30/04/2006 01:18 GMT+7

Đoàn Minh Phượng và tác phẩm mới nhất: Tôi bắt đầu từ sự trở về

THÚY NGA thực hiện
THÚY NGA thực hiện

TT - Không thấy cái sắc bén nhanh nhạy của người kinh doanh, chẳng thấy sự sôi nổi hào hứng của một đạo diễn, cũng lặn đi đâu đó nét thâm trầm kín đáo của người viết văn, Đoàn Minh Phượng trước mắt người đối diện có cái ngơ ngác rụt rè của một người như muốn giấu mình đi trước dáng vẻ cao lớn kềnh càng của chính mình.

wBFxnklE.jpgPhóng to
Đoàn Minh Phượng và em trai Đoàn Thành Nghĩa trong dịp đưa bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu tham dự Liên hoan phim Las Palmas Tây Ban Nha tháng 3-2006
TT - Không thấy cái sắc bén nhanh nhạy của người kinh doanh, chẳng thấy sự sôi nổi hào hứng của một đạo diễn, cũng lặn đi đâu đó nét thâm trầm kín đáo của người viết văn, Đoàn Minh Phượng trước mắt người đối diện có cái ngơ ngác rụt rè của một người như muốn giấu mình đi trước dáng vẻ cao lớn kềnh càng của chính mình.

Cuộc trò chuyện bởi vậy cũng phải bước qua sự dè dặt của lúc khởi đầu...

* Trong truyện dài mới nhất này, trong cả bộ phim (Hạt mưa rơi bao lâu) của chị, kể cả truyện ngắn đầu tay (Tội lỗi hồn nhiên - ký bút danh Đoàn Minh Hà) đều thấy xuyên suốt một nỗi ám ảnh “tôi là ai”. Nỗi ám ảnh ấy là của riêng tác giả hay cũng là tâm trạng chung của người Việt xa xứ?

- Ám ảnh về cội nguồn là nỗi ám ảnh chung của người Việt xa xứ.

Các nhà xã hội học phương Tây từ lâu vẫn đặt câu hỏi là người di dân nên mang theo quá khứ của mình khi hội nhập cuộc sống mới, hay tốt hơn nên dứt bỏ đi những hành lý có khi nặng trĩu đó để được nhẹ nhàng, dễ thích ứng hơn.

Câu trả lời là người ta khi bỏ đi cái rễ của mình thì cũng không thật sự bám rễ ở đâu được. Mỗi người chỉ có một tuổi thơ. Kinh nghiệm, tình yêu, sự ràng buộc với cuộc sống mà người ấy học được lúc nhỏ sẽ trở thành nền tảng cho tương quan của người ấy với thế giới sau này, dù là ở đâu.

Tuổi thơ của mỗi người là thứ không lặp lại được nên nền tảng đó cũng không thể làm lại. Ít có nỗi cô đơn nào lớn hơn nỗi cô đơn khi người ta tự cắt rời mình khỏi những năm đầu tiên làm người của mình, cắt rời mình khỏi cội nguồn.

Không có một người nào đủ rộng lớn để chứa cả dòng nước trong lòng mình, đủ sống cho cả đời. Khi cần nước, người ta thả gàu xuống lòng giếng. Để thả được gàu, người ta phải giữ sợi dây nối gàu, sợi dây đó cũng là sợi dây nối một người với cội nguồn của mình. Để mất sợi dây đó, người ta sẽ chết khát.

* Tức là, cũng như nhân vật của mình, cũng sợ chết khát, chị luôn hỏi mình là ai...

- Và tôi cũng chỉ hiểu một phần, phần còn lại vẫn còn phải tìm, giống như những nhân vật trong những câu chuyện của tôi. Quá khứ của một người cũng ít nhiều định nghĩa về người đó. Với người di dân, quá khứ giống như một bức ảnh mà họ mang theo lúc rời bỏ quê nhà: nội dung bức ảnh đó đã ngừng lại trong khoảnh khắc bức ảnh đó được chụp, và từ hôm đó mọi thứ trong bức ảnh đều bất động. Ai cũng có quá khứ, giữ cho quá khứ mình có đời sống dù mình ở xa nhà mới là khó. Nếu không giữ được, mình như người đi lạc.

* Nhân vật An Mi trong truyện “đi lạc” gần 1/3 đời người. Còn chị?

- Tôi rời VN theo diện đoàn tụ gia đình khi chiến tranh chấm dứt, trước khi 20 tuổi. Những năm đầu ở nước ngoài tôi bận học, bận đi làm, kiếm tiền. Tôi nhớ nhà, nhưng không bao giờ nghĩ về sự lưu lạc của mình, vì trọng tâm của cuộc đời lúc đó là xoay xở tìm những thứ căn bản nhất cho cuộc sống.

Có lẽ đến gần 20 năm sau, tôi mới thấy rõ ràng mình là một người lưu lạc. Sự lưu lạc đó bắt đầu vào năm nào? Ngày trước tôi sống ở thành phố, tôi không hiểu chiến tranh, tôi tìm mọi cách không nhìn thấy nó, tìm mọi cách đặt mình bên ngoài câu chuyện chung của đất nước mình. Sự lưu lạc bên trong đã bắt đầu trước khi tôi rời VN và theo tôi hết phần lớn cuộc đời.

* Bây giờ, nỗi lưu lạc ấy có còn nơi chị?

- Tôi nhớ một câu của Nossack, một nhà văn Đức: Người ta rất dễ bỏ chạy, bỏ mọi thứ lại sau lưng; chạy hoài, dừng lại mới là khó. Tôi đang cố gắng dừng lại. Các nhân vật trong truyện của tôi bắt đầu từ sự trở về. Chuyện đó mới là khó chứ đâu phải dễ như xách vali đi về ngôi nhà cũ là xong.

* Và chị đã làm được cái việc khó ấy khi trở về VN, hơn 10 năm rồi. Hai chữ “nguồn cội” có gì thay đổi trong suy nghĩ của chị?

- Nguồn cội là quê hương và câu chuyện của riêng mình trong quê hương đó. Anh tôi đi Mỹ đã rất lâu không về. Ngày tôi về Việt Nam lần đầu, tôi hỏi: Anh muốn em mang cái gì từ Việt Nam sang cho anh? (Tôi nghĩ làm sao mang được cả quê hương, nó rộng quá).

Anh tôi nói: Em có nhớ con đường đó, dẫn đến ngôi chùa đó? Chùa có mái cong, mùa mưa rêu mọc trên những viên ngói cũ. Em chụp cho anh một tấm ảnh, một góc mái chùa. Tôi hiểu quê hương là vậy, nó là những thứ cụ thể, giữ được trong tầm nhìn, giữ được trong tâm tưởng, chứ không phải là một điều quá lớn và quá trừu tượng.

* Và khi tro bụi, một câu chuyện của cảm xúc, của tâm trạng lại được mở ra từng lớp, với một cách kể chuyện, cách tự vấn hình như không được “VN” . Chị chịu ảnh hưởng văn học phương Tây?

- Đây cũng là điều người đọc nhận ra trước người viết. Ở Đức, tôi có đọc sách, mà trong gần 20 năm không có sách tiếng Việt để đọc. Nếu có, là những quyển sách của người di dân mang theo, ngôn ngữ trong những quyển sách đó không cùng thở, cùng lớn lên, cùng chìm nổi với dân mình và thời đại mình.

Tôi không muốn chịu chung sự giới hạn của nhiều nhà văn xa xứ khi phải sử dụng một thứ ngôn ngữ đã tách ra khỏi đất liền. Vâng, tôi chịu ảnh hưởng dòng suy nghĩ của người phương Tây.

* Trên con đường đi tìm chính mình, nhân vật trong truyện của chị cũng đi tìm sự thật của người khác, và đã nhận được nhiều câu trả lời khác nhau cho cùng một câu hỏi. Sự thật liên tục bị đánh tráo. Mỗi người đọc chắc rồi sẽ có câu trả lời của riêng mình. Còn người viết?

- Truyện tôi viết về một cô gái không có quê hương nhà cửa, sống lang thang trên những chuyến xe lửa, đi tìm sự thật về sự biến mất của một người phụ nữ không quen. Nhiều nhân vật trong chuyện lúc nhỏ mang sự trong sáng quyết liệt của tuổi trẻ, không chấp nhận dối trá.

Lớn dần, họ bắt đầu hiểu sự thật là một thử thách ghê gớm họ không vượt qua được. Họ bắt đầu nghĩ ra cách có một sự thật nào dễ sống với nó hơn, thuận lợi hơn. Họ cắt xén, may vá lại sự thật như người ta may những chiếc áo vừa cho mình mặc. Nhưng vừa cho người này thì sẽ không vừa với người khác.

Và cô gái nhân vật chính là người đi trong khu rừng đó với nỗi hoang mang. Chỉ vào giờ cuối cùng của cô, cô mới biết mình cũng như họ, đã từ chối quá khứ của mình. Điều duy nhất có thể cứu được cô vào giờ khắc ấy chính là một sự trở về...

* Cảm ơn sự trở về của chị.

no9kXTlu.jpgPhóng to
Và khi tro bụi (NXB Trẻ) mở đầu câu chuyện bằng một cái chết. Xe rơi xuống núi, một buổi chiều tháng mười một mù sương. Nước Đức. Một kiếp người vội vã thành tro bụi, nhưng với người đàn bà ở lại, mất một người chồng là mất đi mọi ràng buộc mình với thế giới này. Không còn người quen, không có việc gì trên đời để làm, không nơi chốn nào để đến, người đàn bà quyết định ra đi, “tôi biết mặt đất là một thứ khó chia tay, nên tôi sẽ sống trên những chuyến tàu”.

Câu chuyện lúc này mới thật sự bắt đầu. Trên những chuyến tàu vô định người đàn bà đã chọn cho mình một cái chết, như một dấu chấm hết. “Dấu chấm hết nào cũng muốn mang ý nghĩa của cái câu đi trước nó. Tôi muốn biết mình là ai để ngày tôi chết tôi biết rằng ai đã chết”.

Người đàn bà đi tìm mình, muốn ghi chép mình ra trên giấy, để mình đọc được chính mình. Chị cần mua một cuốn sổ. Rồi chị gặp một chàng trai (Michael) có người mẹ bị giết. Gặp một đứa trẻ lưu lạc bị bỏ rơi (Marcus). Gặp một tâm hồn(Anita) bị đọa đày. Và một cô giáo (Sophie) đang nắm giữ mọi bí mật... Ai cũng có một quá khứ không dễ tỏ tường. Còn người đàn bà ? Trên trang giấy trắng, chị ghi được hai dòng quạnh quẽ: Tôi là một đứa trẻ mồ côi. Tôi đến từ một đất nước có chiến tranh. Cuộc đời trống trơn, chị có gì để tìm?

Một cánh rừng như vừa trải ra trước mắt, người đọc đi vào một con đường âm u, con đường nhỏ ngoằn ngoèo bất ngờ rẽ sang một hướng khác, rồi lại một hướng khác, và hướng khác nữa. Chưa biết sẽ về đâu nhưng ta vẫn háo hức đi, đi từ nỗi hoang mang này sang nỗi hoang mang khác, và sự thật theo đó cứ hé mở từng chút một, chậm chạp và rời rạc. Cho đến trang cuối cùng...

THÚY NGA thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên