 100 xe vi phạm (so với trước đó khi áp dụng cách cân tổng trọng tải xe mỗi ngày chỉ có 5-10 xe vi phạm). Đa phần các xe vi phạm đều là xe có hai trục đơn.
Trưởng trạm cân Dầu Giây cũng thừa nhận trong những ngày đầu thực hiện cân trục xe, nhiều lái xe đã phản ứng là họ hoàn toàn không được thông tin việc thay đổi phương thức cân tải trọng, và trạm cũng không thể thông tin đến từng lái xe hoặc doanh nghiệp. Đến nay đa phần các xe đã nắm được việc cân xe nên số xe vi phạm đã giảm còn 5-10 xe/ngày so với số lượng xe qua trạm 2.000-2.500 xe/ngày(?).
Theo nhiều nghiệp chủ, các xe chở hàng rời có thể tránh bị phạt khi cân trục xe quá tải, nhưng xe chở container thì rất khó tránh. Bởi lái xe không ai có thể biết được hàng trong container được sắp xếp ra sao, vì container được niêm phong từ nước ngoài nhập về các cảng biển và từ đây họ chở về các khu công nghiệp, khu chế xuất. Các doanh nghiệp cho rằng cũng không thể tìm loại xe nhiều trục để chở container như ý kiến của ông Nguyễn Hữu Tam vì trong nước có loại xe rơmooc có ba trục là nhiều nhất. Vì vậy, sẽ còn nhiều xe tải bị phạt vì từng trục xe đều quá tải trọng 1-2% và mức phạt 1 - 4 triệu đồng sẽ là gánh nặng cho họ. Doanh nghiệp Nguyễn Đức cho biết xe chở mủ cao su bằng container có giấy phép chở hàng siêu trường siêu trọng của Khu quản lý đường bộ 7, xe được xác định tại trạm cân Nông trường Cao su Đồng Nai là không đủ tải, trạm cân Dầu Giây cũng xác nhận không đủ tải nhưng vẫn bị phạt vì quá tải trọng của trục xe là điều vô lý. |
Theo những tài xế mà chúng tôi tiếp xúc, hiện nay các chủ xe, lái xe đã sắp xếp hàng hóa đều trên xe nhưng một số loại hàng hóa không thể sắp xếp được để dàn đều tải trọng trên từng trục xe thì cách tính vượt tải theo trục xe là hết sức vô lý.
Cụ thể là trường hợp doanh nghiệp Nguyễn Đức chở mủ cao su có tải trọng 35 tấn (tải trọng cho phép là 38 tấn) vẫn bị phạt quá tải khi cân trục xe mặc dù xe được thiết kế là xe chuyên dùng.
Nhiều xe chở container từ nước ngoài về còn niêm phong và có giấy phép chở hàng siêu trường siêu trọng nhưng vẫn bị phạt vì quá tải trọng trục xe. Trong khi cán bộ trạm cân chỉ phạt và trả lời na ná nhau: đây là vấn đề chuyên môn của ngành vận tải, trạm cân chỉ xử lý theo qui định từ các văn bản nhà nước.
Tại một bên trạm cân Dầu Giây (có hai trạm cân cho hai chiều xe), chúng tôi ghi nhận trong 20 phút có khoảng 40 xe chạy qua trạm cân này. Tất cả xe qua trạm cân đều buộc phải cân trục trước, tổng trọng tải xe và trục sau xe, đều được báo lên hộp bảng đèn số ngay phía trước. Lúc 11g15, chiếc xe tải số 62L-0944 tiến vào trạm cân trục trước được xác nhận không vượt tải, nhưng cân trục sau theo bảng đèn số thông báo trục xe nặng 11,2 tấn.
Theo giải thích của trạm cân, trục sau được trừ 300kg thì xe vẫn vượt quá 900kg, nếu tính trên tỉ trọng thì xe này vượt quá 2% tải trọng trục cho phép với mức phạt 3-4 triệu đồng.
Có thể nói, đọc các văn bản của Cục đường bộ, nhiều người có cảm giác là Bộ Giao thông vận tải đã mở hướng cho ngành vận tải phát triển, nhưng việc qui định tải trọng trên từng trục xe dường như đã trói buộc hoạt động của xe tải và gây tác động không nhỏ đến kinh doanh vận chuyển hàng hóa.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận