08/07/2019 10:36 GMT+7

Doanh nghiệp Việt mạnh dạn đi xa, đánh lớn

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Nếu như ngày trước doanh nghiệp Việt chủ yếu đầu tư ra bên ngoài những thị trường gần như Lào, Campuchia thì giờ đây đã khác.

Doanh nghiệp Việt mạnh dạn đi xa, đánh lớn - Ảnh 1.

Chuyên gia Hàn Quốc (phải) làm việc cho một doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử ở phía Bắc - Ảnh: TRUNG HÀ

Trước đây, các dự án đầu tư nước ngoài của Việt Nam chủ yếu là do doanh nghiệp nhà nước thực hiện; hiện nhiều dự án đầu tư được dẫn dắt bởi khối doanh nghiệp tư nhân, trải dài trên nhiều lĩnh vực từ công nghệ, nông nghiệp đến tài chính ngân hàng.

Thay đổi nhiều về quy mô, thị trường

Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch - đầu tư, riêng trong năm 2018, tổng vốn đầu tư Việt Nam rót ra bên ngoài đạt 376,1 triệu USD. 

Đáng chú ý, đang có sự thay đổi đáng kể trong quốc gia được lựa chọn để đầu tư. Trước kia địa bàn ưa thích chủ yếu của doanh nghiệp Việt là Lào, Campuchia, Myanmar... Đến tháng 6-2019, VN đã đầu tư sang 29 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tây Ban Nha đang là địa bàn dẫn đầu về vốn đầu tư của VN ra nước ngoài, chiếm 29,9% tổng vốn đầu tư. 

Hoa Kỳ xếp thứ 2, tiếp theo là Úc, Malaysia, Nam Phi, Canada...

Đến nay số vốn mà doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất là dành cho hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 81,9 triệu USD, chiếm gần 41% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực ngân hàng đứng thứ hai với 37,1 triệu USD; thông tin và truyền thông đứng thứ 3 với gần 31,7 triệu USD...

Theo ông Nguyễn Thanh Mỹ - chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, nhu cầu đem vốn đầu tư ra bên ngoài là có thật. Chẳng hạn ở thị trường Úc, một số doanh nghiệp VN đang tìm hiểu để đầu tư nông trại ở thị trường này, phát triển sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. 

"Gần đây, các hoạt động kết nối của hội không chỉ tập trung vào kêu gọi đem vốn về VN mà còn bàn chuyện làm sao xuất khẩu được nhiều nông sản, sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài cũng như tiến tới hỗ trợ, khuyến khích doanh nhân Việt đầu tư, mở rộng ra nước ngoài" - ông Mỹ nói.

Cần thêm sự hỗ trợ

Các chuyên gia dự báo vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng thời gian tới, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia ký kết, cắt giảm thuế quan có hiệu lực, đó là động lực để các doanh nghiệp Việt tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nước ngoài.

Tại buổi gặp gỡ với các đại sứ, tổng lãnh sự, đại diện cơ quan ngoại giao VN ở nước ngoài gần đây tại TP.HCM, ông Trần Việt Anh, đại diện Hiệp hội Cao su - nhựa TP.HCM, cho rằng quá trình đi ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt rất cần được tư vấn và cung cấp thông tin về môi trường đầu tư từ cơ quan ngoại giao. 

Trong nhiều trường hợp, các cơ quan này cần có kiến nghị cần thiết với chính quyền nước sở tại nhằm hỗ trợ các dự án đầu tư của VN thuận lợi hơn.

6 tháng, đầu tư ra nước ngoài trên 4.600 tỉ đồng

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, số liệu ghi nhận mỗi năm đầu tư chính thức ra nước ngoài của Việt Nam có xu hướng tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt gần 200 triệu USD (khoảng 4.600 tỉ đồng). Trong đó có 71 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư bên VN đạt 103,9 triệu USD. Có 19 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với vốn đầu tư VN tăng thêm.

N.Bình - N.An

Thực phẩm hữu cơ Việt vào siêu thị Mỹ Thực phẩm hữu cơ Việt vào siêu thị Mỹ

TTO - Thay vì xuất khẩu thô, bị “mất tên”, một số thương hiệu thực phẩm cao cấp của VN như nước mắm, gạo đã được bày bán rộng rãi trong các siêu thị tại Mỹ, EU...

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: thương hiệu Việt