07/10/2009 16:47 GMT+7

Đổi đời cho dân làng bằng cối xay gió tự chế

THƯƠNG VŨ (Theo Wired Science)
THƯƠNG VŨ (Theo Wired Science)

TTO - Dù bị thôi học do không có tiền đóng học phí, cậu bé William Kamkwamba ở Malawi (một trong những nước nghèo nhất châu Phi) đã mày mò chế tạo thành công cối xay gió, mang lại điện cho gia đình và dân làng.

Đổi đời cho dân làng bằng cối xay gió tự chế

TTO - Dù bị thôi học do không có tiền đóng học phí, cậu bé William Kamkwamba ở Malawi (một trong những nước nghèo nhất châu Phi) đã mày mò chế tạo thành công cối xay gió, mang lại điện cho gia đình và dân làng.

ImageView.aspx?ThumbnailID=366821

William Kamkwamba chỉnh một chiếc cối xay gió - Ảnh: TED

Tất cả bắt đầu từ bức hình cối xay gió trong cuốn sách giáo khoa nước ngoài mà cậu đọc trong thư viện làng.

Tờ Wired Science nhận định rằng trong đất nước Malawi còn nặng nề về mê tín dị đoan và cuộc sống người dân vô cùng vất vả bởi nạn hạn hán và đói kém, câu chuyện của Kamkwamba thật sự phi thường bởi sự khéo léo và bền bỉ của cậu.

Cậu bé thất học tự tạo cối xay gió

Cậu sinh ra và lớn lên ở Masitala, làng quê nhỏ bé của nước Malawi. Trước khi chế tạo cối xay gió, Kamkwamba nuôi ước mơ trở thành thợ chữa xe hơi.

Năm 2001 lúc 14 tuổi, Kamkwamba buộc phải thôi học trường công lập vì gia đình cậu không thể chi trả khoản học phí 80USD. Lúc ấy cậu nghĩ cuộc đời mình sẽ chỉ mãi gắn bó với những cánh đồng. Nhưng thậm chí kể cả vị trí là người nông dân của cậu cũng bị lung lay khi nạn hạn hán và nạn đói tấn công Malawi vào năm 2001 và 2002. Kamkwamba vốn đã gầy mỏng lại càng gầy thêm, một số người hàng xóm và người bạn của cậu đã qua đời vì không chịu nổi cơn đói khắc nghiệt.

Vào mùa tiếp theo, trời có mưa và cây trồng dần tươi xanh trở lại, nhưng gia đình Kamkwamba vẫn không có tiền đóng học phí. Vốn sẵn thời gian, Kamkwamba bắt đầu đến thăm thư viện làng. Ở đó cậu đọc được hai cuốn sách giáo khoa viết về việc tạo ra điện. Hình ảnh những chiếc cối xay gió ở bìa cuốn sách gây ấn tượng đặc biệt cho  Kamkwamba.

Malawi thiếu thốn nhiều nguồn tài nguyên nhưng lại rất sẵn gió. Kamkwamba nghĩ rằng một chiếc cối xay gió sẽ giải quyết được nhiều vấn đề cho bố mẹ cậu và sáu chị em gái. Cậu quyết định sẽ làm một chiếc cối xay gió với nguyên liệu là ống nhựa PVC, các bộ phận của chiếc xe hơi và xe đạp gỉ sắt. Ban đầu Kamkwamba làm một mô hình nhỏ. Sau đó cậu dành nhiều tuần lễ làm các bộ phận để tạo ra chiếc cối xay gió thật sự.

Không chỉ tạo ra điện để tiết kiệm tiền cho gia đình và giảm những nguy cơ sức khỏe của việc thắp sáng bằng dầu hỏa, Kamkwamba còn dùng điện để bơm nước từ giếng sâu tưới cho cánh đồng ngô và thuốc lá của gia đình. Nhờ đó, gia đình Kamkwamba đỡ lo hơn trước sự tàn bạo của thiên nhiên và có thể trồng thêm một vụ mùa nữa.

Từ ý định khiêm tốn ban đầu, cuối cùng thì Kamkwamba đã có những thiết kế rất lớn lao. Hiện nay Kamkwamba chế tạo ra ba cối xay gió, đủ để tạo điện thắp sáng cho vài bóng đèn trong nhà, chạy đài và tivi, bơm nước cho các cánh đồng trong làng và cho sinh hoạt hằng ngày của các hộ dân.

Cuộc đời sang trang

Có cối xay gió, Kamkwamba có thể thức khuya đọc sách mà không phải đi ngủ từ lúc bảy giờ tối như đa số người dân Malawi. Nhưng hơn hết, cối xay gió đã giúp gia đình Kamkwamba và nhiều người dân khác không phải chịu những khó khăn của cảnh tối tăm và đói kém. "Một chiếc cối xay gió không chỉ có nghĩa là có điện, đó còn là sự tự do",  Kamkwamba kết luận.

Giờ đây dân làng không phải tốn nhiều thời gian đi kiếm nước nên họ có thể làm các việc khác. Dân làng cũng thôi không dùng dầu hỏa nên không phải hít vào thứ khói độc hại và tiết kiệm được khoản tiền lẽ ra phải dùng mua nhiên liệu.

Chiếc cối xay gió khiến Kamkwamba nhanh chóng nổi tiếng trong làng. Dù vậy, vẫn có lúc cậu bị người dân hiểu lầm. Năm 2006 khi vụ ngô của dân làng bị mất mùa và nạn hạn hán, đói kém lại tràn đến, một số người đổ lỗi rằng chiếc cối xay gió "quỷ quái" đã xua tan các đám mây mang mưa tới. Sau đó, khi chính phủ và các nhóm cứu trợ đến phân phát thực phẩm cho dân làng, họ mới nguôi ngoai.

Chính chiếc cối xay gió đã mang đến cho Kamkwamba cơ hội được trở lại trường. Cuối năm 2006, một nhân viên giáo dục nghe được về công trình tạo điện của  Kamkwamba đã đến thăm cậu và rất sửng sốt khi biết Kamkwamba bỏ học suốt năm năm qua. Nhân viên này sắp xếp cho Kamkwamba đi học trường cấp II theo chi trả của chính phủ và còn cử phóng viên đến viết bài về chiếc cối xay gió. Bài báo xuất hiện trên tờ Malawi Daily Mail đã thu hút sự chú ý của các blogger và từ đó thu hút sự chú ý của các nhà tổ chức Hội thảo công nghệ, giải trí, thiết kế (TED).

Năm 2007, Kamkwamba phát biểu tại hội thảo toàn cầu của TED diễn ra tại Tanzania và được hoan nghênh nhiệt liệt. Nhiều nhà đầu tư đề nghị tài trợ cho việc học hành cũng như các dự án của Kamkwamba. Với số tiền được tặng, Kamkwamba giúp một số bạn đi học trở lại, chi trả các chi phí y tế của gia đình, lắp đặt hệ thống tưới nước trong các cánh đồng của gia đình, lắp đặt tấm năng lượng mặt trời trong nhà mình và một số hộ khác trong làng.

Giờ đây ở tuổi 22, Kamkwamba muốn xây dựng các cối xay gió khắp Malawi. Anh dự định sẽ hướng dẫn những người dân làng khác cách chế tạo cối xay gió. Kamkwamba đang theo đuổi việc học tại Trường trung học Học viện lãnh đạo châu Phi ở Nam Phi và ôn luyện SAT để đăng ký vào các trường đại học Mỹ.

Tấm gương của Kamkwamba gợi cảm hứng cho các chú bé khác trong làng theo đuổi khoa học. Nếu trước đây trẻ em trong làng không có ước mơ gì thì bây giờ các bạn nhỏ hiểu rằng khi quyết tâm làm gì đó thì nhất định sẽ đạt được.

THƯƠNG VŨ (Theo Wired Science)

THƯƠNG VŨ (Theo Wired Science)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên