14/01/2007 14:39 GMT+7

"Đối mặt với xu thế vọng ngoại của chính mình!"

Theo Thể thao & Văn hóa
Theo Thể thao & Văn hóa

Vừa là quan chức trong chốn “hội hè”, vừa là Tổng Giám đốc Công ty tư vấn kiến trúc đang ăn nên làm ra (Công ty Nhà Vui), cho nên câu chuyện WTO sát sườn với KTS Nguyễn Thu Phong hơn bao giờ hết.

KTS Nguyễn Thu Phong, Phó chủ tịch Hội KTS TP.HCM:

2zMf1w2t.jpgPhóng to
KTS Nguyễn Thu Phong trong một buổi giao lưu trực tuyến tại báo TT
Vừa là quan chức trong chốn “hội hè”, vừa là Tổng Giám đốc Công ty tư vấn kiến trúc đang ăn nên làm ra (Công ty Nhà Vui), cho nên câu chuyện WTO sát sườn với KTS Nguyễn Thu Phong hơn bao giờ hết.

* Hiện nay việc cạnh tranh giữa các nhà thiết kế kiến trúc trong nước và các hãng liên doanh đã diễn ra rất quyết liệt, và việc vào WTO lại càng làm khả năng thắng thầu của KTS nội khó khăn hơn. Là sếp của một công ty đang làm ăn tốt, anh nhận định cơ hội của mình thế nào?

- Tôi đã có chín năm hành nghề, chưa nhiều nhưng cũng đã va chạm với thực tế này. Cơ hội đến với chúng ta gồm hai mặt, nhập khẩu lẫn xuất khẩu. Xuất khẩu thì rõ ràng là ta thua. Nhập khẩu thì ta phải đối mặt với xu thế vọng ngoại của chính mình, các cơ quan Nhà nước thậm chí còn cho phép thuê tư vấn nước ngoài với giá đặc biệt!

* Vâng, đó là cái thua đầu tiên trên sân nhà…

- Đến lúc này, ta chưa có sự chuẩn bị gì để hội nhập, nếu có chỉ là sự đơn lẻ, tự phát. Từ nhận thức đến động thái đối phó, ta chưa có những bước đi mạnh mẽ. Hiện nay, các hãng thiết kế nước ngoài vào VN rầm rộ, ở Hà Nội có hai hãng Pháp, ở TP.HCM có năm hãng thiết kế lớn nhất của Singapore vào và Hàn Quốc cũng theo chân hệ thống hàng hoá của nước họ nữa. Cửa cho KTS VN đang bị hẹp lại. Việc hâm nóng thị trường bất động sản được các nhà đầu tư Đông và Đông Nam Á tác động mạnh, các đơn vị kiến trúc VN nếu tham gia thì chỉ là gia công. Đó là còn chưa nói đến ranh giới giữa hành nghề và làm ăn.

Chúng ta mơ ước có một hãng thiết kế lớn ở VN. Một số công ty Nhà nước và viện thiết kế thì lại là một hình thái được nhiều sự bảo hộ. Tôi muốn nói đến những hãng thiết kế trẻ năng động. Chúng ta không có hãng như vậy, không có tác giả, tác phẩm lớn, không có trường phái, không có sự ảnh hưởng của những người thầy và không có sự kế tục. Tôi rất tiếc cho sự lụn bại của công ty ADC của KTS Hoàng Phúc Thắng, vì đó từng là hiện tượng nổi bật của đội ngũ KTS miền Bắc vì sự táo bạo và năng động. Có lẽ chúng ta chưa duy trì được sự đoàn kết, sự hợp tác. Những người thầy, người anh phải hy sinh hơn nữa để đàn em đi theo đến cùng.

* Đối với công ty anh thì sao? Đã có sự cố gì xảy ra vì WTO chưa?

- Đối với Nhà Vui, sức ép có đỡ hơn vì với tỷ lệ 90% công trình thiết kế là nhà dân và sân vườn, trong khi mức sống của người dân tăng lên. Nhưng cách đây một tháng, nhân viên của Nhà Vui rậm rịch sang các văn phòng nước ngoài, do mức lương họ trả gấp 2-3 lần (6 triệu so với 2-4 triệu). Rất may là Nhà Vui có được biện pháp “chữa cháy”: thành lập hai công ty liên doanh kiến trúc, một với Singapore và một với Đan Mạch. Cả hai đều yêu cầu cung cấp nhân lực VN, nhất là các KTS biết tiếng Anh. Đó là một may mắn vì khiến anh em yên tâm ở lại.

Mặc dù việc liên doanh cũng là một cách đón đầu nhưng không có nghĩa là đổ xô đi liên doanh mà phải trên tư thế nào. Nhà Vui cũng đã phải chứng minh rất nhiều. Công ty Đan Mạch đưa ra thiết kế phí 45 USD/m2, con số này làm chúng tôi choáng váng, bởi vì Nhà Vui chỉ lấy 10 USD/m2 cũng đã là rất cao ở VN rồi. Tuy nhiên, ở châu Âu giá là 60-65 USD/m2, và lương giám đốc dự án lên đến 7.000-10.000 USD/tháng thì là một khoảng cách quá lớn. Sau đó, hai bên điều đình đi đến một con số tương đối. Nhà Vui có trách nhiệm làm cho các cơ hội đến với liên doanh của mình trở thành hiện thực ở VN. Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện dự án Lăng Cô resort.

* Trình độ của KTS VN ra sao khi so sánh với các đơn vị liên doanh?

- Tôi nghĩ là bài bản và đầy đủ. Kỹ năng làm việc về vi tính, ý tưởng hay. Nhưng cái thua lớn nhất là về phương pháp luận, mà đây là thứ không thể thay đổi ngày một ngày hai được. Đây là kết quả của 12 năm phổ thông và 5 năm đào tạo đại học.

* Có lẽ nên tập hợp, liên kết với nhau, cũng như đào tạo lại nguồn nhân lực?

- Hiện nay về nguồn nhân lực, có đặc điểm sau: nhiều KTS trẻ và giảng viên đã được đi học ở nước ngoài, nhưng việc tái sử dụng họ, để họ có sự đóng góp thiết thực những kiến trúc mới cho đất nước thì hầu như còn bỏ ngỏ.

* Tại TP.HCM, Hội KTS và các KTS trẻ đã có hội đoàn của mình, hàng năm có các tập vựng kỷ yếu hoặc các Gala liên hoan, song các vấn đề về hỗ trợ nghề nghiệp, bảo hộ sản phẩm… thì sao?

- Hiện nay, hội cũng mới chỉ làm được vai trò đoàn kết và kéo được anh em về với hội đoàn. Hiệu quả thực tế trong việc cải thiện môi trường làm nghề thì chưa được bao nhiêu.

Theo Thể thao & Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên