09/10/2011 04:33 GMT+7

Độc đạo

 Truyện 1.092 chữ của ĐỖ DUY
 Truyện 1.092 chữ của ĐỖ DUY

TT - 1 Sờ vào lưng áo ướt đẫm mồ hôi của tôi, Thu nhất định phải xuống xe để tôi đạp qua dốc cho nhẹ. Tôi nhất định không. Thu rút trong cặp ra một túi khăn giấy thơm phức, đưa cho tôi từ phía sau, rồi tựa đầu vào lưng.

KjAQzNT1.jpgPhóng to
Minh họa: TRẦN NGỌC SINH

Lúc đó, tôi đã kịp rút ra một điều: sẽ chẳng có con dốc nào trong đời cao và dài hơn như thế nữa. Một ngày nào đó, nếu tôi không còn sức để đi qua dốc, thì tôi sẽ đẩy chiếc xe này, và muốn Thu ngồi trên đó.

Có lẽ do tôi còn quá nhỏ để biết thật ra những con dốc không cao, không dài, thậm chí là không thấy có dốc, nhưng cứ càng đi càng thấy mệt, như lưng đeo đá tảng. Đó là những lúc tôi thấy Thu quay sang hướng khác khi tôi nói chuyện, hoặc đi với tôi Thu thường hay nhắc giờ về.

Chắc Thu cũng tiếc năm năm trôi qua như tôi nên mới bảo: “Cưới thì cưới”.

Tôi cũng tiếc nên rủ Thu đi chụp với nhau một album cưới, mỗi đứa giữ một bản, rồi chia tay là vui.

Album đó giờ có còn trong nhà Thu hay không thì tôi không biết, nhưng tôi thì đã giấu nhẹm dưới đáy rương rồi. Nếu không làm như vậy, mỗi lần thấy nó, mẹ tôi lại không nói chuyện vài ngày hoặc cứ hỏi tôi về Thu mãi. Tôi vẫn đẻ chuyện nói dóc cho mẹ nghe.

2 Khanh ở giữa đại gia đình, gồm ba mẹ, anh chị và các thế hệ cháu, nhưng không nói chuyện được với ai quá ba câu.

Khanh hỏi tôi việc Khanh đang còng lưng lo cho cả nhà thế này là vì cái gì?

- Tại sao lại hỏi như thế? - tôi hỏi lại.

- Vì thấy ba má Khanh có ăn sung mặc sướng rồi cũng chẳng nhìn mặt nhau. Anh chị Khanh có nhà ở, có xe xịn đi rồi thì cũng quay về trộm tiền của ông bà già. Cháu của Khanh được đưa đi học nước ngoài về, chẳng thèm nói chuyện tiếng Việt với cả nhà nữa. Mấy ngày ở Việt Nam, nó toàn lên mạng nói chuyện với bạn bè bên Mỹ...

Tôi cũng nói được giùm họ vài câu cho Khanh thấy nhẹ. Nhưng càng nói thì càng thấy nhạt nhẽo, giải thích lúc nào chẳng dở, huống hồ gì tôi không phải là họ.

Tôi lặn lội đến chỗ Khanh, quyết tâm kéo Khanh về bằng đủ lý lẽ, nước mắt ngắn dài, mưu mô to nhỏ. Nhưng rõ ràng đi tu là hết thật.

“Đâu ai có thể ở với nhau hoài” - Khanh khuyên ngược lại tôi.

Vậy sao không tranh thủ, ở bên nhau được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu? Tôi nghĩ vậy, nhưng thấy có nói cũng vô nghĩa - cũng là gương mặt và giọng nói Khanh đây, mà kêu bằng tên thật hay “em” đã thấy ngại ngùng.

3 Hoài không lên chùa, không nhập thất, nhưng chẳng khác gì Khanh. Thỉnh thoảng cứ bay đi khỏi Sài Gòn như chưa từng có người nào là Hoài tồn tại trên đời này.

Tôi đến nhà trọ của Hoài, thấy khóa trái cửa. Tôi đến công ty, người ta ngơ ngác hỏi lại: Hoài nào? Đành phải bấm điện thoại, hú họa xem Hoài có nghe máy không. Chuông có đổ, nhưng điện thoại của Hoài thì như đang nằm ở một chỗ không người.

Lâu không tin tức, tôi đành hỏi: Hoài còn sống hay chết?

Ơn trời, Hoài trả lời lại để tôi yên tâm: “gần chết”, và chẳng bảo vì cái gì, chỉ nói bằng đủ tâm trạng đang trải qua: chán, mệt mỏi, tuyệt vọng, cùng đường...

Những từ đó tôi cũng nghe nhiều, thấy nhiều ở những người cùng tuổi xung quanh mình nên không hỏi gì thêm, cho đến khi Hoài lại xuất hiện, nói với tôi: “Sao có chết mà Hoài cũng không đủ can đảm làm?”.

Thật ra, khi nhìn lại, tôi thấy Hoài đã chết rồi, bằng cái xác khô đầy những vết tiêm. Và cả việc lần đầu quỳ xuống bên tôi, Hoài bảo cần tiền.

Tôi giúp Hoài số còn lại trong túi. Hoài đi, hi vọng là sẽ đủ can đảm làm điều Hoài muốn. Coi như khép lại khoảng thời gian tôi cố chứng minh điều Khanh từng nói với mình là sai.

4 Hoài làm tôi thấy rõ: càng cố sống với nhau thì càng thất bại.

Mẹ tôi đã làm như vậy, tôi được chứng kiến từ nhỏ mà không nhận ra.

Bà không cần người đàn ông cùng bà tạo ra tôi có trách nhiệm hay trợ giúp gì. Một mình mẹ nuôi tôi lớn bằng tiền của ngày hai buổi còng lưng đạp xe đến chỗ làm. Thời gian để kiếm bồ thì dành để nấu ăn, rửa chén, giặt đồ, giăng mùng và lo cho những trận bệnh triền miên của tôi.

Khoảng tuổi người ta quyết bỏ hết, chỉ bắt sâu cho cây trong vườn, nghe chim hót buổi sáng, xem tin buồn trên tivi mỗi chiều, kỳ công hơn thì tối thức khuya ngắm hoa quỳnh nở - mẹ tôi tiếp tục bày chuyện làm ăn để gửi tiền ngược lên Sài Gòn, trợ giúp những tháng tôi lỡ vung tay.

Ở tuổi những tưởng chẳng còn mục tiêu gì ngoài sống cho khỏe, và càng lâu càng tốt, mẹ tôi qua điện thoại vẫn nói đến số tiền đã gom đủ để làm đám cưới cho tôi.

Dĩ nhiên là tôi vẫn cùng mẹ nghĩ về điều quan trọng đó. Tôi cũng như mẹ, muốn biết Thu ở đâu, có chồng chưa? Khanh liệu có một ngày sẽ quay lại với đời? Hoài còn sống hay đã chết?...

Những câu hỏi này cũng chẳng khác với những điều đôi khi tôi vẫn tự hỏi về người đàn ông đã tạo ra tôi. Tôi không tự trả lời, thậm chí đã thôi hỏi nữa từ khi tôi nghĩ có lẽ chính tôi cũng như ông: hoàn toàn không thích sự ràng buộc.

Ông không có dịp nhìn lại người phụ nữ mình đã bỏ, âu cũng là duyên phận. Nhưng tôi thì có, nhìn bằng cả một đời tôi. Tôi đủ day dứt (giùm ông) để quyết định một điều: con đường của tôi phải khác.

 Truyện 1.092 chữ của ĐỖ DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Truyện ngắn ĐỖ DUY