Tôi gặp chị Diệu Thuần không phải trong căn nhà trọ bé nhỏ, không phải ở chốn quê nghèo xứ Nghệ, cũng không phải phòng Bệnh viện Huyết học sực mùi thuốc... Tôi gặp chị ở Thư viện Cà phê Đông Tây - một không gian mang đậm văn hóa Việt, một nét duyên của phố cổ ngàn năm, trong buổi ra mắt cuốn sách Như hoa hướng dương (NXB Văn Hóa Thông Tin) với 38 trang tự truyện và 15 bài thơ của chị.
Hơn bảy giờ tối, chị Hoàng Thị Diệu Thuần, cô gái nhỏ nhắn, trắng trẻo với nụ cười gắng gượng thoáng nở trên môi, xuất hiện trước mặt tôi. Chị đang mang trong mình căn bệnh ung thư máu, thần chết có thể mang chị đi bất cứ lúc nào. Chị bước vào điềm nhiên và lặng lẽ trong ánh nhìn thương cảm của bao người. Tôi đã từng “gặp” chị qua những dòng tự truyện Như hoa hướng dương, trong âm thanh da diết, dặt dìu, thương mến của tiếng đàn, ở tiếng hát lắng sâu, tình cảm trong ca khúc Chị tôi... Tôi thấy chị gần gũi lắm, thân thương lắm. Chị ở đâu đó trong những khoảng lặng bình yên của tôi ở chốn Hà thành xô bồ, tấp nập này. Chị như chút hương quyện vào cơn gió nhẹ đêm qua, một chút hương đau đáu nỗi niềm nhưng vẫn dịu dàng, bình thản thoảng đưa. Đằng sau gương mặt xanh xao, trắng bệnh, gầy gò của chị là sự phát lộ của một thứ ánh sáng đủ sức soi rọi vào tâm hồn mỗi con người có mặt tại Thư viện Đông Tây buổi tối hôm đó một chút lòng trắc ẩn.
Chị bước lên sân khấu, đôi chân không giấu nổi sự mỏi mệt. Những câu chuyện chị kể, không phải là sự đau đớn chị đã chịu đựng, cũng không phải nỗi sợ hãi, lo âu về cái chết. Chị kể về những kỷ niệm của một tuổi thơ lấm láp nhưng đẹp đẽ, trong ngần. Chị kể đồng dao quê hương, về quãng đường xa xôi đi học ở trường chuyên. Chị tâm tình với chúng tôi về những người bạn, những câu chuyện vui về thời áo trắng. Buổi gặp gỡ chẳng hề thấm bi thương. Nếu có chăng những giọt nước mắt, cũng là những giọt nước mắt của sự xúc động, khâm phục và ngưỡng mộ của khán giả.
Tôi đến để được gặp chị không mang theo “nỗi thương vay” cho một người đang đối mặt với bất hạnh nghiệt ngã, tôi đến bằng sự đồng cảm và muốn sẻ chia, bằng cảm phục chân thành ở cô gái nghị lực và quả cảm. Đọc tự truyện Như hoa hướng dương và tham dự cuộc trò chuyện của chị, tôi thấm thía được một bài học. Đó không đơn giản là ý chí hay nghị lực phi thường, mà còn là sự chấp nhận, và cách nếm trải nỗi đau bằng một tâm thế vững vàng, điềm tĩnh. Đôi mắt chị le lói một vùng sáng thăm thẳm, thứ ánh sáng của một khát vọng sống mãnh liệt, niềm lạc quan và không bao giờ chịu khuất phục trước nghịch cảnh.
Khi cánh cửa của giảng đường đại học vừa mở ra tươi sáng và đầy mơ mộng trong đôi mắt của cô gái xứ Nghệ, bước chân vào đại học Quốc gia với bao dự định ấp ủ, thì căn bệnh ung thư máu đã ập đến bất ngờ. Cuộc sống như thế nào phụ thuộc vào cách nhìn của mỗi người. Với chị Diệu Thuần, tôi nghĩ chị đã nhìn xuyên thấu cả niềm đau dai dẳng kia. Ai đó đã từng nói rằng “Niềm vui giúp ta sống lạc quan hơn, và nỗi buồn giúp ta sống sâu sắc hơn”. Đọc tự truyện của chị, tôi hiểu, nỗi đau đã giúp chị nghiệm ra được nhiều ý nghĩa của cuộc sống, về tình yêu thương của người thân, bạn bè và mọi người xung quanh. Còn gì quý giá hơn của đời người khi nhận ra được chân giá trị vững bền ấy!
Tôi thường rất sợ những nỗi đau âm ỉ. Tôi muốn những nỗi đau sẽ chóng qua, tôi sợ sự giày vò bám riết của nó. Khi gặp chị Hoàng Thị Diệu Thuần, tôi mới giật mình vỡ lẽ, cô gái ấy đã chống chọi với căn bệnh ung thư máu suốt bảy năm qua mà không hề sợ hãi, thật quả là kỳ diệu. Tôi tự hỏi lòng mình có phải hèn nhát lắm không khi luôn sống trong sợ hãi và trốn tránh những nỗi đau của cuộc sống?
Chia tay chị Hoàng Thị Diệu Thuần trong cuộc gặp gỡ ấy, tôi vẫn nhớ lắm dáng hình nhỏ nhắn, và giọng hát ca khúc Donna Donna ngân vang... Tự sâu thẳm lòng mình, tôi thầm cảm ơn chị biết mấy, một bông hoa hướng dương luôn khát thèm sự sống, đã cho tôi những bài học quý giá. Và trong tôi lấp lánh một niềm tin: Rằng cuộc sống có lắm điều diệu kỳ...
Áo Trắng số 19 ra ngày 15/10/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận