20/12/2005 05:04 GMT+7

Đọc "Đêm trước", nhớ Phùng Gia Lộc

NGUYÊN NGỌC
NGUYÊN NGỌC

TT - Nhà văn Nguyễn Khắc Phê trong bài viết trên Tuổi Trẻ về loạt bài “Đêm trước”đổi mới có nhắc đến phóng sự nổi tiếng lúc bấy giờ của Phùng Gia Lộc đăng trên báo Văn Nghệ.

nDaPtftM.jpgPhóng to
Phùng Gia Lộc tháng 6-1988 - Ảnh tư liệu
TT - Nhà văn Nguyễn Khắc Phê trong bài viết trên Tuổi Trẻ về loạt bài “Đêm trước”đổi mới có nhắc đến phóng sự nổi tiếng lúc bấy giờ của Phùng Gia Lộc đăng trên báo Văn Nghệ.

Cái đêm hôm ấy... đêm gì?Trở lại miền quê “Cái đêm hôm ấy đêm gì…”Đọc loạt bài "Đêm trước đổi mới"

Quả thật không thể không nói đến tác dụng tích cực của báo chí, đặc biệt của thể loại phóng sự, được khôi phục một cách đúng lúc vào thời điểm đó đã thật sự góp phần không nhỏ tạo nên chuyển động xã hội quan trọng nhất của đất nước kể từ sau năm 1975.

Trong sự sống dậy mạnh mẽ, sinh động của phóng sự hồi ấy, Cái đêm hôm ấy đêm gì... của Phùng Gia Lộc có một vị trí đặc biệt: nó gây xúc động lớn hơn cả, chấn động tâm trí người đọc khắp nước (bấy giờ báo Văn Nghệ(*) ở Hà Nội vừa đăng xong lập tức được báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật ở TP.HCM đăng lại ngay), và có lẽ trong hàng trăm phóng sự sôi nổi hồi ấy, riêng nó chắc sẽ còn sống lâu dài như một giá trị văn học độc đáo, khó quên, đánh dấu một thời.

Hoàn cảnh ra đời của phóng sự cũng thật đặc biệt. Tôi nhớ những ngày ấy...

Đang là những ngày âm ỉ mà nóng cháy của “Đêm trước”, và Thanh Hóa là một trong những điểm nóng nhất. Ở đấy cuộc đấu tranh giữa các lực lượng bảo thủ và các lực lượng đòi hỏi đổi mới có thể nói đã đến mức sống mái, thậm chí theo nghĩa đen của từ này. Một không khí khủng bố thật sự, uy hiếp đến cả tính mạng của nhiều người dũng cảm đấu tranh, trong đó có nhiều anh chị em cầm bút.

Anh Phùng Gia Lộc, một người viết nghèo, đau yếu, hiền lành mà hết sức trung thực và can trường, là một mục tiêu trọng điểm của người đứng đầu tỉnh này và tay chân của họ. Lo lắng cho tính mạng của anh, các bạn viết và cả bạn đọc của anh bàn nhau phải tìm cách đưa anh đi lánh nạn.

Đưa đi đâu? Các vùng nông thôn khác cũng đều đang khá căng. Chỉ ra Hà Nội mới có thể tương đối an toàn. Nhưng thoát ra được đến Hà Nội cũng chẳng dễ: có cả một mạng lưới dày đặc theo dõi, bao vây chặt các “mục tiêu”. Anh em phải năm lần bảy lượt mưu mô mới lén đưa được anh Phùng Gia Lộc đến một ga nhỏ, nhanh chóng bí mật đẩy anh lên tàu rồi cử người canh gác chặt hai đầu toa... hệt như thời các chiến sĩ hoạt động bí mật trong lòng địch... cho đến khi tàu tới ga Hà Nội.

Ra đến Hà Nội rồi vẫn còn phải rất cảnh giác, vẫn phải giấu kín anh, đề phòng còn có thể bị “truy kích”. Giấu ở đâu bây giờ? Anh Phùng Gia Lộc vốn quen thân với anh Bế Kiến Quốc, biên tập viên văn xuôi ở báo Văn Nghệ. Anh Quốc báo với chúng tôi và chúng tôi quyết định đưa anh Lộc về giấu ngay ở tòa soạn báo.

Anh Lộc ở ngay trong cơ quan, hết sức hạn chế đi ra bên ngoài, đêm ngủ ngay trên chiếc bàn lớn chúng tôi vẫn dùng làm chỗ giao ban và duyệt báo hằng ngày. Chúng tôi cũng căn dặn nhau rất kỹ, tuyệt đối không ai được tiết lộ sự có mặt của anh ở đây. Hồi đó báo chúng tôi còn rất nghèo. Các chị em ở phòng trị sự chung nhau mỗi người góp mấy lon gạo nấu cơm nuôi anh. Anh chị em biên tập thì góp mỗi người một ít tiền.

Chính trong những ngày đó anh Lộc đã kể cho chúng tôi nghe tình cảnh bi đát của nông dân trong cái “đêm trước” vô cùng đen tối ở quê anh. Chúng tôi ngồi nghe, không ai cầm được nước mắt. Chúng tôi nói với anh Lộc: “Thôi bây giờ anh ở đây với anh em chúng tôi, no đói có nhau. Và anh ngồi đây, viết lại tất cả những gì anh đã biết, đã sống qua và đã kể đi. Chỉ cần viết đúng như anh đã kể”.

Anh Lộc đã ngồi viết thiên phóng sự nổi tiếng Cái đêm hôm ấy đêm gì... như vậy đấy, đều về đêm, trên chiếc bàn lớn duy nhất của tòa soạn chúng tôi hồi bấy giờ, viết mệt quá thì nằm luôn lên bàn đó mà ngủ, nửa đêm sực thức dậy lại viết tiếp... Anh Bế Kiến Quốc là người trực tiếp biên tập bài báo ấy. Theo tôi được biết, anh Quốc hầu như không sửa bỏ chữ nào. Bài viết chỉ trong hai đêm thì xong. Và chúng tôi cho đăng ngay...

Anh Lộc còn tiếp tục phải trốn ở chỗ chúng tôi mấy tháng nữa, rau muối với anh chị em chúng tôi... cho đến khi vị đứng đầu tỉnh anh bị đổ, an toàn cho những người trung thực ở quê anh đã được khôi phục...

Như chúng ta đều biết, sau đó anh Lê Huy Ngọ được cử về làm bí thư Thanh Hóa, thay vị tiền nhiệm ghê gớm kia. Một trong những việc làm đầu tiên của anh Ngọ khi về Thanh Hóa là tổ chức một cuộc gặp gỡ và đối thoại trực tiếp với báo chí, lắng nghe ý kiến của những tờ báo đã tích cực tham gia cuộc đấu tranh quyết liệt cho một Thanh Hóa, và một nông thôn của chúng ta lành mạnh và phát triển.

Tôi đã quen anh Ngọ hồi anh còn làm bí thư Vĩnh Phú. Hôm gặp lại nhau tại Thanh Hóa, tôi còn nhớ rõ anh nói với tôi như thổ lộ một suy nghiệm chắc đã nung nấu khá sâu và khá lâu, một câu hỏi tôi mà cũng có thể là anh tự hỏi mình: “Có phải Thanh Hóa đã được dùng làm “bãi thử” cho dân chủ hóa?”.

Rất có thể đúng như vậy đấy. Dân chủ hóa xã hội không phải cứ nghĩ ra là có ngay được, cũng không phải có thể có trong ngày một ngày hai, mà là một cuộc vận động và đấu tranh xã hội kiên định, kiên trì, lâu dài. Phải “học làm dân chủ” như các bạn ta ở một nước xã hội chủ nghĩa cũ đã nói trong cuộc trăn trở chuyển mình của đất nước các bạn, một cuộc học có thể rất gian nan. Và cần có những “bãi thử”. Để mới dần dần thật sự có được.

Phùng Gia Lộc là một chiến sĩ dũng cảm trong cuộc “học” gian nan đó của chúng ta một thời. Anh đã mất rồi, hầu như chỉ để lại cho chúng ta một bài báo ngắn. Trong văn học có những nhà văn rất xứng đáng là nhà văn, mà chỉ có một bài.

-----------------

(*) Nhà văn Nguyên Ngọc là tổng biên tập báo Văn Nghệ giai đoạn 1987 - 1988.

NGUYÊN NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên