25/09/2012 11:12 GMT+7

Đòi hậu tạ khi trả lại tài sản đánh rơi

NGUYỄN THANH
NGUYỄN THANH

TT - Người nhặt được tài sản đánh rơi có nghĩa vụ phải trả lại cho chủ sở hữu. Điều đó đã được quy định trong Bộ luật dân sự, thế nhưng không phải ai cũng biết.

WQZ7q7cK.jpgPhóng to

Ngày 28-8-2012, chị D.T.M.T. (xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) đánh rơi một cái bóp bên trong có 1,3 triệu đồng, thẻ ATM, giấy phép lái xe, CMND, giấy sở hữu xe. Hai ngày sau, chị T. nhận được cuộc điện thoại của bà T.T.Y. thông báo có nhặt được cái bóp. Khi chị T. liên hệ lại thì bà Y. yêu cầu chị phải hậu tạ 500.000 đồng vì theo lời bà Y., cái bóp này do bà Út nhặt được. Bà Út đang nợ bà 500.000 đồng nên dùng cái bóp để thế chấp. Thấy sự việc phức tạp, chị T. báo Công an xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, nơi đánh rơi cái bóp, để giải quyết. Công an xã đã lập biên bản tạm giữ cái bóp của chị T. để xác minh giải quyết vụ việc.

Phải trả lại tài sản đánh rơi

Theo khoản 1, điều 187 Bộ luật dân sự, người phát hiện tài sản bị đánh rơi phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, công an cơ sở gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp nêu trên, bà Y. đã biết địa chỉ của người đánh rơi nên theo điều 241 Bộ luật dân sự quy định, bà phải thông báo hoặc trả lại vật cho người đó.

Đối với trường hợp tài sản đánh rơi không có địa chỉ, sau một năm kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được; nếu vật có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.

Không được đem thế chấp

Pháp luật chỉ quy định việc không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận tài sản đánh rơi thì tài sản đó có thể thuộc về người nhặt được, ngoài ra không quy định người chủ sở hữu tài sản đánh rơi phải có nghĩa vụ chi trả tiền bạc cho người nhặt được tài sản. Do vậy, việc bà Y. yêu cầu chị T. hậu tạ 500.000 đồng mới trả lại cái bóp là không đúng quy định, việc có hậu tạ hay không, hậu tạ bao nhiêu là tùy chị T..

Cho đến nay, bà Y. chưa báo được địa chỉ cụ thể của bà Út, người mà bà khai đã thế chấp cái bóp cho bà. Công an cũng đã kết luận không xác định được nhân vật tên Út. Tuy nhiên, cho dù việc thế chấp của bà Út là có thật thì việc này cũng không đúng quy định. Theo khoản 1, điều 342 Bộ luật dân sự về thế chấp tài sản, bên thế chấp phải dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận thế chấp.

Có thể bị xử lý hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản

Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hóa có giá trị đặc biệt thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

NGUYỄN THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên