18/03/2010 05:34 GMT+7

Đỏ mắt tìm lối đi cho người khuyết tật

QUANG KHẢI - LAN VI
QUANG KHẢI - LAN VI

TT - Theo kế hoạch, hôm nay Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật người khuyết tật (NKT). Bài viết dưới đây cung cấp những thông tin cho thấy NKT còn lắm rào cản trên bước đường mưu sinh, hòa nhập cộng đồng.

1ARu66OM.jpgPhóng to
Các công trình công cộng như trạm xe buýt, rạp hát, công sở thuộc cơ quan hành chính nhà nước… hầu như không có đường dành cho người khuyết tật tiếp cận. Trong ảnh: trạm xe buýt trên đường Hoàng Minh Giám, Q.Phú Nhuận, TP.HCM chênh với mặt đường hơn 30cm - Ảnh: Quang Khải

“Vé số, vé số đây...”, tiếng mời chào của người đàn ông dùng gậy dò dẫm từng bước trên đường Đào Duy Anh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Vừa dứt lời, chiếc gậy dẫn đường chạm phải đầu taxi đang đậu dưới lòng đường. Theo phản xạ, người đàn ông rẽ sang bên phải tìm lối đi khác trong lúc dòng xe cộ đang ùn ùn lao tới.

Trên đường phố TP.HCM hằng ngày có không ít trường hợp như thế diễn ra. NKT phải tự bươn chải, nuôi sống bản thân, gia đình trong điều kiện khó khăn, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Gian nan đường mưu sinh

Người đàn ông mù lòa nói trên tên Ngô Văn Lượng. Hiện anh sống tại khu nhà trọ ở Dĩ An, Bình Dương với người bà đã 84 tuổi. Hằng ngày anh đón tuyến xe buýt số 612 xuống khu vực Bình Triệu, rồi tiếp tục đón xe buýt số 8 về khu vực ngã tư Phú Nhuận bán vé số.

Lề đường Đào Duy Anh khá gồ ghề, lại bị chiếm dụng và không có đường chỉ dẫn hỗ trợ người khiếm thị nên anh Lượng phải dò dẫm từng bước dưới lòng đường bất chấp những hiểm nguy có thể xảy ra. Thấy chúng tôi tỏ lòng ái ngại, anh Lượng bảo: “TP.HCM là nơi hiện đại nhất nước nhưng tìm được một công trình công cộng hỗ trợ NKT đâu dễ”.

Tâm sự của anh Lượng cũng là nỗi lòng của nhiều NKT và là một trong những rào cản khiến NKT khó hòa nhập với đời sống cộng đồng dù từ năm 2002, Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn xây dựng công trình để đảm bảo cho NKT tiếp cận sử dụng.

Tại thành phố, ngay cả các công trình công cộng, bệnh viện - những nơi có nhiều người tới lui - việc thiết kế lối đi dành cho NKT chưa được quan tâm. Tại một bệnh viện lớn ở Q.10, khó khăn lắm ba người đàn ông mới đưa được bà cụ hơn 80 tuổi từ tầng trệt lên lầu một khám bệnh. Bà cụ bị tật ở chân, sức khỏe yếu nên không thể đi lại được, thang máy bệnh viện lại không hoạt động. Con trai và cháu nội bà cụ phải nhờ thêm một người nữa khiêng bà cụ lên cầu thang bộ...

Dạo một vòng khu vực trung tâm thành phố, hiếm khi thấy các công trình xây dựng cao tầng có lối đi dành cho NKT, cũng như các biển chỉ dẫn dành cho họ.

Chị Nguyễn Hướng Dương, chủ nhiệm dự án thư viện sách nói dành cho người mù, nhớ như in lần mình được mời dự hội thảo phục hồi chức năng cho NKT năm 2007 tổ chức ở Q.Bình Thạnh. “Được mời đi dự hội thảo nhưng vừa đến nơi tôi đã thấy nhiều NKT đang quặt quẹo với chiếc nạng gỗ, cố lê những bước chân nặng nề lên gần mười bậc thang bộ mới vào được hội trường. Ngay cả một tổ chức hội thảo về NKT mà còn đối xử với chúng tôi như thế sao không buồn được” - chị tâm sự.

Theo chị Hướng Dương, NKT có thể vượt qua được rào cản tâm lý về những khiếm khuyết của mình nhưng không thể vượt qua được những rào cản bằng bêtông từ các công trình công cộng.

xKl0b1wx.jpgPhóng to
Theo phó chánh văn phòng UBND quận Tân Bình, lối đi dành cho NKT lên khu hành chính UBND quận độ dốc cao, dài hơn 30m nên nếu NKT dùng xe lăn lên lối này phải có người đẩy giúp. Vì vậy lối đi này hầu như không được sử dụng. Nếu NKT đến làm giấy tờ, bảo vệ sẽ khiêng cả người và xe lăn lên các bậc thang bộ ở khu hành chính - Ảnh: H.T.V.

Sợ tăng thêm chi phí?

Thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, giám đốc chương trình khuyết tật và phát triển, Đại học Mở TP.HCM (DRD), cho biết chị cùng nhóm khảo sát đã thực hiện đề tài “Khảo sát các công trình công cộng phục vụ NKT tại TP.HCM”. Kết quả khảo sát 453 công trình y tế, cơ quan hành chính các cấp, công trình giáo dục, văn hóa, nhà chung cư...xây dựng trước và sau năm 2003 (thời điểm quy chuẩn của Bộ Xây dựng đã có hiệu lực) cho thấy có 267 công trình công cộng có lối đi chính độ dốc cao (chiếm gần 60% tổng số công trình), 53 công trình không có nhà vệ sinh (cho người bình thường và NKT), 34 công trình không có bãi giữ xe và cũng không nhận giữ xe ba bánh cho NKT. Khảo sát 264 công trình thì có đến 260 công trình không có dấu hiệu chỉ báo cho người khiếm thị!

Thạc sĩ Yến cho rằng chủ đầu tư các công trình ít quan tâm đến các yếu tố trên do ngại phát sinh thêm chi phí!

Như vậy xem ra quy chuẩn xây dựng công trình đảm bảo cho NKT tiếp cận sử dụng đã không được các chủ đầu tư quan tâm.

Các loại công trình phải đảm bảo cho NKT tiếp cận sử dụng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 1-4-2009 (thời điểm điều tra tổng dân số và nhà ở) cả nước có 12,1 triệu lượt người khuyết tật (tính từ mức độ khó khăn trở lên), chiếm 15,5% dân số từ 5 tuổi trở lên.

Theo quy chuẩn xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành năm 2002, các loại công trình phải đảm bảo cho NKT tiếp cận sử dụng gồm: công trình y tế, cơ quan hành chính các cấp (trụ sở UBND, tòa án, viện kiểm sát...), các công trình giáo dục, công trình thể thao, công trình văn hóa, công trình dịch vụ công cộng (khách sạn, nhà ga xe lửa, bến xe, bưu điện, trung tâm thương mại, chợ...), nhà chung cư, đường và vỉa hè...

--------------------------------

Khi chẳng may chúng ta bị khiếm khuyết một bộ phận nào đó trên cơ thể hoặc có người thân bị khiếm khuyết như thế, chúng ta sẽ có suy nghĩ gì?

Tôi tự hỏi như thế khi rời buổi khai trương hội quán Đời Rất Đẹp (DRD) của các bạn khuyết tật đêm 12-3-2010 vừa qua. Tôi thật sự chùn lòng khi câu trả lời từ chính mình vang lên: chắc có lẽ bi kịch lắm nếu là mình. Và nếu là người thân thì coi như trời bắt mang thêm một gánh nợ. Tôi chắc rằng suy nghĩ này không chỉ của riêng tôi mà còn xuất phát từ nhiều người, thậm chí trong xã hội với một diện không nhỏ.

kZCy8Zej.jpgPhóng to

Thành viên của hội quán Đời Rất Đẹp và một số thân hữu đã tạo nên một bầu không khí tưng bừng trong đêm khai mạc - Ảnh: Richard Mark Dobson

Đến hội quán DRD (91/6N Hòa Hưng, Q.10, TP.HCM) đêm đó, tôi hiểu thấu hơn câu nói tưởng chừng chỉ là một an ủi sáo rỗng: lối đi ngay dưới chân mình! Bởi nhìn vào khối lượng công việc được các bạn tổ chức, điều hành cho một buổi khai trương hội quán, tôi nghĩ người lành lặn cũng khó lòng chu toàn một cách trọn vẹn. Vậy mà các bạn - từ người “chủ trò” đến người phục vụ, kể cả những ca sĩ chuyên và không chuyên đều là người khuyết tật, lại làm được.

Các bạn đã phục vụ một cách rất đàng hoàng cho những khách hàng là chúng tôi, những người đến không chỉ để chia vui, chia sẻ đơn thuần mà còn đến với những đòi hỏi bình thường như những khách hàng bình thường khác. Cái ngồn ngộn đầy ắp của buổi khai trương hội quán của các bạn đêm đó đong đầy một niềm vui quá lớn.

Niềm vui các bạn được có - lần đầu tiên - một nơi chốn thật sự của riêng mình. Một nơi chốn cho các bạn thỏa sức trang trải những buồn vui, tìm sự chia sẻ đồng cảm với nhau và với mọi người. Một nơi chốn để các bạn làm rõ hơn điều hiển nhiên lâu nay ta cứ nói như hô khẩu hiệu mà chưa bao giờ thực nghĩ, đó là: các bạn khuyết tật chứ không... tàn tật. Ngay cái tên hội quán cũng đã nói lên được niềm lạc quan chứa chan mà các bạn muốn chia sẻ với chúng tôi: Đời Rất Đẹp!

Hình như đã lâu lắm chúng tôi mới nhận được một bữa tiệc văn nghệ được “bày biện” đúng nghĩa... văn nghệ như thế. Tiếng đàn guitar thùng trầm trầm vang lên từ người nhạc công chỉ có một tay quyện vào tiếng harmonica réo rắt mà anh cũng chính là người thổi nó. Cô ca sĩ Thủy Tiên bị dị tật miệng đem đến cho chúng tôi những bài nhạc Trịnh tròn vành rõ chữ đúng chất Trịnh đến không ngờ. Phương Dung - cô gái trên chiếc xe lăn trong phim Chim phóng sinh - làm bất ngờ người nghe với giọng hát tuyệt diệu...

Bằng chính công việc, nỗ lực và lòng tự trọng cao, các bạn đã khiến tất cả chúng tôi phải nghiêng mình. Nghiêng mình vì tuy “khuyết” nơi cơ thể nhưng các bạn lại “đầy” biết bao trong việc sống, tự sống và chia sẻ cuộc sống theo cách mà nhiều người lành lặn trong chúng tôi cũng chưa bao giờ có được...

QUANG KHẢI - LAN VI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên