20/06/2014 06:57 GMT+7

"Đoản binh" không phá được "trường trận"

TIỂU DOANH
TIỂU DOANH

TTO - Cách nào đi nữa thì Nhật Bản vẫn ở chiếu trên so với Hi Lạp. Ngoài danh tiếng và giá trị chuyển nhượng của các cầu thủ, Nhật Bản còn được xem là đội bóng có nhiều mảng miếng hơn so với nhà cựu vô địch châu Âu.

Thực vậy, nói đến Hi Lạp là nói đến một đội bóng đơn giản đến nhàm chán. Ngay cả khi họ lên ngôi ở EURO 2004 thì công đầu, theo giới chuyên môn, vẫn thuộc về tài thao lược của Vua Otto - chiến lược gia đảm lược Otto Rehhagel.

Và dù đã 10 năm trôi qua, đảm nhiệm chiếc ghế HLV của Hi Lạp là một người Latin, Fernando Santos đến từ Bồ Đào Nha, thì Hi Lạp vẫn thế. Một lối chơi “chặt to kho mặn”. Mất bóng là lui về hết. Có bóng thì “cắc bùm” lên thật xa phó mặc cho các cầu thủ trên hàng công xoay trở. Một lối chơi bất kể đối thủ là ai, mạnh hay yếu, vẫn chỉ là phòng ngự trước đã.

Phó hội lần này, Hi Lạp không có nhiều chọn lựa về mặt nhân sự. Một cầu thủ từng bị đá văng khỏi Manchester City “thuở còn hàn vi” phải trôi dạt sang Scotland để chơi bóng như Samaras vẫn là lựa chọn hàng đầu trên hàng công. Những cựu binh đã 37 tuổi như Karagounis cũng phải sẵn sàng rời băng ghế dự bị để gánh vác trách nhiệm.

Dù lạc quan cách mấy, cũng khó có thể dành cho đội bóng này một chiếc vé đi tiếp dù họ rơi vào một bảng đấu nhẹ với Colombia, Bờ Biển Ngà và Nhật Bản.

Người Nhật biết rõ với chiều cao trung bình thấp hơn đối phương đến 7cm (1m77 so với 1m84), họ khó lòng thắng trong các cuộc không chiến, tuy nhiên, với hàng phòng ngự 9, 10 cầu thủ bên phần sân nhà của Hi Lạp, quá khó cho các con cháu của Thái dương thần nữ có thể xuyên thủng khu trung tuyến của đối phương.

Ngay cả khi thủ quân của Hi Lạp, tiền vệ phòng ngự Katsouranis nhận thẻ vàng thứ hai rời sân ở phút 38, thì tuyển Nhật vẫn phái tấn công bằng sở đoản khi Hi Lạp vẫn ép hàng tấn công họ ra hai biên. Những pha treo bóng cầu may từ hai cánh của Nhật không mang đến một cơ may nào.

Mãi đến khi Shinji Kagawa vào sân (phút 55), Nhật mới có được những pha phối hợp trung lộ sáng sủa. Tình huống hỏng ăn đáng tiếc nhất của tuyển Nhật Bản là ở phút 68 khi Kagawa chọc khe rất đẹp sang cánh phải cho hậu vệ cánh Uchida lao xuống, pha căng ngang sau đó đã đặt Okubo vào thế trống trải nhưng cú dứt điểm lại đưa bóng đi ra ngoài.

Vây hãm liên tục với kỹ thuật khéo léo, Nhật Bản có tất cả: Thế trận, cơ hội, khả năng phô diễn kỹ thuật… nhưng bàn thắng, điều cần nhất với họ thì mãi vẫn không đến. Lối chơi ngắn, nhuyễn với sự khéo léo thường thấy ở Nhật đã bị Hi Lạp phá vỡ bằng lối đá khó chịu đến xấu xí. Hi Lạp sẵn sàng phạm lỗi ngay khi ngửi thấy nguy hiểm ở càng xa khung thành của họ càng tốt.

68% thời gian kiểm soát bóng, chơi phần lớn thời gian bên phần sân đối phương nhưng để đối phương cầm hòa 0-0, quả là một nỗi thất vọng với các học trò của Zaccheroni. Trong binh pháp cổ của phương Đông, dùng “đoản binh để phá trường trận” là một phương pháp rất hay được các danh tướng cổ sử dụng để thắng trận. So sánh, ví von là khập khiễng, nhưng với Nhật Bản, lối chơi ngắn, nhuyễn, kỹ thuật của họ không khắc chế được “trường trận” bóng dài của đối phương. Rõ ràng, khéo léo không thôi vẫn chưa đủ. Bên cạnh khéo léo vẫn cần sự sắc sảo. Đây là điều mà Nhật Bản còn thiếu.

Lại thêm nỗi buồn châu Á khi cho đến thời điểm này, trong số bốn đội tham dự vòng chung kết, vẫn chưa có đội nào giành được 3 điểm.

TIỂU DOANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên