Trông họ say mê, hào hứng làm sao. Trong khi đó rất nhiều người khác, với nhiều màu da, mỗi người mở trên đùi một cuốn sách đọc chăm chú. Không ai nói với ai một lời, có lẽ họ bận đối thoại với tác giả cuốn sách đang đọc. Tôi chợt nhận ra một điều khác nhau: người mình ít đọc sách hơn người châu Âu rất nhiều!
Phải chăng cái khác nhau này đã tạo ra nhiều sự “khác người ta” đáng xấu hổ như ta thường gặp? Chưa nói đến chuyện lớn, riêng những thói xấu gọi là nhỏ như xả rác vô tội vạ, khạc nhổ ngoài đường, nẹt pô xe máy giữa đêm khuya, không biết cảm ơn, xin lỗi... người mình đã khác với người ta nhiều lắm.
Nhớ là nhiều khi giàu mạnh chưa chắc đã văn minh. Cũng như mấy bác trọc phú, giàu chưa chắc đã sang. Vậy thì cái đầu tiên phải là nâng cao dân trí. Có nhiều cách để nâng cao dân trí. Như pháp luật nghiêm minh, một nền giáo dục có hiệu quả toàn diện, nâng cao đời sống vật chất, dân được đi du lịch nhiều để học hỏi thiên hạ... Những thứ đó nước nào cũng cần, cũng buộc phải có, nếu chưa có thì phải phấn đấu để có.
Sách là lợi khí bậc nhất để nhanh chóng có những thứ đó. Người dân mê sách, chịu đọc sách, được đọc sách, có sách hay để đọc, tạo được một văn hóa đọc sách trong mọi tầng lớp có lẽ là liều thuốc hiệu nghiệm nhất để mỗi người tự “văn minh hóa” mình lên. Vì “thư tịch là cỗ xe để truyền, để chuyển cái đạo học, cái tâm thuật của cổ nhân cho hậu thế” (Phạm Quỳnh). Sách lại không có biên giới quốc gia, chỉ cần chuyển ngữ là kho tàng tri thức, kinh nghiệm ngàn năm của bốn bể năm châu đến ngay với người đọc! Cái lợi của sự đọc sách thì nói mãi không hết và có thể là thừa.
Nhưng nhiều người Việt ta, đáng lo nhất là nhiều bạn trẻ, hễ rỗi một chút là tán dóc hoặc làm đủ thứ chuyện, trừ cầm một cuốn sách. Ở Nga, Pháp, Mỹ và nhiều quốc gia khác, ít có bạn trẻ nào rời nhà mà không mang theo một cuốn sách. Họ đọc trước giấc ngủ, chờ tàu, chờ khám bệnh, chờ hầu bàn đưa món ăn và cả khi ngồi trên bệ xí.
“Vạn ban giai hạ thứ - duy hữu độc thư cao” (mọi nghề đều thấp hèn, chỉ có đọc sách là cao quý) - câu nói của cổ nhân bị hiểu nhầm nên nhiều người dè bỉu, cho kẻ mê sách là mọt sách, là lý thuyết suông và nhiều miệt thị khác. “Cao” ở đây không phải ăn trên ngồi trốc, tự coi mình cao quý, coi khinh kẻ ít học, khoe chữ, hữu học vô hành mà là phương cách cao nhất để mỗi con người có thể tự mình vươn lên một tầm mới. Internet, kỹ thuật nghe nhìn, trừ game, không đe dọa văn hóa đọc như nhiều người nghĩ mà ngược lại, như đã thấy ở các nước hiện đại nhất, nếu biết tận dụng, biết dung hòa và sắp xếp thời gian hợp lý thì công nghệ thông tin sẽ kích thích khát vọng hiểu biết và sẽ song hành, hỗ trợ một cách vui vẻ văn hóa đọc sách.
Hội sách lần thứ 6 ở TP.HCM (kết thúc tối nay) với 200.000 đầu sách và hàng trăm ngàn người đến thăm, mua sách khẳng định người dân đã tự mình tạo được một lễ hội văn minh, cho ta hi vọng sự hiếu đọc, hiếu học mà dân tộc này từng có với hàng ngàn năm văn hiến vẫn còn đó và đang được hối hả hồi sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận